Việc đưa các mảng xanh thiên nhiên vào nhà ở ngày càng được nhiều gia đình chú trọng. Đặc biệt, đối với nhà phố nhỏ hẹp, không đủ diện tích để làm sân vườn, thiết kế tiểu cảnh được đánh giá là lựa chọn lý tưởng. Trong phạm vi bài viết này. Dothi.net giới thiệu tới quý độc giả những nguyên tắc cơ bản trong việc bố trí tiểu cảnh làm đẹp không gian sống.
Tiểu cảnh là gì?
Tiểu cảnh được xem như một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ, là sự kết hợp hài hòa của 5 yếu tố cơ bản gồm đất, nước, cây, đá sỏi và không gian. Trong đó, nước và cây xanh là hai yếu tố chủ đạo. Tiểu cảnh thường được thiết kế ở những vị trí như góc sân vườn, lối vào nhà, gầm cầu thang, ban công, sân thượng hoặc giếng trời.
|
Gầm cầu thang là một trong những vị trí lý tưởng để thiết kế tiểu cảnh cho nhà phố. |
Đối với nhà phố, tiểu cảnh có vai trò rất quan trọng. Không chỉ góp phần thanh lọc không khí, tạo điểm nhấn sinh động, che bớt khiếm khuyết (các góc chết) của ngôi nhà, tiểu cảnh còn giúp các thành viên cảm thấy được gần gũi với thiên nhiên hơn, thư giãn, giải tỏa stress sau một ngày dài bận rộn. Về mặt phong thủy, tiểu cảnh còn góp phần điều hòa các luồng khí trong nhà, tạo sinh khí trong lành, tươi mới, mang đến cho gia chủ sức khỏe dồi dào, gặp nhiều may mắn.
Có hai cách phân loại tiểu cảnh phổ biến: Chia theo vị trí, không gian thiết kế có tiểu cảnh góc sân vườn, tiểu cảnh lối đi, tiểu cảnh cầu thang, tiểu cảnh ban công, tiểu cảnh giếng trời, sân thượng. Chia theo đặc tính có tiểu cảnh khô và tiểu cảnh nước.
Nguyên tắc thiết kế tiểu cảnh cho nhà phố
Vị trí đặt tiểu cảnh
Vị trí đặt tiểu cảnh cần được xem xét, lựa chọn kỹ để tạo sự hài hòa cho không gian và phù hợp với tổng thể chung của ngôi nhà. Hơn nữa, vị trí mà tiểu cảnh tọa lạc cũng quyết định tới phong cách bài trí cụ thể.
|
Bạn có thể tận dụng bức tường trống dọc lối đi để thiết kế tiểu cảnh xanh mát. |
Tùy vào điều kiện diện tích, không gian cụ thể của từng ngôi nhà mà bạn chọn nơi bố trí tiểu cảnh phù hợp. Chẳng hạn, với căn hộ chung cư, chủ nhân có thể đặt tiểu cảnh ở ban công, lối hành lang (nếu đủ rộng). Còn với nhà phố, tiểu cảnh có thể được bố trí phía trước, phía sau hoặc hai bên ngôi nhà. Ngoài ra, gầm cầu thang, ban công, sân thượng cũng là những vị trí lý tưởng.
Kinh nghiệm cho thấy, để tiết kiệm diện tích tối đa cho nhà phố, đồng thời giúp xua tan vẻ đơn điệu của bức tường, gia chủ nên cân nhắc bố trí tiểu cảnh ở gầm cầu thang hoặc tựa vào tường.
Lựa chọn loại tiểu cảnh
Gia chủ nên căn cứ vào điều kiện diện tích, tài chính, sở thích, nhu cầu thẩm mỹ để chọn loại tiểu cảnh phù hợp. Dưới đây là các loại tiểu cảnh nhà phố phổ biến mà bạn có thể tham khảo.
Theo vị trí:
- Tiểu cảnh góc sân vườn: Nếu nhà phố có thêm khoảng sân vườn nhỏ, bạn có thể tận dụng tối đa diện tích để bài trí tiểu cảnh gồm cây xanh, hoa cỏ, sỏi đá cỡ nhỏ hoặc thác nước mini.
