Không gian tinh tế của nhà hàng phải là nơi đánh thức được tất cả các giác quan của khách hàng. Chính vì những khắt khe đó, từng nhà hàng theo gu rất riêng của tập đoàn Khaisilk đã lần lượt ra đời. Một trong số đó là Ming Dynasty tại TP HCM.
Không gian tinh tế của nhà hàng phải là nơi đánh thức được tất cả các giác quan của khách hàng. Chính vì những khắt khe đó, từng nhà hàng theo gu rất riêng của tập đoàn Khaisilk đã lần lượt ra đời. Một trong số đó là Ming Dynasty tại TP HCM.
Từ những chi tiết nhỏ nhất như những hoa văn trên ghế, những ô hoa gió gỗ đến từng viên gạch ốp tường được nung theo phương pháp thủ công, những bức tượng đất, các loại bình gốm cổ, thùng gỗ đựng rau củ… đều được mang về từ Trung Quốc. Tiêu chí hàng đầu của chủ nhân là sự độc đáo, không trùng lặp với bất kỳ nhà hàng khác và phải đạt được tính thẩm mỹ cao, sang trọng và toát lên cái hồn văn hóa bên trong mỗi nhà hàng.
Với diện tích 4.500 m2, không gian của Ming Dynasty chia thành bốn khu vực và được đặt tên theo các loại hoa nổi tiếng như phòng Hoa Sen, Hoa Đỗ Quyên, Hoa Mẫu Đơn, Hoa Thủy Tiên và Hoa Hải Đường. Ngay cổng vào, các cánh cửa gỗ được chạm trổ tinh xảo bằng những đường nét mềm mại tương phản với những chi tiết bằng đồng thau cổ kính mạnh mẽ đã mang đến một cảm giác vương giả. Đôi sư tử đá yên vị tại hai bên cổng chính vừa “canh giữ” nhà hàng vừa toả hương cho toàn bộ khu vực tiếp tân với vòng hoa lài trên miệng.
Trong không gian tĩnh lặng đến vô chừng của khối kiến trúc song lập, những khoảng xanh dịu nhẹ của khu vườn đầy những cây sứ trắng, đôi hồ cá tươi vui và bầy bồ câu lang thang… đã làm nên những nét động tinh tế của toàn bộ nhà hàng. Giữa gian phòng hành lang, những thùng gỗ đựng đầy ngũ cốc đã làm nên một nét tương phản ý nhị với chiếc lồng chim sơn son đã ngả màu như luyến tiếc một thời vàng son.
Ming Dynasty có tổng cộng 10 phòng ăn, mỗi phòng được đặt tên theo niên hiệu của những vị vua thời Minh như Hoằng Trị, Chính Đức, Hồng Vũ… đến Thiên Khải, Thành Hóa, Gia Tĩnh. Khu vực phòng các phòng VIP như Vĩnh Lạc, Tuyên Đức, Vạn Lịch, Long Khánh được bố trí thành từng không gian riêng biệt với những tiện ích cao cấp khách nhau. Trong chốn thâm cung kỳ ảo đó, những bức bích họa phù dung được vẽ tay trên vòm trần như mang thực khách đến gần hơn với những nét vương giả.
Một bar trà được bố trí gần khu vực tiếp tân với đầy đủ những loại trà hảo hạng của Trung Quốc như Bửu Lũy, Hoa Cúc, Long Tịnh Tây Hồ, Hương Phiến đến những loại trà quý như Đại Hồng Bào, Đông Đinh, Ô Long, Quan Âm Vương. Cô Hải Nguyên vừa khéo léo pha trà hoa vừa nhẹ nhàng giải thích cho chúng tôi về từng loại trà khác nhau trong một đóa hoa trà. Cô cho biết hoa được kết lại từ các loại trà như ô long, bửu lũy, thiết quan âm, trà lài và trà cúc. Nhiệt độ nước pha trà chỉ khoảng 750 độ là vừa. Quả thực, chỉ trong một đóa hoa nhỏ ấy mà bao nhiêu tinh trà được tiết ra cho một chung trà khai vị làm mát lòng thực khách.
Nghệ thuật nấu nướng nơi đây cũng được chăm chút sao cho “mười phân vẹn mười” với phần nhìn mà không gian kiến trúc mang lại. Với lực lượng đầu bếp hùng hậu được mời từ Hong Kong, Trung Quốc, Quảng Châu phụ trách từng mảng ẩm thực chuyên môn như món nướng, món dimsum, món tiềm hầm…
Chiều về, nhà hàng càng toát lên nét oai nghiêm vốn có. Theo nhận xét của một người bạn thì Ming Dynasty còn Trung Hoa hơn cả một nhà hàng Hoa.
(Theo DOOL)