Dưới đây là chia sẻ của chị Thu Hường (35 tuổi, sống tại Tp.HCM) về những sai lầm của vợ chồng mình khi tận dụng đồ cũ để sửa nhà.
Cách đây 5 năm, vợ chồng tôi xây được ngôi nhà một trệt, một lầu trên mảnh đất có diện tích 40m2 ở quận 12, Tp.HCM. Chúng tôi chỉ xây nhà đơn giản nhằm tiết kiệm chi phí do vẫn phải đi vay mượn. Sau khi tham khảo các nhà xung quanh và tìm hiểu các thiết kế trên mạng, vợ chồng tôi cùng bác thợ xây chính đã tự phác ra bản vẽ ngôi nhà. Nhằm tiết kiệm chi phí, chúng tôi mua một số nguyên vật liệu cũ và tận dụng nội thất cũ lấy từ nhà trọ.
Có lẽ do không được thiết kế chuyên nghiệp nên ngôi nhà phát sinh nhiều bất cập cần sửa chữa trong suốt quá trình vợ chồng tôi sinh sống tại đây. Bên cạnh đó, vợ chồng tôi cũng phát sinh thêm một số nhu cầu khiến cho việc sửa nhà cứ diễn ra lắt nhắt. Từ công việc nhẹ như sơn tường đến việc nặng như lát gạch, nâng nền, vợ chồng tôi thường tự mình thực hiện hoặc có khi nhờ thêm anh em, bạn bè. Chồng tôi nhẩm tính, tự làm sẽ tiết kiệm được chi phí thuê thợ nhưng bản thân anh cũng hiểu được rằng sẽ không thể đẹp bằng thợ làm. Tuy vậy, dần dần tôi nhận thấy, chúng tôi tự làm thì tốc độ rất chậm, trong khi không tiết kiệm được bao nhiêu.
Do phải dành thời gian để sửa nhà nên cả chồng (đang chạy xe công nghệ) và tôi (làm kế toán) đều phải giảm thời gian kiếm tiền chính. Ngoài tự mình sơn sửa, chúng tôi còn tận dụng tối đa đồ cũ. Cũng có khi, do tận dụng đồ cũ mà chúng tôi phải sửa lại nhà.
|
Đôi khi, việc tận dụng đồ cũ sẽ khiến bạn lãng phí nhiều thời gian và công sức để sửa chữa |
Năm ngoái, khi sửa nhà, ông cậu bỏ đi bộ cửa ra vào bằng kính. Khi đó, chồng tôi đã xin về để lắp vào làm lớp cửa thứ hai trong nhà mình. Do bộ cửa này nhỏ hơn khung cửa nhà tôi nên chồng tôi phải hì hục xây trát thêm để có thể lắp vừa cho dù bản thân tôi thấy không cần thiết phải lắp thêm lớp cửa này.
Hồi tháng ba vừa qua, chúng tôi quyết định làm thêm một lớp mái tôn lớn hơn dưới mái hiên cũ để che nắng, che mưa. Tuy nhiên, thay vì mua vật liệu và thuê thợ (dự kiến làm trong nửa ngày) với chi phí khoảng 1,5 triệu, chồng tôi lại tận dụng mảnh tôn cũ đem gò cho thẳng và mấy thanh sắt cũ để hàn lại. Suốt nửa buổi hàn không đeo kính bảo hộ khiến chồng tôi bị đau mắt, phải uống thuốc và nằm nhà chườm đá. Anh phải nghỉ ở nhà 3 ngày vì cái mái hiên, tính ra mất khoản thu nhập 3 triệu đồng, gấp đôi số tiền bỏ ra thuê thợ. Hơn nữa, mấy hôm trời mưa to, thanh sắt yếu đã bị gãy khiến mái tôn xệ xuống. Sau đó, vợ chồng tôi vẫn phải sửa lại mái hiên.
Tôi nhận thấy, việc tận dụng đồ cũ đôi khi tưởng tiết kiệm nhưng không phải vậy. Chẳng hạn như cái vòi nước ở chậu rửa bát bị nhờn nên vòi nước rỉ ra, vợ chồng tôi đã sửa lại bằng cách quấn cao su. Tuy nhiên, nước vẫn rò ra nên khi sử dụng phải nhẹ tay. Suốt mấy tháng đó, lượng nước dùng nhà tôi đều hết gần 20 khối, tính ra hết 200.000 đồng. Khi thấy tiền nước hàng tháng quá cao, hơn nữa, vòi nước trông mất thẩm mỹ, chồng tôi quyết định mua vòi nước mới với giá 430.000 đồng để thay vào đó. Các tháng sau, tiền nước giảm chỉ còn 130.000 đồng. Như vậy, tính ra số tiền mua vòi mới bằng tiền nước rò rỉ lãng phí suốt nửa năm.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền cho biết, các gia đình hoàn toàn có thể tận dụng đồ cũ (nếu còn tốt) như sắt thép, gỗ, gạch, cửa sổ, ngói, cửa đi… khi sửa chữa nhà. Tuy nhiên, cần xem xét liệu vật liệu cũ đó có phù hợp với phong cách của ngôi nhà hay không để tránh tốn kém thời gian và công sức khi phụ chế đồ cũ thành đồ mới. Đồ cũ phải hài hòa và đồng bộ với tổng thể ngôi nhà thì mới tiết kiệm được. Kiến trúc sư Truyền đặc biệt lưu ý đồ gỗ phải còn khả năng chịu lực và đảm bảo công năng thì mới nên tận dụng, nếu không sẽ gây ảnh hưởng đến an toàn và thẩm mỹ của công trình. |