Ngôi nhà xanh là một khái niệm mới, không thuộc phạm trù về … màu sắc, mà ám chỉ những không gian sống thoải mái, tiện nghi mà thân thiện với môi trường.
Ngôi nhà xanh là một khái niệm mới, không thuộc phạm trù về … màu sắc, mà ám chỉ những không gian sống thoải mái, tiện nghi mà thân thiện với môi trường.
Gió
Một thiết kế thích hợp là tiêu chí cơ bản nhất của một ngôi nhà xanh. Theo tư vấn của hầu hết các KTS thì Việt Nam nằm trong khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm mưa nhiều nên điều cần quan tâm nhất khi thiết kế là phải đảm bảo sự thoáng mát tự nhiên cho không gian (sẽ giúp tiết kiệm được một nguồn năng lượng rất lớn dùng cho hệ thống máy lạnh, quạt thông gió…).
Hướng gió chủ đạo ở Việt Nam (đặc biệt là Nam bộ) là hướng Tây Nam (tháng 5 – tháng 11), và hướng Đông Nam (tháng 12 – tháng 4). Vì vậy, mở cửa sổ và cửa đi theo các hướng này là biện pháp tối ưu để đưa gió vào nhà. Tuy nhiên, cần lưu ý kết hợp tốt các khoảng mở trên tường (cửa và cửa sổ) và trên sàn (cầu thang, giếng trời) để làm tăng hiệu quả đưa gió vào nhà.
Nắng
Hạn chế tối đa việc mở cửa sổ cũng như cửa đi ở hướng Tây là điều cần lưu ý (vì mặt trời hướng Tây chứa một lượng bức xạ rất lớn lan tỏa hơi nắng vào không gian sống). Tuy nhiên cũng cần phải chú ý các khoảng trống “đón nắng vào nhà” để diệt khuẩn tự nhiên, nâng cao sức khỏe những thành viên sống trong ngôi nhà.
Đồng thời tận dụng tối đa nguồn năng lượng mặt trời (thông qua hệ thống tiếp nhận năng lượng mặt trời) để tiết kiệm điện, đồng thời giảm thiểu khí thải vào môi trường. Một hệ thống máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời hoàn toàn hữu ích, ngay cả vào mùa hè, vì nước nóng có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau (tắm giặt, nấu nướng, lau dọn nhà cửa… vừa nhanh, vừa sạch, vừa tiết kiệm năng lượng điện hoặc gas).
Nước
Một trong những tiêu chí quan trọng nữa đối với ngôi nhà xanh là việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn nước sạch (bao gồm cả hệ thống xử lý và tái sử dụng nước thải và nước mưa).
Ở Việt Nam, việc thiết kế và lắp đặt hệ thống xử lý và tái sử dụng nước thải vẫn còn là “không tưởng”, tuy nhiên, việc thiết kế hệ thống tích trữ nước mưa (bể chứa, hồ nước hay thậm chí là bể bơi…) tại các khu vực nhà riêng (đặc biệt là các khu biệt thự, nhà vườn, nhà sinh thái…) để dùng cho các công việc như tưới vườn hay lau rửa là gợi ý hoàn toàn phù hợp, vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm chi phí.
Vật liệu thân thiện
Các vật liệu cách nhiệt, chống nóng sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường đang “lên ngôi”. Loại sơn chống nóng có thể làm giảm thiểu sự hấp thụ nhiệt, hơn 50-70% bức xạ mặt trời sẽ bị phản xạ lại, giúp giảm độ nóng ngôi nhà 50C, vừa giúp bạn tạo một môi trường sống dễ chịu hơn, lại vừa khiến bạn thỏa sức lựa chọn màu sắc ưa thích (khác với trước đây, màu nóng thường bị “tẩy chay” vì ngôi nhà “đã nóng lại còn nóng hơn”).
Các loại sơn thế hệ mới, ngoài các chức năng ưu việt giãn nở để che phủ các vết nứt; chống thấm nước, nấm mốc và kiềm hóa, khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt… còn ít độc hại (không chì, kim loại nặng, hàm lượng các hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC) thấp…), giảm tác hại đến môi trường và sức khỏe của con người.
Ý thức xanh
Mỗi hành động của những thành viên sống trong ngôi nhà sẽ góp phần “xanh hóa” không gian sống. Ví dụ, bằng cách sử dụng hợp lý hệ thống điều hòa nhiệt hai chiều, lượng điện tiêu thụ được hạn chế tối đa. Tắt bớt một bóng đèn, dùng bóng đèn công suất thấp nhưng phát sáng tốt hay bóng đèn tiết kiệm năng lượng… cũng giúp giảm đáng kể hóa đơn tiền điện. Các thiết bị cảm ứng không chỉ tiện ích mà còn tiết kiệm chi phí hàng ngày…
Theo phân tích của các KTS, chi phí ban đầu cho một ngôi nhà xanh thường cao hơn đôi chút so với nhà thông thường. Tuy nhiên, bạn suy nghĩ thế nào trước hai lựa chọn: chi phí ban đầu cao hơn một chút, nhưng đổi lại, bạn sẽ có được cuộc sống tiện nghi, an toàn và thân thiện, hay là tiết kiệm chi phí ban đầu để đổi lấy cuộc sống đắt đỏ và nhiều nguy cơ về sau.
(Theo Tiêu&Dùng)