Ngôi nhà ống nằm trong hẻm, có diện tích nhỏ chỉ 41m2, lại kém vuông vắn nhưng vẫn là một không gian sống thoáng sáng và tiện nghi. Cách xử lý khéo léo của kiến trúc sư nhằm mang ánh sáng mặt trời và gió tự nhiên vào trong nhà nhận được nhiều lời khen ngợi trên tạp chí Archdaily.
|
Ngôi nhà được xây ở khu vực dân cư đông đúc gần trung tâm thành phố Hà Nội. |
|
Khu dân cư này vốn từng là một làng quê lạc hậu gắn với nền nông nghiệp lúa nước và hiện đang trong quá trình đô thị hóa. |
Mảnh đất xây nhà không những nhỏ mà còn có hình dáng kém vuông vắn với diện tích 41m2 và các kích thước 4x12,2x2,6x12,4m. Hơn nữa, lối vào quá nhỏ, khoảng 1,3-1,5m chỉ đủ chỗ cho xe máy đi vào. Những bất lợi này đã đặt ra không ít thách thức cho đội ngũ kiến trúc sư trong việc tối đa thông gió tự nhiên và mang ánh sáng mặt trời vào trong nhà.
|
Ngôi nhà được xây trên mảnh đất hẹp ngang và kém vuông vắn. Đặc thù của khu vực này là các lô đất đều bị phân lô khá nhỏ với lối vào hẹp. |
Một khó khăn nữa mà các kiến trúc sư phải đối mặt đó là làm sao để thay đổi thói quen sống trong các ngôi nhà ống thường thấy ở Việt Nam. Trong văn hóa người Việt, không gian thờ cúng là một nơi rất quan trọng và trang nghiêm. Phần lớn các ngôi nhà truyền thống đều có 3-5 gian và bàn thờ được đặt ở gian giữa, hướng mặt ra phía cửa, cạnh đó là khu vực tiếp khách.
Trong khi đó, với nhà ống – loại hình nhà phố rất phổ biến ở các đô thị lớn thì phòng thờ thường được bố trí ở tầng cao nhất của ngôi nhà, tách biệt hoàn toàn so với những không gian khác nên gây khó khăn khi di chuyển lên xuống. Các kiến trúc sư đã tìm cách bố trí phòng thờ ở một vị trí dễ tiếp cận hơn, gần gũi hơn với các không gian sinh hoạt chung, trong khi vẫn đảm bảo được sự nghiêm trang, tôn kính.
|
Mục tiêu mà các kiến trúc sư hướng tới là tạo ra một không gian sống cho phép gia chủ tận hưởng khung cảnh nhộn nhịp bên ngoài khi ở trong nhà nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh và sự riêng tư cần thiết. |
|
Không gian trong nhà ống được thiết kế theo bố cục mở, hạn chế sự hiện diện của các bức tường ngăn cách. |
|
Những bức tường và cầu thang được uốn cong nhằm tối ưu hóa mặt sàn có diện tích khiêm tốn với nhiều góc chết do hình dạng khác biệt của lô đất gây ra, đồng thời tạo sự đa dạng và mang lại cảm giác mềm mại cho không gian sống. |
|
Hệ tủ được thiết kế dưới gầm cầu thang giải quyết bài toán về không gian lưu trữ cho nhà ống có diện tích khiêm tốn. |
|
Cầu thang và hành lang được bố trí gọn gàng về phía sau nhà đảm bảo sự liền mạch và liên tục từ các tầng dưới lên tới phòng thờ. |
|
Phòng ngủ được bố trí ở tầng trệt và tầng 3. |
|
Kiến trúc sư sử dụng lớp rèm vải thay vì lắp đặt cửa để đảm bảo tính riêng tư cho phòng ngủ trong khi vẫn tạo cảm giác thông thoáng cho không gian nhỏ hẹp. |
Ở Hà Nội, gió hướng Đông Nam mang đến luồng không khí mát mẻ nên người dân thường tìm cách mở cửa, cửa sổ ở hướng này để đón gió mát trong suốt mùa hè. Các kiến trúc sư cũng tận dụng điều đó bằng cách thiết kế phần phía sau của tầng mái thấp hơn phần phía trước khá nhiều và bố trí thêm cửa sổ trần kính, từ đó cho phép gió và ánh sáng có thể dễ dàng luân chuyển vào mọi ngóc ngách trong nhà.
|
Hai cửa sổ kính được lắp đặt phía trên mái giúp lấy sáng và tối đa thông gió tự nhiên cho không gian sống. |
|
Phòng thờ được bao quanh bởi ánh sáng, gió trời và cây xanh. |
|
Ở mặt tiền nhà, thay vì sử dụng cửa sổ khung sắt như những ngôi nhà quanh đó, kiến trúc sư lựa chọn cửa sổ 2 lớp (một lớp cửa kính và một lớp cửa chớp bằng gỗ) kết hợp với các ô thoáng hình oval để đón sáng, đón gió tự nhiên mà vẫn đảm bảo được an ninh cho ngôi nhà. |
|
Hệ ô thoáng kết hợp với hệ thống cửa chớp cũng góp phần xòa nhòa khung cảnh ồn ào phố thị khi nhìn từ bên trong, đồng thời tạo sự kết nối mềm mại giữa không gian bên trong với nhịp sống hối hả bên ngoài. |
|
Mặt bằng bố trí các tầng trong nhà. |
|
Bản vẽ mặt cắt đứng ngôi nhà. |