Trong bối cảnh dân số ngày một tăng cao trong khi quỹ đất hạn chế, gác lửng đang dần trở thành một xu hướng thiết kế nhà ở tại Việt Nam. Gác lửng được đánh giá là giải pháp hoàn hảo giúp gia tăng diện tích sử dụng cho nhà phố chật hẹp. Để khu vực chức năng này trở thành không gian sinh hoạt lý tưởng, gia chủ nên biết những nguyên tắc thiết kế, bài trí gác lửng dưới đây.
Công năng của gác lửng
Thực tế cho thấy, nhà phố tại Việt Nam thường có ưu thế về chiều cao. Điều này tạo thuận lợi cho các kiến trúc sư trong việc thiết kế thêm gác lửng để gia tăng diện tích sử dụng cũng như tạo độ thoáng sáng, rộng rãi cho ngôi nhà.
Tùy vào kết cấu nhà và nhu cầu của gia chủ, gác lửng sẽ có công năng sử dụng khác nhau. Bạn hoàn toàn có thể thiết kế thêm gác lửng làm nơi sinh hoạt trong trường hợp tầng trệt được dùng để xe hoặc kinh doanh buôn bán. Gác lửng cũng là giải pháp hàng đầu khi bạn cần mặt bằng rộng mà chiều cao công trình buộc phải giới hạn theo quy định.
|
Gác lửng được đánh giá là giải pháp tối ưu giúp tăng thêm không gian sinh hoạt cho nhà phố nhỏ hẹp. |
Theo đó, với những nhà phố có diện tích khiêm tốn, gác lửng thường được sử dụng như một phòng làm việc, thư giãn hoặc có thể trở thành một phòng riêng cho thành viên trong gia đình. Với những ngôi nhà có diện tích vừa phải, ở mức trung bình, gia chủ có thể bố trí bếp ăn, phòng sinh hoạt chung hoặc phòng thờ trên gác lửng. Đối với nhà cấp 4, gác lửng thường được dùng làm nơi ngủ nghỉ, tách biệt hẳn với không gian tầng trệt, nơi bố trí phòng khách, khu bếp ăn, nhà tắm...
Ngoài ra, về mặt thẩm mỹ, thiết kế gác lửng không chỉ tạo điểm nhấn bắt mắt cho ngôi nhà mà còn mang đến chiều sâu cho không gian nội thất.
Nguyên tắc thiết kế gác lửng
Để có thể tận dụng được tối đa công năng của gác lửng trong nhà phố, bạn cần nắm rõ những nguyên tắc thiết kế sau đây:
Diện tích
Theo quy định hiện hành, diện tích tầng lửng tại Việt Nam chiếm khoảng 80% diện tích sàn nhà. Nếu việc thiết kế gác lửng bên trong công trình nhà ở riêng lẻ không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính thì không bị xử phạt về hành vi xây dựng sai phép. Trường hợp chủ đầu tư xây dựng đúng số tầng và có phát sinh thêm tầng lửng song vẫn đảm bảo chiều cao công trình theo đúng giấy phép xây dựng cũng không bị xử phạt. Như vậy, khi thiết kế gác lửng cho nhà phố, bạn cần nắm rõ quy định này để tránh những hệ lụy rắc rối về sau.
|
Diện tích tầng lửng thường chiếm khoảng 80% diện tích sàn nhà. |
Chiều cao
Thông thường, chiều cao của gác lửng dao động trong khoảng từ 2,5m-2,8m. Không gian trên gác lửng sẽ trở nên bí bức, ngột ngạt nếu bạn thiết kế gác lửng thấp hơn so với chiều cao chuẩn. Bên cạnh đó, gia chủ nên đặt gác lửng trên diện tích khoảng 2/3 chiều sâu của ngôi nhà. Đồng thời, cầu thang từ tầng trệt dẫn lối lên gác lửng cũng nên được thiết kế nhỏ gọn để giúp tiết kiệm diện tích nhà phố một cách tối đa.
Vật liệu
Những vật liệu được sử dụng để thiết kế gác lửng gồm bê tông, ván xi măng, ván chịu lực, ván gỗ, gỗ tự nhiên, gỗ công nghiệp... Trong đó, bê tông được cho là vật liệu tốt nhất để làm gác lửng bởi sự chắc chắn, bền vững và tính thẩm mỹ mà nó mang lại. Với gác lửng làm từ bê tông, bạn có thể sử dụng không gian này cho nhiều mục đích khác nhau như phòng làm việc, thư viện gia đình, khu vui chơi cho trẻ...
