Việc sắp xếp nhà cửa hài hòa phong thủy luôn đặt nguyên tắc giảm hung khí, tăng cát khí lên hàng đầu. Trong một ngôi nhà dù lớn hay nhỏ, hung khí luôn tồn tại và luân chuyển dưới nhiều dạng, nhiều hơn cả là tại các vị trí có luồng đi lại đâm thẳng, xuyên suốt và các "góc chết".
Việc sắp xếp nhà cửa hài hòa phong thủy luôn đặt nguyên tắc giảm hung khí, tăng cát khí lên hàng đầu. Trong một ngôi nhà dù lớn hay nhỏ, hung khí luôn tồn tại và luân chuyển dưới nhiều dạng, nhiều hơn cả là tại các vị trí có luồng đi lại đâm thẳng, xuyên suốt và các "góc chết".
Với điều kiện nhà đất đô thị chật hẹp, các góc khuất thường gặp do hình thể miếng đất méo hoặc do cấu trúc của nhà, và phải khắc phục bằng nhiều cách khác nhau.
Vùng âm dương và những góc khuất trong nhà
Trong không gian sống luôn có cả vùng âm và dương. Trong nhà ở, vùng âm (đặc trưng là trạng thái tĩnh, gián đoạn, góc khuất) là những nơi cố định, không bị đi xuyên qua hoặc chỉ nhìn thấy mà ít sử dụng. Bóng tối và lạnh, ẩm thấp tiêu biểu cho tính âm. Còn vùng dương (đặc trưng là mặt cong, tròn, trạng thái động, liên tục) tồn tại ở những khu vực hoạt động thường xuyên như cổng, cửa ra vào, cửa sổ, chỗ trống có thể đi qua, cầu thang, hành lang, phía ngoài vật dụng... Ánh sáng, sự ấm áp tiêu biểu cho tính dương. Theo dịch lý, mỗi ngôi nhà cần bố trí hài hòa âm dương để tạo sự cân bằng khí, tránh để âm thịnh dương suy hoặc ngược lại. Ví dụ ở một phòng ngủ, nên đặt giường ở gần hoặc ngay trong vùng âm để tránh luồng giao thông và gió thổi trực xung, tức là cũng tránh được cửa đi, tránh mở cửa sổ rộng có nhiều dương quang (ánh sáng mặt trời) chiếu thẳng vào đầu giường.
Ngôi nhà dù có nhiều cửa rộng, ánh nắng chan hòa thì vẫn cần bình phong, màn che để làm dịu đi phần dương quang vào ban ngày và bổ sung đèn chiếu sáng vào ban đêm. Sự kết hợp giữa các yếu tố âm dương như vậy sẽ tạo nên cân bằng trong trạng thái động, tức là cân bằng tương đối với khả năng thay đổi tùy hoàn cảnh, và kích thích nguồn khí lưu chuyển. Những góc khuất trong nhà (vốn thuộc âm) vì thế cũng không hẳn hoàn toàn là xấu nếu được khai thác sử dụng đúng mức. Nhiều khi có những ngôi nhà rất vuông vức, nhưng cách sắp xếp đồ nội thất cũng có thể gây ra những góc khuất ít được chăm sóc. Vì thế cách khắc phục cần phải bắt đầu từ nhận định hình thế và "kịch bản sử dụng" của chủ nhân.
Xử lý trên mặt bằng
Khi mặt bằng của nhà đất không được vuông, các góc nhọn sẽ thành chỗ khó sử dụng. Bụi bặm, ẩm thấp hay dồn vào đó và tác động xấu tới môi trường sống. Các góc nhọn nếu lồi ra hay chĩa vào không gian sinh hoạt sẽ cản trở đi lại, gây va chạm và tạo cảm giác khó chịu trong tâm lý người ở. Phong thủy gọi đó là những góc xung sát và đặc biệt kỵ những góc chết tồn tại trong phòng trẻ em, người già những như các phòng ngủ, vì các phong này đòi hỏi độ an toàn trong sử dụng, không gian tĩnh và gọn, nếu có góc cạnh nhiều sẽ bất lợi. Cách khắc phục là làm tủ trang trí lấp vào góc kẹt, hoặc đặt cây xanh, đồ vật chắn ở đỉnh nhọn, tách biệt với phạm vi thường sử dụng.
Cần lưu ý, những cánh cửa mở không hết cũng tạo ra những mũi nhọn và góc chết trong nội ngội thất. Nhiều nhà khi mở cửa đón khách, thường cánh cửa va luôn vào khách hoặc chĩa ngược vào mình. Đó là do không chú ý lùi lại thềm nhà, tiền sảnh để cửa có chỗ tựa vào. Do đó, khi thiết kế xây dựng cần chú ý xem cửa phòng mở ra hoặc vào có ép sát tường được không. Đối với hai cửa đi nằm gần nhau, phải chú ý khoảng mở đồng thời tránh bố trí đồ vật sát cửa sẽ gây vướng víu trong sử dụng. Cửa mở hé cũng làm gió lùa mạnh hơn và dễ bị sập, gây tai bạn nhất là đối với trẻ em.
Xử lý theo phương đứng
Nhìn trong mặt cắt nhà ở thì cầu thang và mái dốc là những chỗ hay tạo ra "góc chết". Gầm cầu thang vì tối và thấp, có tính âm nhiều hơn dương, nên có thể làm phòng vệ sinh nhỏ, kho chứa đồ, chỗ để xe hay thậm chí là để trống, mở cửa sổ lấy ánh sáng nếu có thể, để bổ sung tính dương. Cần lưu ý, tại những chổ dễ đụng đầu (chiều cao thông thủy khoảng 1,7 m) chỉ nên bố trí các chức năng có tần suất sử dụng thấp như tủ để đồ lặt vặt, máy bơm nước hoặc tiểu cảnh trang trí đơn giản. Tránh đặt giường ngủ hoặc chỗ làm việc dưới cầu thang vì luồng di chuyển bên trên sẽ gây tiếng động và bụi bặm, xáo trộn trường khí, nhất là đối với các kiểu thang hở bậc hay dạng "xương cá".
Khi nhà làm mái dốc nghiêng, đóng trần là cách hữu hiệu nhất để tránh góc chết trên cao, vốn thường là nơi bám bụi và không sử dụng. Nếu có bố trí phòng tại gian áp mái thì khoảng xiên sát tường nên đặt tủ đồ, còn giường ngủ hoặc bàn làm việc nên đặt ở khoảng trần dã cao và tránh dầm xà phía trên. Cách đóng trần cong, giật cấp hoặc uốn khúc cũng là thủ pháp chuyển tiếp không gian hữu hiệu, giấu đi các khiếm khuyết do mái nghiêng tạo ra.
Các cửa sổ lật nghiêng cũng gây ra dạng lưỡi nhọn không an toàn khi sử dụng nên phải chú ý đặt cao quá đầu người. Trường hợp cửa là loại lật thấp thì phía dưới nên là bồn hoa hay mái hắt, tránh để luồng đi lại hay sinh hoạt dát dưới những cánh cửa lật nghiêng.
Không ngôi nhà nào mà không có các góc khuất, góc chết. Vấn đề là khai thác hiệu quả những góc khó ấy và giảm thiểu các trở ngại trong sử dụng, tạo nên ngôi nhà hợp phong thủy.
(Theo Nhà Đẹp)