Mái nhà không đơn thuần có chức năng bảo vệ, chống chọi lại các tác động của môi trường tự nhiên với độ bền vững và khả năng thích nghi cao mà còn là điểm nhấn tạo nên yếu tố thẩm mỹ cho cả công trình.
Mái nhà không đơn thuần có chức năng bảo vệ, chống chọi lại các tác động của môi trường tự nhiên với độ bền vững và khả năng thích nghi cao mà còn là điểm nhấn tạo nên yếu tố thẩm mỹ cho cả công trình.
Trước đây, mái nhà thường chỉ được chú trọng tới công năng sử dụng mà ít khi được cân nhắc về tính thẩm mỹ, đồng bộ chỉnh thể so với cả công trình. Vì thế, ta vẫn bắt gặp những ngôi nhà mang dáng dấp hiện đại của cửa kính khung nhôm, nhưng lại đội trên đầu kiểu tháp chuông hay củ hành hoặc trên sân thượng là một tổ hợp những dây phơi, giàn ăng ten, bồn nước inox nhỏ to, đứng nằm các loại...
Có thể nhiều người e ngại làm sân thượng sẽ bị thấm và nóng. Nhưng thực tế hoàn toàn khắc phục được điều này. Sau khi đổ bê tông mái, bạn nên ngâm nước để kiểm tra xử lý các vết thấm, rồi tô vữa chống thấm. Chúng ta có thể đổ đất để trồng cây, còn khu vực giặt phơi hay đặt bàn tiệc thì nên làm thêm một lớp đan ở bên trên kê lên hàng gạch cao 200 - 300 mm. Khoảng trống giữa hai lớp đan này nên dùng nước thải giặt giũ đưa vào cho ngập cao 100 - 200 mm. Chính lớp đất trồng cây và lớp đan bên trên đã bảo vệ cho lớp đan chính chịu lực không bị tác động của ánh nắng, vì thế đan chịu lực không bị nứt, không bị thấm, còn các phòng ốc bên dưới thì mát mẻ.
Các ngôi nhà ở Việt Nam thường dùng hai loại mái dốc và mái bằng. Hầu hết nhà ống đều sử dụng sân thượng. Lý do chính là nhằm tăng diện tích sử dụng trên cao. Ngoài ra, vì thiếu diện tích, mái bằng sẽ trở thành vườn cảnh và mái kính lấy sáng cho giếng trời. Hệ thống mái che có thể thiết kế di động trượt trên cơ cấu ray để đóng mở tùy theo điều kiện thời tiết nhằm khai thác tối đa hiệu quả thông gió, lấy sáng cho cả ngôi nhà. Mái bằng có thể đổ đất trồng cây cỏ tạo thành khu vườn trên cao, có thể làm một hồ bơi nhỏ, là nơi giặt phơi, một sân trăng đầy gió, nơi đặt bàn trà ngắm trăng lãng mạn. Ngược lại, hầu hết các biệt thự đều dùng mái ngói, dường như để tạo thêm nhiều cung bậc, tăng độ sang trọng và hoành tráng cho biệt thự.
Với những ngôi nhà có sàn mái đổ bê tông cốt thép, thay vì tiếp tục đổ mái dốc rồi dán ngói, gây nặng nề và lãng phí nguyên liệu, gia chủ có thể chọn giải pháp truyền thống bằng cách dựng hệ xà gồ, vì kèo rồi lợp ngói. Giải pháp này giúp mái nhẹ hơn, dễ thi công, sửa chữa và hạn chế rạn nứt do có độ co giãn tốt khi nhiệt độ, độ ẩm thay đổi. Kết cấu mái dốc thường được tận dụng với tầng áp mái để tối đa hóa công năng và tạo ra những không gian chức năng thú vị. Đó có thể là phòng thờ, phòng làm việc, nghe nhạc, xem phim hay thậm chí làm phòng ngủ.
Cho dù chọn loại kết cấu mái nào thì trước hết nó phải phù hợp với thiết kế tổng thể ngôi nhà của bạn cũng như các tiêu chí kỹ thuật khác, đặc biệt là khả năng chống thấm, chống nóng, độ an toàn...
(Theo Nhà Đẹp)