Với những cặp vợ chồng trẻ không có điều kiện ở riêng, phòng ngủ sẽ trở thành một căn nhà thu nhỏ. Nơi đó sẽ bao gồm giường ngủ, nơi tiếp khách, bàn làm việc, kệ TV... Căn phòng sẽ bao gồm nhiều mục đích, chứ không đơn thuần là nghỉ ngơi.
Với những cặp vợ chồng trẻ không có điều kiện ở riêng, phòng ngủ sẽ trở thành một căn nhà thu nhỏ. Nơi đó sẽ bao gồm giường ngủ, nơi tiếp khách, bàn làm việc, kệ TV... Căn phòng sẽ bao gồm nhiều mục đích, chứ không đơn thuần là nghỉ ngơi.
Để đáp ứng cho những nhu cầu đó, theo kiến trúc sư Đặng Song Hải, Công ty VnKientruc, sẽ phải tận dụng mọi khoảng không để bố trí các công năng khác cho căn phòng như góc làm việc, khu vực tiếp khách...
Khu vực tiếp khách trong phòng ngủ cần sắp xếp sao cho không phạm vào không gian riêng tư của giường. Nếu phòng rộng, từ khoảng 20 m2 trở lên, nên phân thành hai khu. Khu tiếp khách đặt ngay vị trí gần cửa, mang tính cách biệt, để cả khách và chủ không cảm thấy bất tiện trong giao tiếp, không ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi riêng tư bên trong.
Nhưng trong trường hợp căn phòng không lớn, khu tiếp khách sẽ phải cân nhắc để vẫn đẹp và mục tiêu riêng tư vẫn là quan trọng nhất. Một bộ sofa mini chỉ gồm 2 đến 3 ghế sofa nhỏ kèm một bàn tiếp khách hoặc một chiếc bàn nước bằng kính kiểu Nhật với các đệm ngồi trên sàn, có thể là lựa chọn phù hợp. Đây là cách vừa tiết kiệm được không gian, lại vừa đảm bảo được mỹ quan của căn phòng.
Tương tự, việc bố trí góc làm việc trong phòng ngủ cũng cần vận dụng các yêu cầu tối thiểu về địa thế phải gọn gàng và thoáng. Thường góc làm việc sẽ được đặt gần cửa sổ để lấy ánh sáng tự nhiên và tạo cảm giác thoáng mát cho gia chủ khi làm việc.
Tuy nhiên, dù rộng hay hẹp, sự gọn gàng của gia chủ luôn phải là ưu tiên hàng đầu. Chính sự gọn gàng ở mọi không gian từ góc làm việc, khu tiếp khách đến giường ngủ sẽ đảm bảo cho căn phòng luôn đẹp và tiện nghi trong mọi hoạt động và phát huy được tối đa công năng của từng khu vực.
Tâm Anh