Không chỉ là "lớp khiên" bảo vệ ngôi nhà trước các điều kiện thời tiết, mái nhà còn là bộ phận quan trọng quyết định tính thẩm mỹ tổng thể của công trình. Mỗi kiểu mái sẽ ảnh hưởng tới độ bền, chi phí xây dựng, bảo dưỡng cũng như sự thoải mái của các thành viên trong gia đình. Do đó, trước khi quyết định lựa chọn, bạn cần tìm hiểu thật kỹ về mái nhà.
Trong phạm vi bài viết này, Dothi.net giới thiệu tới bạn đọc vai trò, cấu tạo của mái nhà và các loại mái phổ biến tại Việt Nam hiện nay.
Vai trò, ý nghĩa của mái nhà
Mái nhà được hiểu là bộ phận bao phủ phần trên cùng của một ngôi nhà, có chức năng bảo vệ người sống trong nhà cũng như các không gian nội thất tránh khỏi những tác động từ môi trường bên ngoài như mưa, nắng, gió bão... Với vai trò này, bạn nên chọn vật liệu làm mái có khả năng chống thấm, chống ẩm, rêu mốc, cách nhiệt tốt và có độ bền cao.
Bên cạnh đó, phần mái cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc gia tăng tính thẩm mỹ cho nhà ở. Bởi lẽ, khi nhìn vào thiết kế của ngôi nhà, chi tiết này sẽ gây ấn tượng với người ngắm ngay tức thì. Có thể nói, mái nhà góp phần tạo nên diện mạo và linh hồn của công trình kiến trúc.
Về mặt phong thủy, mái nhà chính là nơi tụ khí của toàn bộ ngôi nhà. Vậy nên, một thiết kế mái đẹp không chỉ đảm bảo cả về công năng, tính thẩm mỹ mà còn phải hợp phong thủy để mang lại sức khỏe dồi dào, tài lộc tấn tới cho gia chủ.
|
Không chỉ bảo vệ ngôi nhà trước điều kiện thời tiết, mái nhà còn góp phần quyết định tính thẩm mỹ tổng thể của công trình. |
Cấu tạo của mái nhà
Hai bộ phận chính của mái nhà là kết cấu chịu lực và lớp lợp. Dưới mái còn có trần treo tạo thành hầm mái. Kết cấu mái nhà nói chung cần đáp ứng yêu cầu về công năng, tiết kiệm chi phí và dễ thi công.
Kết cấu chịu lực của phần mái có thể gồm cầu phong, xà gồ, bán kèo, lớp giằng chịu lực... Đây là những cấu kiện chủ yếu chịu tải trọng của chính nó gồm phần mái, lớp lợp (tải trọng tĩnh) và các tác động của ngoại lực như sức gió, bão, tuyết (tải trọng động). Yêu cầu đối với kết cấu chịu lực là phải bền chắc và ổn định.
Lớp lợp của mái nhà có thể là tấm tôn, ngói, bê tông... được ốp trên kết cấu chịu lực. Chức năng chính của lớp lợp là chống nóng và chống thấm dột. Do đó, lớp lợp phải đảm bảo không thấm nước, đồng thời có khả năng cách nhiệt tốt.
|
Mái nhà gồm hai bộ phận chính là kết cấu chịu lực và lớp lợp. |
Các kiểu mái nhà phổ biến tại Việt Nam
Mái ngói
Tại Việt Nam, mái ngói là loại mái nhà truyền thống, phổ biến từ trước tới nay. Tùy vào phong cách thiết kế, mái ngói có thể mang đến vẻ đẹp thanh lịch, nhã nhặn, đề cao yếu tố truyền thống hay tạo sự trẻ trung, hiện đại cho công trình. Ưu điểm vượt trội của mái ngói là mang đến bầu không khí thoáng mát, dễ chịu cho người sống trong nhà bởi ngói được làm bằng đất sét nên tính dẫn nhiệt rất thấp, hiệu quả cao trong việc chống nóng. Đồng thời, kiểu mái này cũng có khả năng chống thấm tốt, phù hợp với điều kiện nóng ẩm mưa nhiều tại Việt nam.
|
Mái ngói là kiểu mái nhà truyền thống trong các công trình kiến trúc của người Việt. |
Điểm trừ của kiểu mái này là khi bị tác động mạnh từ bên ngoài ngói có thể vỡ. Trọng lượng của ngói khá nặng nên đòi hỏi kết cấu chịu lực (phần khung) phải thật chắc chắn. Mặt khác, giá thành của ngói đất nung hiện nay cũng tương đối cao. Việc lắp đặt mái ngói tốn khá nhiều thời gian, đòi hỏi người thợ phải thật cẩn thận để đảm bảo độ an toàn và tránh các khe hở gây thấm dột cho nhà ở.
Mái tôn
Trọng lượng của mái tôn nhẹ, chỉ bằng 1/10 so với mái ngói nên gia chủ có thể tiết kiệm chi phí cho việc xây dựng kết cấu khung chịu lực cũng như các cấu trúc hỗ trợ khác. Đây cũng là kiểu mái giúp hạn chế tối đa thấm dột, thoát nước mưa dễ dàng. Khả năng chống cháy cũng là ưu điểm vượt trội của mái tôn. Về giá thành, mái tôn khá rẻ so với các loại mái nhà khác. Hơn nữa, việc thi công lắp đặt cũng nhanh chóng.
