Ở nước ta, nhà bên biển, sông, núi... khá phổ biến, nhưng nhà bên hồ chưa nhiều và chưa đặc sắc. Ngoài ra, ở nơi có hồ thì kiến trúc vẫn cứ "cách xa xa", chưa hoà chung với cảnh vật.
Ở nước ta, nhà bên biển, sông, núi... khá phổ biến, nhưng nhà bên hồ chưa nhiều và chưa đặc sắc. Ngoài ra, ở nơi có hồ thì kiến trúc vẫn cứ "cách xa xa", chưa hoà chung với cảnh vật.
Gần đây, nhiều dự án nghỉ dưỡng và sống bên hồ đang trở nên phổ biến, mà trong đó to lớn nhất là quy hoạch quanh hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt. Hãy tham khảo một kiến trúc bên hồ rất sáng tạo tại thành phố Austin, nước Mỹ.
Thành phố Austin, bang Texas có sông Colorado chảy qua, nhờ vậy nhiều hồ được hình thành từ nguồn nước của sông. Kiến trúc sư Ted Flato đã xây dựng một biệt thự ngay trên một hồ nước tại đây.
Ta có thể thấy KTS đã cho đào một con kênh nhỏ rộng không quá 3 m để lấy nước từ hồ vào, rồi đặt toàn bộ khu nhà lên con kênh đào này. Ý tưởng chủ đạo của ông là "nước, không chỉ đơn giản để ngắm qua cửa sổ, mà phải là một bộ phận hữu cơ của kiến trúc". Từ đó, chính con kênh đào này và bờ hồ ngoài kia đã trở thành một nét kiến trúc của công trình.
Xem từ bên trái bản vẽ sẽ thấy, để vào nhà, khách phải đi qua bức tường đá với hai nhà khách hai bên. Sau đó, một con đường lát gỗ, như xuơng sống chạy cặp theo con kênh để dẫn khách đi sâu vào trong. Flato cho rằng, con đường lát gỗ này chính là sảnh đón khách của toà nhà, vì sau khi qua bức tường đá, bạn sẽ đi vào một không gian chuyển tiếp nhằm chuẩn bị cảm giác để vào nhà chính. Đến cuối con đường khách sẽ vào nơi tiếp đón, kiến trúc như một bến thuyền.
Đây là một phòng khách rộng mở không gian cao rộng, thoáng đãng, chung quanh bọc lưới để chống côn trùng, đồng thời để gió trời và cảnh vật của hồ thấm đẫm căn phòng. Đây cũng là nơi tiếp khách đến nhà bằng thuyền theo lối hồ để vào, nên nhìn vào bên phải hình 2 bạn sẽ thấy một bến thuyền có mái che cặp sát nhà, bên trên là một gác nhỏ. Từ nhà thuyền này, có lối dẫn đưa bạn đến phòng sinh hoạt được ngăn bởi một lò sưởi cao lớn dát đồng. Từ đây, bạn bắt đầu đi sâu vào cấu trúc chính của căn nhà.
Cần chú ý rằng, ngoài hồ và kênh đào, khắp nơi, KTS cho đào thêm những hồ nhân tạo nhằm làm cho khu đất thêm đa dạng, tạo những ngắt quãng và quan trọng hơn, cho cảm giác cả khu nhà đang bồng bềnh trên sóng nước. Kết luận về tác phẩm của mình, KTS Flato nói: "Đây là cơ duyên tuyệt vời để tạo được một ngôi nhà thật sự tương tác với nước".
(Theo Residential_Architect)