Nhà của anh nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Lý Chính Thắng giữa lòng Sài Gòn.
Nhà của anh nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Lý Chính Thắng giữa lòng Sài Gòn.
Trần Huy Hoan là người đi tiên phong trong lĩnh vực chụp ảnh nude nghệ thuật từ hơn 30 năm trước. Trải qua rất nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn trong nghề nghiệp, anh được coi là một trong những nhà nhiếp ảnh thành công nhất trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Tác phẩm của Trần Huy Hoan đi giữa ranh giới mong manh của hội họa giá vẽ và hình chụp, các tư duy và thao tác hòa trộn vào nhau, đậm chất lãng mạn và ấn tượng.
Nhà của anh nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Lý Chính Thắng giữa lòng Sài Gòn, tồn tại như một bức tranh thủy mặc trầm tư của vùng đồng chiêm nước trũng Bắc Bộ ngày xưa. Nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan gọi không gian sống của mình là “nhà quê”, nhưng nơi chốn nhà quê tĩnh lặng ngay giữa lòng thành phố ấy rất đáng để mọi người ao ước và mê ngay khi vừa bước chân qua cái cổng gạch Tàu.
Đó là nơi ăn chốn ở của nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan mà anh tự xem như một spa nghỉ dưỡng sau mỗi ngày mệt mỏi. Nhìn từ bên ngoài, căn nhà được thiết kế đúng theo phong cách Bắc bộ: mái nhà tranh, nền gạch đỏ, một "ao thu lạnh lẽo nước trong veo…" cùng chiếc giường tre đặt ngay hành lang ra vào. Anh Hoan tỉ mỉ trong việc chọn phối màu cho từng vật dụng trang trí: bình sen hồng tô điểm chiếc bàn đen, câu đối đỏ khắc trên cột nhà gỗ… Tất cả dịu dàng hòa hợp với nhau để phảng phất lên cái chất nhà quê nồng hậu và yên tĩnh.
Hàng hiên đón khách giản dị và ấm áp sát mép nước.
Hồ nước này vừa làm mát nhà vừa mang đến cảm giác thư thái và an bình.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo / Nền cũ lâu đài bóng tịch dương (Thơ Bà huyện Thanh Quan)
Chiếm diện tích lớn nhất trong khu đất rộng 150m2 là hồ nước, vườn, với um tùm nào chuối, nào cau, nào khế, nào trúc. Hai khối kiến trúc nối với nhau bởi hè nhà rộng, đủ để đặt bộ bàn ăn, chiếc ghế sofa, tủ, bàn, và thoải mái chỗ cho khách đến chơi nhà. Trần Huy Hoan lúc nào cũng bận rộn trong vai trò nhiếp ảnh gia, họa sĩ, nhà làm phim, vì vậy, mục đích làm nhà của ông cũng là “thật thoải mái, để tiếp đón bạn bè đến chơi”. Chẳng thế mà ngay khu “reception” của nhà có dòng chữ “Brother’s house” – nhà của anh em bè bạn. Vì vậy, dù hiện tại chỉ sống một mình, nhưng chủ nhà để dành đến 10 phòng ngủ, để bạn bè có chỗ ở lại, nghỉ ngơi.
Bên trong căn nhà là một không gian hiện đại đầy đủ tiện nghi với những công năng ưu việt. Ảnh hưởng thú nghỉ ngơi thanh tao của người nhà quê xưa nên phòng ngủ và phòng nghe nhạc được anh Trần Huy Hoan bài trí đặc biệt tinh tế. Những bức ảnh nude trên phông tường trắng và mùi nước hoa Pháp thoang thoảng dễ dìu người ta chìm vào cõi riêng, tách biệt với cuộc sống rộn ràng thường nhật. Có thể nói, căn nhà là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt hoàn hảo của một người nghệ sĩ thị giác, đưa đến cho người thưởng lãm cảm giác rất đỗi bình yên.
Khung cảnh tựa bức tranh
Cửa nhà được thiết kế theo kiểu cũ. Mở cửa, mở hồn quê…
Hành lang, rèm sáo, giường tre… một không gian rất Bắc
Phòng khách lầu một cũng là nơi khoe bộ sưu tập tranh và đồ cổ quý giá của chủ nhân. Ở đây có mặt đầy đủ những khuôn mặt sáng giá của hội hoạ Việt Nam như: Nguyễn Gia Trí, Lưu Công Nhân, Nguyễn Sáng, Trần Đông Lương, Bùi Xuân Phái, Lê Thiết Cương, Hoàng Hồng Cẩm, Quách Đông Phương…
Không gian riêng tư chiếm trọn lầu hai với cùng lúc rất nhiều chức năng. Mở cửa bước vào là góc làm việc, tủ sách lớn chính là vách ngăn “mềm”tạo thành một lối đi nhỏ và khuất bước lên phòng tắm.
Trong nhà treo nhiều tác phẩm nude nổi tiếng của chủ nhà
Đây có lẽ là góc yêu thích nhất của chủ nhân khi bức sơn dầu cũ kỹ vẽ nhà thơ Hoàng Cầm năm 1956 của Lưu Văn Sìn được hiện diện kín đáo cùng những bộ sách ảnh quý giá và dàn máy chụp phim lớn – niềm tự hào một thời của những tay máy chuyên nghiệp. Bức tranh thêu tay được mang về từ Ai Cập, dùng để che mặt sau của giá sách lớn.
Chỉ cách bàn làm việc chừng 3m là chỗ có thể ngả lưng xem một cuốn phim, thưởng thức một điệu nhạc hay kỳ thú hơn nữa, có thể ngắm nhìn người phụ nữ mình yêu đang thả mình trong bồn tắm. Một không gian loanh quanh với rất nhiều những góc rẽ bất ngờ và thú vị.
Phòng dành riêng cho khách phương xa
Thu Huyền (Tổng hợp)