Ngôi nhà của anh là một sự pha trộn chừng mực giữa nét thanh mảnh, tinh tế của châu Á và sự khoáng đạt, thực dụng của âu mỹ
Ngôi nhà của anh là một sự pha trộn chừng mực giữa nét thanh mảnh, tinh tế của châu Á và sự khoáng đạt, thực dụng của âu mỹ
Chủ nhân là một hoạ sĩ đương đại Mỹ gốc Việt khá nổi tiếng với loạt tác phẩm hội hoạ kết hợp nhiếp ảnh. Những tác phẩm của anh đang chuyển tải những sáng tạo nghệ thuật trong sự vận động liên tục của cuộc sống, từ xã hội ngăn nắp phương Tây đến chất tĩnh lặng mà anh chắt chiu từ hiện thực ồn ào của một xã hội đang phát triển – Sài Gòn, nơi anh đang sống. Và cuộc sống, như anh nói, tác động lại chính người nghệ sĩ và làm anh biết theo nó.
Là một người sống nhiều, đi nhiều, ngôi nhà của anh là một sự pha trộn chừng mực giữa nét thanh mảnh, tinh tế của châu Á và sự khoáng đạt, thực dụng của miền đất rộng lớn và tự do. Hỏi đâu là nơi anh thích quay lại nhất, anh bảo Huế – ở đó anh có duyên nhất với những món đồ gỗ, đồ gốm, phù điêu cổ,…dành riêng cho thú sưu tập của mình.
Ngôi nhà 8x20m, được chính chủ nhân thiết kế, chủ ý sử dụng những vật liệu đơn giản, không tốn kém. Căn nhà có cảm giác hợp lý và vừa đủ, nhưng có lẽ sự thừa thãi duy nhất ở đây là… ánh sáng. Ánh sáng tràn ngập từ dãy cửa sổ lớn choán toàn bộ 8m chiều ngang căn nhà và từ khoảng thông tầng lớn phía sau.
Phòng khách chung với phòng ăn trong một không gian rộng và khoáng đạt với bộ sofa lớn và dãy bàn ăn dài. Những phòng ngủ tuy chỉ được gọi là “phòng dư” nhưng cũng được chăm chút kỹ lưỡng, chứng tỏ chủ nhân là một người hiếu khách. Cũng vì thế mà cảm giác nơi đây nhiều không khí bè bạn hơn gia đình.
Nếu như kiến trúc căn nhà thiết thực cho một không gian làm việc thì nội thất lại được chủ nhân chăm chút bằng vốn hiểu biết và tình cảm mạnh mẽ với những món đồ mà anh sưu tập được. Từ bình Hán, lọ Lý, đĩa Chu Đậu thời Trần đến gốm cổ Biên Hoà, men lam xứ Huế,… tới cả những món đồ thuỷ tinh nước ngoài và gốm mới từ các lò Bình Dương, Bát Tràng… Tất cả đều song hành cùng nhau, tạo nên một không gian sống – làm việc đầy hứng khởi cho một hoạ sĩ đương đại.
Không khoa trương, không ồn ào, Lê Quang Đỉnh lặng lẽ tận hưởng cuộc sống chậm tại quê hương, theo đuổi những dự định nghệ thuật của riêng mình, cùng lúc với việc duy trì một địa chỉ văn hoá hỗ trợ các nghệ sĩ đương đại Việt Nam có tên Sàn Art. Mùa thu này, anh sẽ có hai cuộc triển lãm đến với công chúng thế giới tại Osaka và Fukuoka và cuối năm nay, anh cũng sẽ thực hiện một triển lãm về chất độc màu da cam tại Berlin, nằm trong cuộc vận động chung cho vấn đề Da cam Việt Nam.
(Theo SGTT)