Kho trong nhà ở là một chỗ “không thấy cần nhưng khi cần thì không thấy”, bởi nhà làm xong dù đẹp cỡ nào mà thiếu kho thì cả nhà sẽ trở thành một… tổng kho!
Kho trong nhà ở là một chỗ “không thấy cần nhưng khi cần thì không thấy”, bởi nhà làm xong dù đẹp cỡ nào mà thiếu kho thì cả nhà sẽ trở thành một… tổng kho!
Quá trình sinh hoạt luôn có dôi dư ra nhiều vật dụng thừa nhưng không thể thanh lý ngay được, thành ra nếu không khéo sắp xếp thì chỗ nào trong nhà cũng bừa bộn đồ đạc linh tinh, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống. Vì thế, ngay từ xưa cha ông ta đã có nhiều khuyến cáo về cách bài trí kho và sự liên hệ giữa kho với trường khí nội thất nơi cư ngụ.
Vị trí và sắp xếp
Kho trong nhà nên đặt vào các hướng xấu theo tuổi gia chủ và hướng ít giao tiếp để giúp cho hung gặp hung hoá cát. Điều này cũng phù hợp về khí hậu, vì có thể dùng kho làm phần đệm để giảm bức xạ mặt trời và gió lạnh từ các hướng xấu. Nhà quy mô lớn (biệt thự hoặc nhà phố cao tầng) nên xây tầng hầm vừa làm nhà xe và kho chứa đồ vừa tránh được ẩm cho tầng trệt rất hiệu quả.
Tương tự bếp, nguyên tắc đặt kho là tọa hung hướng cát (toạ là mặt sau, lưng của kho, hướng là mặt trước, cửa ra vào kho) để trấn hung khí ở hướng xấu và nhận cát khí từ hướng tốt. Điều này khá phù hợp khi nhà ở có kết hợp kinh doanh hay sản xuất, phần cửa kho luôn mở ra vị trí thuận tiện (nghinh môn) để việc xuất nhập, cất giữ hàng hoá được thông suốt dễ dàng.
Về ngũ hành cơ bản thì kho mang tính chất thổ là chính, cộng thêm các hành còn lại tuỳ thuộc vật dụng chứa bên trong. Ví dụ kho sách báo, thùng giấy nhiều thì mộc tăng, kho có bồn nước, ẩm thấp thì thủy vượng, kho trên gian áp mái nhiệt độ cao, lắm chất dễ cháy thì coi chừng hoả thịnh, kho máy móc sắt thép phụ tùng thì có tính kim nhiều. Nhà xe cũng là một dạng kho nghiêng về hành kim, cần tránh xa nguồn lửa (hỏa khắc kim) dễ gây cháy nổ.
Kho cũng như khu vệ sinh, vốn có độ ẩm cao (thuộc hành thủy) nên tránh đặt ở trung cung của nhà (trung cung thuộc thổ, thường dành cho các không gian trang trọng như tủ thờ, tiếp khách…). Là nơi cất giữ đồ đạc, kho có tần suất sử dụng thấp nên trường khí tĩnh nhiều hơn và thường hay đóng kín. Do vậy, có thể bố trí kho xen kẽ và phân tán trong nhà theo các phòng để bổ sung và cân bằng khí. Ví dụ, kho dưới gầm cầu thang để xoá luồng khí chéo bất lợi và tận dụng được diện tích, hoặc kho sau nhà để kết hợp làm nơi để đồ lặt vặt theo nguyên tắc “tốt khoe xấu che”.
Kết hợp kho với các khu chức năng khác
Thông thường kho là nơi hay tụ âm và thiếu dương (ít ánh sáng) nên tránh làm rộng hơn phòng ngủ, gây lãng phí (chỉ trừ khi nhà có kinh doanh cần kho chứa hàng thì mới làm rộng nhưng cũng không nên đặt phòng ngủ kề cận kho rộng). Ngược lại làm kho hẹp quá ắt khó sử dụng đồng thời đồ đạc chồng chất bên trong dễ gây hoả hoạn hoặc hư hỏng. Cũng cần mở cửa sổ (dù nhỏ) hoặc gắn quạt hút cho kho để cân bằng âm dương và giúp thoát ẩm tốt.
Theo ngũ hành, khu vệ sinh thuộc thuỷ nên kho đặt trên nóc khu vệ sinh sẽ kiêm luôn chức năng trần kỹ thuật, cần chừa đủ khoảng thông thuỷ để sửa chữa được tiện lợi.
Kho ở trong bếp nên tránh chứa các vật dụng thuộc mộc (như giấy, sách báo cũ hay thùng gỗ…) vì mộc sinh hoả ắt dễ cháy, cần đặt kho xa vị trí bếp lửa và tiếp địa (sát đất để tránh leo trèo khi lấy vật dụng, giảm rơi bụi bặm xuống bếp).
Đối với nhà lợp mái dốc, khoảng trống chéo góc dưới mái thường có thể kết hợp làm kho áp mái khá hữu hiệu. Cũng do mộc sinh hoả, bên dưới mái nhà thường tích tụ hơi nóng rất dễ bắt lửa với các vật dụng dễ cháy nên cần lưu ý phòng hoả. Khi nhà có mái bằng – sân thượng, làm kho trên sân thượng cần tránh đặt trước phòng thờ mà nên chuyển về sau có kết hợp với phòng giặt hoặc phòng tập thể dục là thuận lợi hơn.
(Theo SGTT)