- Tiểu cảnh lối đi: Gia chủ tận dụng các khoảng trống ở lối vào, hành lang để thiết kế khu vườn thu nhỏ với nhiều loại cây cảnh nhỏ xinh.
- Tiểu cảnh gầm cầu thang: Với không gian thiếu sáng này, gia chủ thường thiết kế vườn hoa khô, hòn non bộ hoặc hồ cá kết hợp cùng đèn chiếu sáng, màu sắc sơn tường, tranh đá...
|
Tiểu cảnh ban công góp phần tạo nên không gian thư giãn lý tưởng cho nhà phố. |
- Tiểu cảnh ban công, sân thượng: Ban công thường có diện tích hạn chế nên gia chủ chỉ mang vào các chi tiết trang trí nhỏ gọn như thảm cỏ nhân tạo, những chậu cảnh xinh xắn, đèn trang trí. Trong khi đó, nếu sân thượng đủ rộng, bạn có thể thiết kế hồ tiểu cảnh thả sen, súng, rong, rêu hoặc thả các loại cá cảnh đẹp mắt.
- Tiểu cảnh giếng trời: Để tăng thêm sự sinh động cho khu vực này và gia tăng dương khí cho ngôi nhà, chủ nhân thường bài trí một khu vườn mini, những viên đá nhỏ, mảng tường ốp đá tự nhiên...
Theo đặc tính:
- Tiểu cảnh khô: Dạng tiểu cảnh này thường mô phỏng cảnh quan núi rừng thu nhỏ gồm cây, cỏ, hoa, lá, đồ vật trang trí. Ưu điểm của tiểu cảnh khô là sạch sẽ, không bị ẩm ướt, tránh được ảnh hưởng tới gạch và tường nhà.
|
Tiểu cảnh nước xua tan vẻ đơn điệu của bức tường trống và mang đến bầu không khí tươi mát cho ngôi nhà. |
- Tiểu cảnh nước: Đây là một góc sông hồ thu nhỏ với hồ cá, suối nước, hòn non bộ... Tiểu cảnh nước cầu kỳ, phức tạp hơn tiểu cảnh khô, được chia thành hai dạng tĩnh và động. Trong đó, tiểu cảnh động sẽ có thác nước, vòi nước không ngừng chảy; tiểu cảnh tĩnh có mặt nước phẳng lặng mang hơi hướng thiền tịnh.
Bố cục hài hòa
Đây là nguyên tắc tối quan trọng khi thiết kế tiểu cảnh nhà phố, quyết định tính thẩm mỹ của khu vực này. Bố cục hài hòa thể hiện trong việc phối kết hợp lý 5 yếu tố cơ bản gồm đất, nước, cây hoa, đá sỏi, không gian. Chẳng hạn, bạn hãy bố trí một đài phun nước nhỏ hoặc tượng đá, cây cỏ, khóm hoa ở giữa làm tâm, những yếu tố còn lại sẽ sắp xếp xung quanh, đối xứng sao cho đồng điệu, đẹp mắt.
Chọn cây trồng phù hợp
Với tiểu cảnh trong nhà, bạn nên chọn các loại cây trồng có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện thiếu sáng và nước như dương xỉ, trúc Nhật, lưỡi hổ, ngũ gia bì, thiết mộc lan, lan ý,... Những loại cây có thể dùng được như bạc hà, nha đam, húng chanh hoặc cây bụi tán thấp, cây bụi có tác dụng đuổi muỗi, côn trùng cũng được khuyến khích trồng.
|
Các loại hoa thường ít được trồng ở tiểu cảnh bởi dễ gây dị ứng và không bền. |
Mặt khác, để đảm bảo cho tiểu cảnh được xanh tốt quanh năm, bạn nên trồng xen kẽ các loại cây thay lá, ra hoa theo từng mùa khác nhau. Gia chủ cần tránh trồng loại cây có thể gây ngộ độc cho các thành viên, nhất là trẻ nhỏ như cây thông thiên, vạn niên thanh, ngô đồng, trúc đào...
Ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm
Cây xanh muốn sinh trưởng tốt phải đảm bảo đủ điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm. Tùy vào vị trí đặt tiểu cảnh, loại cây trồng cụ thể, bạn sẽ điều tiết lượng ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm phù hợp. Đặc biệt, gia chủ nên tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên để giúp không gian luôn tươi mới, thoáng mát và tràn đầy sinh khí.