Thế nhưng, nhược điểm của mái tôn là khả năng cách âm kém, dễ gây ồn ào khi trời mưa. Tôn hấp thụ nhiệt lớn nên sẽ gây nóng bức cho ngôi nhà vào mùa hè. Ngoài ra, mái tôn cũng dễ bị móp khi chịu tác dụng lực lớn từ bên ngoài.
|
Mái tôn thường được sử dụng cho nhà cấp 4 ở vùng nông thôn. |
Mái bê tông cốt thép
Mái bê tông cốt thép là một trong những loại mái phổ biến nhất tại Việt Nam với đặc trưng là một mái liền phủ toàn bộ phần mái của ngôi nhà. Do được lắp ghép các cấu kiện bê tông và đổ bê tông toàn khối nên khối lượng khá nặng.
Ưu điểm của mái bê tông cốt thép là khả năng chịu lực cao, chống nóng, chống cháy tốt, góp phần tạo nên một khối liên kết tổng thể vững chãi cho công trình. Gia chủ có thể tận dụng bề mặt sàn của mái để làm sân phơi, sân thượng. Đồng thời, bạn hoàn toàn có thể tùy thích lắp đặt đèn chiếu sáng, phụ kiện trang trí trên trần nhà hoặc đặt dàn nước nóng lạnh, bồn trữ nước...
Mái bê tông tuy không bị dột nhưng dễ bị thấm nước, tạo thành các mảng ố bẩn dưới trần nhà, gây mất thẩm mỹ. Chưa kể, do diện tích sàn lớn nên hiện tượng co giãn xảy ra, gây thấm dột trong kết cấu khiến việc chống thấm, sửa chữa rất khó khăn. Kiểu mái này cũng khó tháo lắp khi cần di chuyển hoặc phá dỡ.
Ngoài ra, khi lựa chọn thiết kế mái bê tông cốt thép, gia chủ cần tính toán kỹ kết cấu chịu lực của phần móng và các bộ phận khác để tránh tạo ra những khe nứt trên tường bởi kiểu mái này khiến tổng khối lượng phần trên của ngôi nhà gia tăng đáng kể.
|
Ưu điểm của mái bê tông cốt thép là khả năng chịu lực cao, cách nhiệt và chống cháy tốt. |
Mái kính cường lực
Mái kính cường lực có độ bền cao, lấy sáng tốt, mang đến vẻ đẹp sang trọng cho công trình. Hơn nữa, việc bảo trì, vệ sinh và tạo kiểu cho mái cũng không quá phức tạp. Đặc biệt, mái kính cường lực có độ an toàn cao đối với người dùng. Khi bị vỡ, các sản phẩm kính khác có thể khiến bạn bị thương nhưng kính cường lực khi vỡ sẽ thành các mảnh tròn không gây hại.
Đây là kiểu mái phổ biến ở những khu nhà liền kề, nhà phân lô, giúp lấy sáng và thông gió cho không gian nội thất. Mặt khác, mái kính thường được lựa chọn cho việc trang trí ngoại thất như mái sảnh chính của tòa nhà, mái sảnh, mái giếng trời, mái tum... trong nhà ở.
Mái kính cường lực gồm các thành phần: khung chịu lực làm từ sắt hoặc inox và kính cường lực dày, có khả năng chịu nhiệt cao hơn so với các loại kính thông thường. Loại mái này được phân thành nhiều loại như mái kính có sử dụng dây cáp, mái kính vòm cong, mái kính kết hợp khung sắt...
Nhược điểm của mái kính cường lực là giá thành cao, khâu vận chuyển và lắp ráp đòi hỏi đội thợ lành nghề.
|
Mái kính cường lực bền chắc và giúp đón sáng tự nhiên cho không gian nội thất. |
Mái Thái
Phần lớn các kiểu nhà cấp 4, nhà vườn, nhà 2-3 tầng đều sử dụng kiểu mái này. Đáp ứng cả về công năng lẫn tính thẩm mỹ nên kiến trúc mái Thái ngày càng được nhiều gia đình lựa chọn. Mái Thái phù hợp với cả các mẫu nhà hiện đại, cổ điển, tân cổ điển và những xu hướng kiến trúc mới.
Về nguồn gốc, mái Thái xuất phát từ Thái Lan và du nhập vào Việt Nam với đặc điểm là độ dốc khá lớn, được lợp bằng ngói Thái. Kiểu mái này có ưu điểm là tản nhiệt chống nóng, thoát nước mưa nhanh, bảo vệ ngôi nhà khỏi thấm dột. Cùng với đó, mái Thái còn góp phần tạo nên sự mềm mại, thanh thoát cho công trình.
|
Mái Thái có độ dốc khá lớn, tản nhiệt và thoát nước mưa nhanh chóng. |
Trong thiết kế, mái Thái không có quy chuẩn, khuôn thước cụ thể. Tùy theo phong cách kiến trúc mà kiến trúc sư cách tân kiểu dáng sao cho phù hợp. Ví dụ, mái Thái cách tân sẽ tạo cảm giác bay bổng, phóng khoáng cho nhà phố. Trong khi đó, kiểu mái nhà này sẽ góp phần tôn lên vẻ đẹp sang trọng, bề thế của biệt tự tân cổ điển.
Theo thời gian, mái Thái được sáng tạo thành nhiều kiểu dáng khác nhau, phổ biến nhất là mái chữ A hoặc mái giật cấp có phần mái đua ra khỏi thân nhà để tạo khối cho tổng thể công trình.
Với những kiến thức mà Dothi.nét chia sẻ trên đây, hy vọng rằng bạn đọc sẽ nắm rõ hơn về ưu, nhược điểm của các loại mái nhà phổ biến tại Việt Nam và lựa chọn được kiểu mái phù hợp với ngôi nhà mình.