Nhà có thể đặt bất kỳ đâu trên tuyến đường thích hợp, diện tích đường sẽ chính là diện tích xây dựng nhà, khoảng không gian của nhà được đặt trên đường và phần lưu thông của đường nằm trong không gian nhà.
Nhà có thể đặt bất kỳ đâu trên tuyến đường thích hợp, diện tích đường sẽ chính là diện tích xây dựng nhà, khoảng không gian của nhà được đặt trên đường và phần lưu thông của đường nằm trong không gian nhà.
Đây là ý tưởng đoạt giải cao nhất cuộc thi "Kiến trúc nhiệt đới với vấn đề bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả", do ĐH Kiến trúc Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức.
Theo KTS Trần Đình Bá, tác giả của công trình, 100 năm trước đây, khi dân số thế giới chỉ 1,5 tỷ người, mô hình "nhà bên đường" còn phù hợp do nhà và đường vẫn ít so với diện tích phủ xanh toàn cầu. Nhưng hiện nay, khi dân số thế giới đã gấp gần 5 lần, trái đất đang đối mặt với tình trạng bê tông, đô thị hóa... các công trình kiến trúc và đường sá độc lập với nhau có thể gây tình trạng lấn chiếm đất đai, cây xanh...
Hai mô hình phổ biến để cung cấp thêm chỗ ở là nhà cao tầng và dưới hầm cũng bộc lộ nhiều nhược điểm. Để tránh cho thành phố bị lún thêm dưới sức nặng của hàng nghìn cao ốc, chính quyền Thượng Hải (Trung Quốc) đã lên kế hoạch hạn chế việc xây mới nhà chọc trời. Với nhà dưới hầm, khó khăn nằm ở việc tạo nên hệ kết cấu để ổn định trước trọng lực của hầm, chống thấm, địa chấn, cấp thoát nước, thiếu ánh sáng và dưỡng khí...
"Chính vì vậy, giải pháp nhà trên đường là thích hợp nhất để giải bài toán toàn cầu về việc khan hiếm đất xây dựng, tận dụng thuận lợi về không gian trên đường và tiết kiệm nhiều diện tích đất dành cho an ninh lương thực, giảm thiểu tác động gây hiệu ứng nhà kính", KTS Bá cho biết.
Những công trình nhà trên đường sẽ đều có 6 mặt tiếp xúc với không gian nhưng được xây trên hệ cột chống và móng cọc có độ cao thông thủy bằng cầu vượt nên không ảnh hưởng đến lưu thông xe cộ trên đường. Hệ cột chống sẽ nằm trên diện tích vỉa hè, giải phân cách nên không ảnh hưởng đến lưu thông và có vành đai bảo vệ an toàn. Các cột cách nhau để đảm bảo độ thông thoáng tự nhiên cho đường. Khoảng cách giữa các nhà trên một con đường tối thiểu bằng bề rộng đường để đảm bảo thông thoáng. Mô hình này có thể áp dụng cho cả trên các tuyến đường sắt.
Lợi ích của những công trình trên đường này, theo KTS Bá, là khá rẻ vì không tốn tiền đất; che chở cho mặt đường trước tác động của thiên nhiên; không gian ở cao ráo, thoáng mát; tiết kiệm năng lượng chiếu sáng và thông gió; an toàn, thân thiện với môi trường. Nhà trên đường khoảng 10-15 tầng nên an toàn trước các tác động bất lợi, dễ dàng thoát người khi có sự cố như hỏa hoạn. Các tòa nhà có thể xây trên đường là chung cư, bệnh viện, siêu thị, khách sạn, công sở, trường học, công xưởng, nhà máy công nghiệp nhẹ... Thậm chí, mô hình còn có thể áp dụng với dự án thành phố hai bên sông Hồng.
KTS Trần Đình Bá khẳng định, với những lợi thế trên, đây sẽ là giải pháp "toàn cầu" trong tương lai, chứ không chỉ cho Việt Nam. Hiện tác giả đã đã đăng ký bản quyền ý tưởng và đang cộng tác với các chuyên gia nước ngoài để nghiên cứu sâu thêm.
Linh Hương