Sau một ngày làm việc bận rộn, bữa ăn tối là những giờ phút thân mật nhất giữa các thành viên trong nhà. Và căn bếp - phòng ăn ngày nay không đơn giản chỉ là chỗ lui tới của các bà nội trợ mà đã thành khu vực sinh hoạt chung của cả gia đình.
Sau một ngày làm việc bận rộn, bữa ăn tối là những giờ phút thân mật nhất giữa các thành viên trong nhà. Và căn bếp - phòng ăn ngày nay không đơn giản chỉ là chỗ lui tới của các bà nội trợ mà đã thành khu vực sinh hoạt chung của cả gia đình.
Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều gia đình cũng như các nhà thiết kế ngày càng chú ý nhiều hơn đến việc “đầu tư” cho căn bếp. Sự chăm chút này được thể hiện trong việc tổ chức các hình thức kiểu dáng linh động cho từng căn bếp, làm sao cho bếp trở nên tiện lợi và phù hợp với kiến trúc xung quanh, từ màu sơn, màu gỗ tủ, kệ cho đến chất liệu, màu sắc của những bộ bàn ăn... Và không chỉ đẹp, mọi thiết kế cho căn bếp còn phải tiện lợi cho công việc nội trợ vì nó là nơi chuẩn bị, pha chế, nấu nướng thức ăn hằng ngày với các ngăn kéo đa năng, kệ úp bát đĩa, khay đựng gia vị...
Hiện tại, trên thị trường có rất nhiều showroom và cửa hàng sẵn sàng cung cấp trọn bộ dịch vụ thiết kế và lắp đặt các loại tủ bếp theo kích thước cũng như sở thích riêng của từng chủ nhà. Các loại nhà bếp trọn bộ này thường được thiết kế đa năng bao gồm cả các ngăn chứa các loại máy móc thiết bị phụ trợ cho gian bếp như lò nướng, lò vi ba, máy hút khói... thậm chí cả máy rửa chén, tủ lạnh... Theo nhiều nhà thiết kế, xu hướng thiết kế âm này không chỉ tạo cảm giác gọn gàng cho căn bếp mà hiện cũng đang trở thành "mốt".
Với những ngôi nhà phố và những căn hộ chật hẹp, giải pháp thường được lựa chọn hiện tại là tạo ra những khoảng không gian mở liên thông giữa khu vực bếp, phòng ăn và phòng khách. Che mà không chắn, giữa bếp và phòng ăn thường được ngăn cách ước lệ bằng những quầy bar nhỏ xinh, những kệ tủ vừa để đựng ly cốc vừa để trang trí.
Đó cũng là nơi để tổ chức những bữa ăn nhanh hoặc một chỗ chủ nhà có thể vừa ngồi thư giãn, uống một cốc nước giải khát sau khi đi làm về, vừa có thể trò chuyện với "bà nội trợ" đang làm bếp. "Vách ngăn" đa năng này vì vậy luôn làm cho không gian bếp trở nên gần gũi và thân thiết. Linh động hơn, đó cũng có thể là những bức thềm giật cấp, một cái bàn ăn hoặc một khoảng giếng trời trồng cây cảnh giữa nhà.
Việc chiếu sáng và tạo sự thông thoáng cho không gian quan trọng này của một căn nhà cũng được quan tâm và đòi hỏi phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định. Bếp thường cần sự sáng sủa, thông thoáng nên phải tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên ban ngày và bố trí đèn hợp lý ban đêm. Ánh sáng dành cho bếp thường phải đủ sáng để chế biến thức ăn đồng thời cũng tạo nên sự ấm áp, gần gũi để làm nên sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình, tạo nên một không gian sinh hoạt chung tuyệt vời.
(Theo Tuổi Trẻ)