Cùng với nguồn sáng tự nhiên vào ban ngày, việc chiếu sáng ban đêm cho tiểu cảnh cũng rất quan trọng. Đèn rọi trên tường, đèn chiếu sáng âm nền sẽ góp phần tạo nên vẻ đẹp lãng mạn, quyến rũ cho khu vực tiểu cảnh khi đêm xuống. Với tiểu cảnh nước, bạn có thể lắp đèn trên thành hồ hoặc dưới đáy để phản chiếu ánh sáng lung linh, giúp hồ bớt lạnh lẽo, âm u.
Màu sắc của tiểu cảnh
Màu sắc tiểu cảnh thể hiện qua màu đất, cây cảnh, chậu cây, thảm cỏ, đá non bộ, gạch ốp và cả đèn chiếu sáng. Gia chủ căn cứ vào tổng thể không gian chung, chủ đề thiết kế, sở thích cá nhân để lựa chọn màu sắc phù hợp cho tiểu cảnh.
|
Màu sắc tiểu cảnh thể hiện qua màu đất, cây cảnh, chậu cây, đá non bộ, đèn chiếu sáng... |
Các tông màu sáng thường dùng cho tiểu cảnh nhà phố là vàng, cam, đỏ. Tuy nhiên, đây là những gam màu rất kén tiểu cảnh nên bạn cần cân nhắc kỹ để tránh tạo cảm giác bí bức, chói mắt. Trong khi đó, những gam màu lạnh như xanh da trời, xanh lá cây sẽ giúp không gian sống trở nên thoáng mát, thanh tĩnh và gần gũi với thiên nhiên hơn. Tông màu trung tính (trắng, xám, ghi, nâu đất) cũng được khuyến khích sử dụng cho tiểu cảnh nhà phố bởi chúng rất dễ phối hợp.
Việc lựa chọn được màu sắc giúp tiểu cảnh vừa nổi bật, vừa hài hòa với tổng thể chung không hề đơn giản. Tốt nhất, bạn nên tham vấn ý kiến của kiến trúc sư, người có chuyên môn trong lĩnh vực này.
Phụ kiện trang trí
Để tạo cảm giác thư thái, bình yên, gia chủ thường trang trí tiểu cảnh bằng những phụ kiện nhỏ xinh như ngôi chùa, tượng Phật, mục đồng, thuyền nan, ông già câu cá... làm bằng đất nung, gốm sứ. Chủ nhân cũng có thể dùng san hô, vỏ ốc, đá cuội, sỏi nhỏ màu trắng, đen, xanh đan xen... điểm tô nét sinh động cho tiểu cảnh nhà phố. Bạn hoàn toàn có thể mang vào thiết kế tiểu cảnh những phụ kiện trang trí theo sở thích, mang đậm dấu ấn cá nhân, miễn sao hài hòa với tổng thể.
|
Quá nhiều phụ kiện trang trí có thể làm mất vẻ đẹp tự nhiên vốn có của tiểu cảnh. |
Vậy nhưng, tiểu cảnh trong nhà quan trọng nhất vẫn là các yếu tố tự nhiên như cây cỏ, dòng nước. Do đó, nếu bạn quá lạm dụng các món đồ trang trí sẽ tạo cảm giác rối mắt, không gian lộn xộn, làm mất vẻ đẹp tự nhiên vốn có của tiểu cảnh.
Lưu ý là, tiểu cảnh rất dễ trở thành nơi trú ngụ của các loại côn trùng như muỗi, gián, kiến, mối... Vì thế, gia chủ cần có biện pháp phòng ngừa để hạn chế tối đa sự sinh sôi, phát triển nhằm giảm bớt nguy cơ gây bệnh của những loại côn trùng này. Ví dụ, bạn có thể dùng vợt bắt muỗi, lắp đèn quanh hồ tiểu cảnh, thả cá...
Cùng với đó, bạn cũng nên quan tâm tới vấn đề phong thủy khi thiết kế tiểu cảnh nhà phố để đảm bảo sức khỏe dồi dào, gặp nhiều may mắn trong công việc lẫn cuộc sống.