Cùng với đó, chủ nhân cũng có thể sử dụng vật liệu kính trong suốt, thủy tinh mờ hoặc lưới kim loại để thiết kế lan can cho gác lửng. Đây là các vật liệu lý tưởng giúp gác lửng trở nên rộng rãi, thoáng đãng và bắt mắt hơn.
|
Một gác lửng đẹp không chỉ giúp gia tăng diện tích sử dụng mà còn tạo điểm nhấn độc đáo cho nhà phố. |
Màu sắc
Kinh nghiệm cho thấy, bạn nên trang trí gác lửng bằng những tông màu ấm, nhạt hoặc gam mau trắng sáng để giúp không gian này trở nên thoáng rộng hơn so với diện tích thực. Trong khi đó, các tông màu đậm hay quá trầm sẽ khiến gác lửng bí bức, u tối hơn.
Ánh sáng
Để gác lửng trở thành không gian sinh hoạt thoáng đẹp, tinh tế, bạn nên quan tâm tới việc thiết kế hệ thống chiếu sáng cho khu vực này. Tốt nhất, gia chủ nên sử dụng ánh sáng vàng hoặc trắng nhằm tăng độ uyển chuyển, mềm mại và sự ấm áp cho gác lửng. Hệ thống đèn âm trần cho gác lửng là gợi ý đáng tham khảo.
Một số lưu ý về mặt phong thủy khi thiết kế gác lửng
Gác lửng là một cấu trúc khá đặc biệt trong thiết kế nhà ở. Vì vậy, khi thiết kế gác lửng, bạn cần lưu ý một số vấn đề về mặt phong thủy để đảm bảo sức khỏe và tài lộc cho cả gia đình.
Một là, bạn không nên thiết kế gác lửng có độ dốc quá lớn. Bởi lẽ, gác lửng quá dốc sẽ khiến cho các dòng khí đi vào nhà nhanh chóng bị thoát ra ngoài, không tụ khí được. Theo đó, tài lộc và sự may mắn cũng không ở lại với gia chủ.
Hai là, chủ nhân nên tránh bố trí gác lửng dưới xà ngang. Đây là điều tối kỵ trong phòng thủy nhà ở. Sống trong một ngôi nhà có xà ngang chèn ép trên gác lửng, gia chủ dễ bị hao tài tốn của.
|
Gia chủ nên tránh thiết kế gác lửng dưới xà ngang. |
Ba là, gia chủ nên thiết kế cửa sổ cho gác lửng. Thật sai lầm nếu bạn bỏ qua chi tiết này. Gác lửng vốn dĩ là không gian khá nhỏ hẹp nên cần có thêm cửa sổ để tạo sự thông thoáng. Cửa sổ trên gác lửng sẽ giúp không khí được lưu thông và mang ánh sáng tự nhiên vào phòng. Nhờ đó, tinh thần của bạn sẽ trở nên phấn chấn, vui vẻ hơn.
Bốn là, bạn không nên sử dụng gác lửng làm phòng ngủ. Nhược điểm của gác lửng là sự bất lợi về vị trí, gây tổn hao năng lượng khá lớn và tác động tiêu cực tới sức khỏe của chủ nhân. Tốt nhất, gia chủ hãy sử dụng gác lửng để bố trí không gian làm việc, phòng tập luyện hoặc kho chứa đồ. Trong trường hợp bất đắc dĩ, bạn mới thiết kế phòng ngủ trên gác lửng.
Năm là, gia chủ nên tránh thiết kế cầu thang thẳng kết nối với gác lửng. Ngoài chức năng cung cấp lối lưu thông giữa các tầng, cầu thang còn giúp vận chuyển khí trường trong nhà. Do đó, dạng cầu thang thẳng, trực xung sẽ khiến vận khí, tài khí sụt giảm. Thay vào đó, bạn nên thiết kế cầu thang nối với gác lửng dạng vòng hoặc xoắn ốc để giúp tụ khí.
Dưới đây là những mẫu gác lửng được thiết kế tinh tế, đáng để bạn tham khảo, áp dụng cho nhà phố hiện đại nhằm kiến tạo nên một không gian sống tiện nghi và đẹp mắt.
(* Nguồn ảnh: Internet)