Vốn tính kín đáo, người Việt Nam xưa nay ít dành ưu tiên cho không gian sinh hoạt chung mà thường tập trung khoanh vùng tạo không gian riêng cho từng cá thể.
Vốn tính kín đáo, người Việt Nam xưa nay ít dành ưu tiên cho không gian sinh hoạt chung mà thường tập trung khoanh vùng tạo không gian riêng cho từng cá thể.
Trong thiết kế, kiến trúc nhà cửa cũng vậy, nhà người Việt thường chia ra thành những không gian chức năng nhỏ như phòng ngủ, nhà bếp, nhà kho…
Xét về kinh tế thì cách phân chia này khá tốn kém, xét về mặt phân bổ không gian thì xem ra cũng hơi lãng phí trong điều kiện “đất chật, người đông”, nhất là không phù hợp với mô hình nhà phố diện tích nhỏ ở các thành phố lớn.
Với một số căn nhà phố do diện tích vừa và nhỏ thì việc xây những vách ngăn cố định sẽ làm không gian thêm chật chội và ngột ngạt, ngôi nhà trở nên tù túng, bức bối và kiểu bố trí này cũng làm cho cấu trúc chung của ngôi nhà trở nên vụn vặt.
Một số kiến trúc sư đưa ra những giải pháp mới để mở những khu vực đóng (theo quan niệm cũ) và biến nơi này thành không gian liên thông. Chẳng hạn, “vách ngăn” giữa nhà bếp và phòng khách đôi khi chỉ là một quầy bar mang tính trang trí. Hoặc tách hai hay nhiều không gian khác nhau bằng cách tạo ra sự chênh lệch độ cao khi bố trí sàn nhà. Trong trường hợp này, diện tích trần nhà chung sẽ phát huy tác dụng làm cho không gian như được nới rộng ra.
Giải pháp phân chia không gian bằng những vách ngăn di động cũng được ứng dụng khá nhiều trong các căn nhà hiện đại, theo đó vách ngăn có thể là bình phong, tường giả, cửa xếp… để gia chủ có thể tuỳ nghi gia giảm hay nới rộng diện tích khi cần thiết.
Nhìn chung có rất nhiều cách tách biệt các không gian chức năng khá linh hoạt và mềm mại tùy theo kinh nghiệm “xử lý” không gian của kiến trúc sư và cá tính riêng của từng chủ nhà. Song dễ thấy một điều rằng các giải pháp này giúp căn nhà gọn gàng, ngăn nắp hơn và có thể tiết kiệm được khá nhiều chi phí trong xây dựng.
(Theo SGTT)