Tết đã cận kề, cùng nhau dọn nhà
sắm sửa đón xuân đã trở thành tục lệ của người Việt, chào đón năm mới rộn ràng
tươi vui đầy sắc thắm thông qua những đồ vật không thể thiếu.
Tết đã cận kề, cùng nhau dọn nhà sắm sửa đón xuân đã trở thành tục lệ của người Việt, chào đón năm mới rộn ràng tươi vui đầy sắc thắm thông qua những đồ vật không thể thiếu.
1. Mâm ngũ quả
Xuất phát từ quan niệm về chuộng số lẻ của văn hóa phương Đông, về bộ ngũ hoàn hảo (ngũ hành, ngũ vị, ngũ sắc…), về sự đầy đủ (như bàn tay 5 ngón)… mà mâm trái cây dâng cúng tổ tiên và chưng ngày tết của người Việt được gọi là mâm ngũ quả.
Xét về mặt âm dương - ngũ hành thì một mâm ngũ quả hài hòa nên có các yếu tố bổ sung, tương hỗ cho nhau, như bản chất cuộc sống trong tự nhiên và xã hội đòi hỏi như vậy. Cần cân đối giữa những trái cây có màu xanh hay màu nhạt, dịu mát tượng trưng cho âm với các trái màu nóng như đỏ cam, vàng rực… tượng trưng cho dương.
Người Việt cũng thiên nhiều về hai hành thổ (sinh kim, tiền tài) và mộc (phát triển, nảy lộc, bám rễ lâu bền) nên mâm ngũ quả chủ yếu là các trái có vị ngọt (thuộc thổ) như lê, dưa hấu, đu đủ, xoài… và những trái có vị chua (thuộc mộc) như bưởi, cam.
2. Câu đối
Để trang hoàng nhà cửa và để thưởng Xuân, trước đây từ các nhà nho cho tới những người bình dân "tồn cổ" vẫn còn trọng tục treo "câu đối đỏ" nhân ngày Tết. Những câu đối này được viết bằng chữ nho (màu đen hay vàng) trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào nên thường được gọi chung là câu đối đỏ.
Chữ nghĩa ở các câu đối này thường là những chúc tụng nhân năm mới, chẳng hạn như: Phước thâm tự hải (hạnh phúc nhiều sâu như biển), Lộc cao như sơn (của cải nhiều cao như núi) hay: Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ (Trời đất ngày gia tăng ngày tháng ví như con người mỗi năm tăng thêm tuổi thọ), Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường (mùa xuân về đầy trong Trời đất ví như hạnh phúc đầy nhà)
3. Vật phẩm cát tường
Ngày tết bài trí vật phẩm trong nhà có thể mang lại may mắn, tài vận, sự giàu sang phú quý cho gia chủ. Điển hình là những vật phẩm sau:
- Thần tài: Rất nhiều gia đình và nhiều công ty hiện nay đặt tượng thần Tài (quan Công) trong nhà. Tượng thần Tài được xem là pháp khí mang lại tài lộc và phú quý trong phong thủy. Tượng thần Tài thường được đặt trong phòng khách hoặc trên bàn làm việc với hy vọng đón nhiều vận khí mới tốt lành vào nhà.
- Tượng rồng: Hình tượng rồng thể hiện sức mạnh vũ trụ. Hai con rồng thể hiện tính bao trùm của Âm Dương cùng chầu vào biểu tượng mặt trời là Thái Cực sinh lưỡng nghi (Hai con rồng). Dùng tượng rồng tại phòng khách trong nhà sẽ tạo nên long khí, một nguồn sinh khí có tác dụng to lớn trong phong thủy, giúp cuộc sống yên lành, công việc phát triển vượt bậc…
- Bộ Tam Đa: Tam Đa chính là Phúc Lộc Thọ. Bộ Tam Đa có thể bằng gốm sứ, bằng đồng, bằng đá quý, bằng hình tượng Phong Thủy Luân, bằng tranh Phúc Lộc Thọ toàn đồ. Biểu tượng Tam Đa tượng trưng cho 3 vị Thần đem lại may mắn, sức khỏe, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà nên thường người ta hay trưng, bày trong nhà.
4. Cây cảnh
Mùa xuân là mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc, mùa của sắc hoa tươi thắm mọi nhà. Nếu khéo chọn sao cho hài hòa âm dương, ngũ hành thì không những đem lại thẩm mỹ cao mà còn thúc đẩy sinh khí, hưng vượng cho nơi cư ngụ trong dịp xuân về.
Chọn cây theo Hành:
Trong chọn cây trưng tết thì cách làm theo phong thủy là chọn cây theo hành làm chủ đạo (hành mệnh gia chủ), rồi bổ sung thêm hành sinh chủ và hành chủ sinh, điểm xuyết hành chủ khắc tại các vị trí xấu, còn lại để tự nhiên và bố trí theo công năng, thẩm mỹ.
Ví dụ một ngôi nhà với gia chủ thuộc hành kim, nhà sơn màu trắng xám, thì nên chọn các cây xén tròn, đặt trong chậu vuông hoặc tròn (thổ sinh kim), đồng thời có thể thêm một số cây thủy sinh để kim sinh thủy.
Cũng nên căn cứ vào đặc tính của nơi bố trí cây chứ không chỉ thuần yếu tố cá nhân, và có lúc khắc lại tốt hơn là sinh. Ví dụ nếu phòng khách có mảng sơn màu đỏ cam, thuộc hỏa, thì cây chưng đó nên có dạng thấp và nhấp nhô, tán tròn, lá xanh đậm có ánh trắng (thuộc kim và thủy, là hai hành xung khắc với hỏa) để giảm bớt tính hỏa.
Chọn cây theo tên:
Những loại cây được phong thuỷ xem là cát tường, mang lại sinh khí trong nhà ở có thể hệ thống trong một số bộ cây chính sau:
Bộ tứ linh: đa - sung - sanh - si, vốn là những cây lâu năm, dáng đẹp, rễ bám bền chắc và cành lá sum suê, những cây này hay được uốn theo các thế truyền thống thể hiện tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ bao la.
Bộ tứ quý: mai - lan - cúc - trúc tương ứng theo bốn mùa trong năm, hoặc là tùng - trúc - cúc - mai tượng trưng cho tuổi thanh xuân và khí tiết của con người, trong đó tùng và trúc có dáng vươn cao tượng trưng cho nam tử trượng phu, còn cúc - mai tươi đẹp mềm mại tiêu biểu cho nữ nhi hiền thục.
Bộ tam đa: gồm có cây sung sai quả (hoặc cây đa) ở dạng bonsai tượng trưng cho phúc. Cây lộc vừng hoặc phát tài tượng trưng cho lộc. Cây bách tuế, thiên tuế hay vạn tuế, vạn niên tùng, sống đời… tượng trưng cho thọ.
5. Lì xì
Lì xì ngày Tết người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ, gọi là “lì xì” với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn.
Mai Hà