Lâu nay có quan niệm bản vẽ thiết kế thi công thường nặng về phần kỹ thuật, còn những chi tiết “mềm” thì có thể chỉ mang tính gợi ý, ví dụ như bồn hoa, bố trí vật dụng, rèm cửa…
Lâu nay có quan niệm bản vẽ thiết kế thi công thường nặng về phần kỹ thuật, còn những chi tiết “mềm” thì có thể chỉ mang tính gợi ý, ví dụ như bồn hoa, bố trí vật dụng, rèm cửa…
Điều này đúng nhưng chưa đủ, bởi nhiều nhà khi đi vào sử dụng lại hay gặp phiền phức ở chính những chi tiết đó. Đơn cử là chuyện trồng và chăm sóc hoa lá trong và ngoài nhà.
Phải tính toán từ đầu với nhiều công sức và kỹ thuật để sử dụng tốt một khoảng “vườn treo” thế này
Muốn xanh không dễ: nếu để ý các công trình được đầu tư kỹ lưỡng (như resort cao cấp, biệt thự) thì sân vườn, bồn hoa, tiểu cảnh… là một gói thiết kế và thi công riêng, có nhà thiết kế phong cảnh sân vườn đảm nhận. Bởi họ sẽ chỉ định và triển khai chi tiết những vị trí trồng cây cối, chủng loại cây, điện nước liên quan…
Còn thực ra đa số nhà dân hiện nay vẫn để KTS “bao sân” luôn việc này. Và với những ai không rành về cây cối thì đôi khi chỉ ghi vỏn vẹn trên bản vẽ mấy chữ “bồn hoa, thảm cỏ”... là xong!
Cũng có một số ít KTS có năng khiếu và ham thích thiết kế tiểu cảnh sân vườn, nhưng nếu gặp gia chủ thiếu quan tâm đúng mức, làm xong nhà rồi mới tính, thì cũng đành chào thua. Không phải vô cớ mà đa số gia chủ hiện nay thường đề nghị không làm bồn hoa. Nhiều lý do được đưa ra như: kiểu đó xưa rồi, hay bị muỗi, ít chăm sóc…
Có người còn nói ngay từ đầu là chăm hoa mệt hơn cả chăm con nên KTS cũng không dám bàn gì thêm. Trên thực tế những ngôi nhà có thiết kế cây cối đẹp và hiệu quả thường phải nhờ đến các dịch vụ hoa kiểng chuyên nghiệp đến tư vấn và đảm đương luôn việc cung cấp cây cối, bảo dưỡng thường xuyên.
Nhất nước nhì phân: các vị trí làm bồn hoa trong nhà phố ở dưới bậu cửa sổ thì nhìn thấy đẹp, nhưng khi trồng cây vào rồi thì lại không mở được cửa, dễ làm gãy cây. Nhiều gia chủ chọn cách đặt chậu trên ban công để cơ động hơn, nhưng vẫn không ổn vì lại kê thêm vài viên gạch để không bị đọng nước bên dưới. Làm khung sắt thì cũng chỉ được một thời gian, mưa nắng vài mùa là rỉ sét chảy thành vệt ố vàng trên tường, dưới sàn… thế là dẹp!
Chuyện chăm sóc cây cối nếu nhà không có người “chuyên trách” thì sẽ dễ trở thành vướng bận phiền phức. Để cây xơ xác thì không đành, mà ra chăm sóc hàng ngày sao vất vả quá, từ vòi nước tưới đến ống thoát, rồi thay đất bón phân, bao chuyện phải lo. Chưa kể cây trồng xum xuê hay chĩa sang nhà hàng xóm thì lại phải tỉa bớt, cây chết phải vứt bỏ dọn dẹp, rồi sâu bọ, lá rụng… đủ các kiểu để mà cư dân đô thị bận rộn thấy phát ngán.
Có nhà trên sân thượng mới đầu trồng cây hoa sau phải chuyển sang trồng cỏ, với vài viên đá nhỏ cho xanh mắt mà đơn giản hơn. Tuy nhiên cỏ cũng phải chọn đúng loại, đúng chỗ, đúng cách chăm sóc, nếu không một thời gian là cỏ xơ xác, trơ đất ra thấy mà thương.
Giấc mơ vườn treo: cũng chung cảnh “vẽ dễ xài khó” với bồn hoa là những không gian vườn trên mái, hay vườn treo ở sân sau, giếng trời. Thường triển khai chi tiết thì bản vẽ có đủ cả, nhưng khi ra thực tế thì với nhà phố lầu các loại cây cối trồng nằm tuốt dưới trệt không có đủ nắng gió để phát triển, nhiều nhà đành phải sử dụng cây giả.
Những dàn sắt để treo cây cối ngoài ban công, móc hoa cảnh trong giếng trời cũng đòi hỏi sự thiết kế và chăm sóc tỉ mỉ, có chuyên môn sâu để biết loại nào phù hợp.
Một kỹ thuật gần đây được nhiều nhà áp dụng là phủ xanh tầng mái bằng giải pháp đúc sàn hai lớp, trên đổ đất trồng cây hoặc làm hồ cảnh khá hấp dẫn. Tuy nhiên để làm mái xanh hay vườn treo thì cần có thiết kế chi tiết, chỉ định vật liệu và kỹ thuật chuyên dụng như lớp chống thấm, lớp dằn đất, lớp đất và hệ thống giữ nước dưới mái (có rải sỏi để lọc nước và chống nghẹt) cũng như phải biết chọn đúng loại cây như mười giờ, cúc dại, cỏ Nhật... có khả năng chịu nhiệt tốt, sức sống cao.
Và chi phí ban đầu để phủ xanh mái nhà không hề rẻ chút nào, dù hiện nay đã có nhiều công ty nghiên cứu sản xuất các loại khay trồng chuyên dụng, nhưng vẫn đòi hỏi thời gian kiểm nghiệm hiệu quả sử dụng trên thực tế.
Thực tế các nhà phố dù có phần xây dựng theo mẫu giống nhau thì những phần “hoa lá cành” luôn làm nên sự khác biệt, cả về ấn tượng mặt tiền lẫn cảm giác được gần gũi cây xanh.
Nhưng “trồng cây gì, nuôi con gì” cho đúng kỹ thuật, sử dụng tiểu cảnh, vườn treo sao cho hiệu quả và tiện dụng thì lại đòi hỏi cả gia chủ lẫn nhà chuyên môn phải thống nhất từ đầu, có đầu tư chuyên sâu, tránh tình trạng làm cho có, bỏ thì thương vương thì tội ở những chi tiết tưởng chừng nho nhỏ này.
KTS Thái Hoàng Dưỡng
(Theo SGTT)