Ngôi nhà chở che cho con người. Và con người cũng phải biết chở che cho chính ngôi nhà, đó vừa là nguyên tắc vừa là tình cảm và cũng là tăng cường chở che cho chính mình.
Ngôi nhà chở che cho con người. Và con người cũng phải biết chở che cho chính ngôi nhà, đó vừa là nguyên tắc vừa là tình cảm và cũng là tăng cường chở che cho chính mình.
Ngôi nhà - một cơ thể sống
Người ta ví rằng: một ngôi nhà, một công trình cũng như một cơ thể sống, một con người. Hiển nhiên là nó phải được chăm sóc và bảo vệ. Có thể ví von một cách “vật lý” như sau: phần cột, khung, kết cấu… là bộ xương; phần kiến trúc, tường, cửa… là da thịt, là mắt, là gương mặt; hệ thống điện – nước, thông tin là những mạch máu, những dây thần kinh… Tất cả có quan hệ chặt chẽ và mật thiết với nhau, không thể tách rời. Quả thật, những ví von ấy cũng có lý. Ngôi nhà cũng như con người, có làm việc, có nghỉ ngơi, có mắt để nhìn (cửa), có mũi để thở (thông gió), có mũ đội đầu (mái)…
Chủ nhà phải làm gì?
Về mặt khoa học thuần tuý, có thể đưa ra định nghĩa việc bảo vệ ngôi nhà là: việc chống lại các yếu tố tiêu cực xâm hại tới công trình và môi trường của công trình đó. Có thể phân ra hai loại yếu tố tiêu cực này: yếu tố tự nhiên và yếu tố xã hội.
Yếu tố tự nhiên chính là thiên nhiên, là mưa, nắng, sấm sét, là nhiệt độ cao ở vùng nóng, nhiệt độ thấp ở vùng lạnh, là bão lũ, gió lốc…, là các loại thú dữ, côn trùng gây hại… Mỗi nơi trên thế giới có một đặc tính khí hậu khác nhau, liên quan tới cả địa hình. Trong một đất nước thì vùng khí hậu cũng rất khác nhau, từ đó tính bản địa trong kiến trúc cũng cực kỳ phong phú. Ngày xưa chưa có những kỹ thuật xây dựng phát triển, người ta xây nhà đều nương vào chính thiên nhiên, lợi dụng thiên nhiên để bảo vệ ngôi nhà và cuộc sống của chính mình. Mỗi vùng địa hình và khí hậu đều cho một kiến trúc đặc trưng có thể thích nghi và chống chọi lại với thiên nhiên. Như để chống lại khí hậu nóng ẩm mưa nhiều vùng nhiệt đới – mà nhiều vùng ở Việt Nam là điển hình – những ngôi nhà luôn được đặt trong quan hệ với môi trường cây xanh, mặt nước; các bộ mái thường xoè rộng để ngăn nắng, mưa.
Để bảo vệ ngôi nhà trong suốt quá trình sử dụng, sinh sống; người chủ phải luôn biết “lắng nghe” và phải “hiểu” ngôi nhà của mình.
Việc luôn xem xét, kiểm tra các bộ phận, cấu kiện, hệ thống trong công trình không bao giờ là thừa. Điều đó cũng giống như việc khám bệnh; nếu biết càng sớm càng tốt, càng dễ chữa trị; càng để lâu càng khó. Có thể lấy ví dụ như việc thấm dột nếu không xử lý ngay nước sẽ ngấm vào hỏng các cấu kiện và đồ đạc trong nhà; việc mọt gặm, mối xông cũng gây hậu quả như vậy… Ông cha ta ngày xưa bao giờ cũng chuẩn bị, phòng thủ rất cẩn thận trước mùa mưa bão: nhà tranh thì giằng níu lại, nhà ngói thì đảo ngói, thay ngói vỡ, che chắn những chỗ xung yếu.
Nước chảy đá mòn. Không có vật liệu nào là hoàn toàn bền vững trước thiên nhiên khắc nghiệt cả. Gỗ có thể bị mối mọt, sắt và kim loại bị han gỉ, tường xây, gạch đá có thể bị nứt vỡ trước các tác động cơ học khác…
Vì vậy việc duy tu bảo dưỡng cho ngôi nhà, cho các thành phần cấu kiện là hoàn toàn cần thiết, và nên mang tính định kỳ. Việc duy tu bảo dưỡng ngoài vừa là giữ gìn, bảo vệ ngôi nhà tốt và bền hơn, sử dụng thuận tiện hơn, cũng vừa là cách “bảo vệ nhan sắc” – yếu tố thẩm mỹ không tách rời của kiến trúc. Có thể liệt kê ra rất nhiều việc như sau: những cấu kiện kim loại phải sơn lại; những cấu kiện gỗ phải thay thế nếu mục – mọt; bản lề cửa, ổ khoá và các cấu tạo kim khí cần tra dầu chống gỉ và cho dễ vận hành; xử lý lại các bề mặt tường nứt để tránh ngấm nước; khơi thông, làm sạch các vị trí thoát nước ở mái và các khu vực liên quan…
Về mặt xã hội, việc bảo vệ ngôi nhà có sắc thái khác và cũng không thể tách rời. Không ai muốn sống trong một xã hội có nhiều việc xấu, người xấu và những bất an rình rập. Nhưng thực tế xã hội là vậy, luôn có tốt xấu đan xen dù ở bất cứ đâu và thời nào.
Việc chuẩn bị mang tính phòng thủ khi bị lực lượng xấu tấn công vào ngôi nhà – môi trường sống của mình luôn là việc cần thiết. Từ xưa ông cha ta đã làm vậy. Những lực lượng xấu là những kẻ trộm, cướp, những kẻ phá hoại, và cả giặc. Việc lập một hàng rào không chỉ mang yếu tố phân định ranh giới, không gian, khẳng định khu vực sở hữu mà nó còn là một lớp phòng thủ khi bị tấn công. Cho tới giờ, những hàng rào vẫn là một thành phần không thể thiếu đối với kiến trúc đơn lẻ, và cả quần thể. Vẫn còn những hàng rào tre, hàng rào đá, hàng rào cây… trong dân gian; và hàng rào sắt, hàng rào xây gạch – bêtông, cả hàng rào kính ở đô thị vẫn cứ phát triển.
Bên cạnh hàng rào, là hệ thống kết cấu bao che mang tính ngăn cản – có quan hệ tương đồng với hàng rào. Đó là hệ thống cổng, cửa, chấn song (hoa sắt). Ở đây chỉ đề cập với những bộ phận mang tính bảo vệ. Những cấu kiện này góp phần đảm bảo an toàn hơn cho ngôi nhà, chống lại những sự đột nhập từ bên ngoài. Hệ thống cổng, cửa, hoa sắt… cùng với các phụ kiện chốt, khoá hầu như không tách rời kiến trúc và là một phần không thể thiếu. Thậm chí có những công trình hệ thống cổng sắt, hoa sắt bảo vệ góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo và phong cách kiến trúc.
Ngày nay, trong kiến trúc hiện đại, có rất nhiều những hệ thống bảo vệ công trình về mặt xã hội. Đó là những hệ thống khoá thông minh, hệ thống camera quan sát và ghi hình, hệ thống báo động khi có đột nhập… Có thể công trình và những ô cửa sẽ được giải phóng khỏi những hoa sắt tù túng, có thể hệ thống cửa sẽ giảm đi một lớp…
Nhưng dùng biện pháp gì đi chăng nữa, yếu tố quan trọng vẫn là con người chủ động để bảo vệ ngôi nhà.
(Theo SGTT)