Xây nhà có tầng áp mái hiện khá phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc sử dụng không gian này cho phù hợp với khí hậu và cuộc sống thì còn chưa nhiều nhà làm được.
Xây nhà có tầng áp mái hiện khá phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc sử dụng không gian này cho phù hợp với khí hậu và cuộc sống thì còn chưa nhiều nhà làm được.
Tại các nước hàn đới hay ôn đới, khoảng không gian áp mái thường hữu dụng vì khí hậu lạnh, mái dốc để tuyết trôi nhanh, gian dưới mái khá ấm áp và nhiều ánh sáng vào phòng. Còn ở Việt Nam, do tính chất khí hậu và kết cấu nhà tương đối khác, cả do hạn chế trong xử lý kỹ thuật, nên tầng áp mái ít sử dụng, hoặc nếu có thì cũng chỉ làm kho chứa đồ, tầng kỹ thuật. Một số nơi có khí hậu ôn hòa như Sapa hay Đà Lạt, những biệt thự thời thuộc địa thường xây theo kiểu kiến trúc các địa phương của Pháp, do đó tầng áp mái được sử dụng khá tốt, miễn là chiều cao đảm bảo khoảng tĩnh tương thích với người ở.
Hiện nay, không chỉ những nhà có diện tích eo hẹp cần tận dụng gian áp mái, mà những biệt thự cao cấp cũng có xu hướng sử dụng không gian này như một nét độc đáo riêng, đưa lên đây các phòng sinh hoạt gia đình, giải trí hoặc phòng ngủ. Tất nhiên, cần lưu ý khai thác không gian chính của tầng này sao cho con người sinh hoạt chủ yếu tại vùng cao và rộng, đẩy các khu vực kệ trang trí, đồ ít dùng... vào những "góc chết".
Về kỹ thuật, cần sử dụng vật liệu cách nhiệt và chống thấm tốt cho gian áp mái. Vì đã thành nơi sinh hoạt thường xuyên nên không gian dưới mái cần được xử lý hoàn thiện các bề mặt sao cho vệ sinh, tiện dụng và thẩm mỹ. Đóng trần là một giải pháp tốt. Trần có thể làm nghiêng theo mái hoặc làm hình vòm cong, giật cấp, đóng ngang bằng hoặc phối hợp nhiều kiểu trần tùy theo hình dáng mái. Vì ngói hay tôn luôn là các vật liệu có khả năng bị thấm dột và truyền nhiệt nên tấm trần cần chọn loại tấm nhựa có khả năng chống thấm và cách nhiệt cao cũng như dễ hoàn thiện bề mặt theo ý muốn.
(Theo Nhà Đẹp)