Những hướng đón ánh sáng mạnh với góc chiếu sáng cao (như đông nam, nam) thì có thể dùng màu sậm thậm chí màu đỏ bã trầu, vàng đất, xanh rêu…
Những hướng đón ánh sáng mạnh với góc chiếu sáng cao (như đông nam, nam) thì có thể dùng màu sậm thậm chí màu đỏ bã trầu, vàng đất, xanh rêu…
Tại sao không làm mát cho nơi cư trú nhờ thủ pháp màu sắc? Thiết kế thị giác và phong thuỷ hiện đại đã khẳng định hiệu quả của “cây đũa thần” màu sắc trong ngôi nhà xưa nay như thế nào.
Nhiều người biết rằng dùng màu dịu mát thì giảm được cảm giác nóng, điều này đúng nhưng chưa đủ, vì có những màu sáng nhẹ nhàng nhưng khi ánh sáng hắt vào phản chiếu lại thì gây cảm giác chói chang hơn. Mỗi hướng khí hậu và hướng tiếp cận công trình đều có những đặc tính khác nhau, dẫn đến màu sắc cần lựa chọn sao cho tương ứng.
Những hướng nắng gắt (như tây nam, tây) thường cần giảm bớt độ chói cũng như độ hút nhiệt, nên cần dùng những màu nhạt và phối hợp có chuyển tiếp trên bề mặt nhám, tránh phản quang. Trong khi đó những hướng ánh sáng yếu hơn hoặc thời gian bề mặt nhận sáng không nhiều trong ngày (như hướng bắc, đông bắc) thì nên dùng những màu tươi sáng và phối hợp tương phản. Những hướng đón ánh sáng mạnh với góc chiếu sáng cao (như đông nam, nam) thì có thể dùng màu sậm và đa dạng hơn, thậm chí những màu mang tính truyền thống như đỏ bã trầu, vàng đất, xanh rêu… tuy khá đậm đà nhưng cũng rất dịu mà nhà cửa ở Hà Nội, Hội An đều quen dùng xưa nay.
Đỏ, hồng, cam và các màu lân cận là hiện thân của hành hoả. Khi giảm độ tươi sáng và độ chói, tính hoả cũng được giảm bớt và những màu này có thể mang thêm thuộc tính của thổ (hành được hoả tương sinh, hành trung dung nên bình hoà, dịu mà không lạnh như kim hay thuỷ, tươi mà không nóng như hoả, mộc). Màu thổ còn là những màu của vật liệu tự nhiên như màu gạch trần, sỏi đá.
Một số hãng sơn hiện nay đã đi sâu nghiên cứu các xu hướng màu sắc ảnh hưởng như thế nào đến tâm sinh lý người sử dụng, đưa ra những bảng màu tiêu biểu, mang sắc thái riêng. Sự hài hoà màu sắc luôn là yếu tố quan trọng, trong đó sự hài hoà với tự nhiên, thể hiện trung thực chất liệu và sắc thái thiên nhiên – sẽ giúp bề mặt nội ngoại thất công trình “dễ thở” hơn là những ngôi nhà được phủ lớp “phấn son” quá nhiều.
Muốn tạo hiệu quả giảm nóng thì màu phải tương ứng với không gian. Bếp là nơi “bốc hoả” nhất trong nhà, vì vậy màu chủ đạo của bếp nên là những màu trung hoà nhưng cần tươi để đem lại hứng khởi cho công việc bếp núc và tránh làm biến đổi bề mặt thực phẩm (những màu có ánh xanh hay tím thường gây ra điều này). Sau bếp là phòng thờ thường đặt trên tầng cao khá nóng và diện tích cũng không nhiều.
Ngoài màu của bản thân vật liệu làm bàn thờ (thường là mộc) có thể thêm màu cân bằng như màu đen (thuỷ) để giảm hoả và tăng tính thâm u, màu vàng (thổ) để tạo sự cân bằng. Màu trắng (có sắc xám) gần đây thường được ưa dùng vì nhẹ nhõm và tinh khiết, biểu hiện sự thiền tịnh, là màu chủ đạo cho nhiều không gian sinh hoạt trong nhà như phòng làm việc (kim) và nơi tiếp khách, sinh hoạt gia đình (thuộc thổ).
Đặc trưng ngũ hành của phòng ngủ thuộc mộc, mang tính nuôi dưỡng, chở che, vì thế màu phòng ngủ có thể là màu của vật liệu gỗ với cảm giác bình yên và gần gũi thiên nhiên. Nhưng mặt khác màu gỗ cũng sinh hoả nhiều, dễ thấy nóng bức và ngột ngạt, hợp với xứ lạnh hơn là ở xứ nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam ta.
Với những không gian có nắng gắt chiếu vào thì có thể bớt màu ấm mà thêm màu lạnh như xanh ngọc, kem cốm, trắng xanh để tăng tính thư giãn. Những màu xanh biển, xanh lá cây, xanh tím và các màu liên quan được phối ra từ hai màu này thuộc hệ hành thuỷ và mộc, hợp cho việc làm mát phòng ngủ và phòng vệ sinh nhất.
(Theo SGTT)