Thiết kế và bài trí nội thất là khâu vô cùng quan trọng để hoàn thiện một công trình kiến trúc cụ thể. Nhiều gia chủ vì không đủ điều kiện thuê kiến trúc sư đã tự thiết kế nội thất, làm đẹp không gian sống của mình. Tuy nhiên, họ thường mắc phải một số sai lầm phổ biến do không nắm được các nguyên tắc thiết kế cơ bản.
Nắm rõ những sai lầm thường gặp khi tự thiết kế nội thất sẽ góp phần giúp bạn tránh được trường hợp phải chi thêm cả tấn tiền cho việc sửa chữa, khắc phục các lỗi đó. Trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thiết kế nội thất là gì? Tại sao cần phải thiết kế và bài trí không gian nội thất nhà ở.
1. Thiết kế nội thất là gì?
Thiết kế nội thất (Interior design) là việc phân chia, sắp xếp, bài trí các phòng chức năng trong nhà sao cho hài hòa về màu sắc, ánh sáng, phụ kiện trang trí nhằm mang đến cho gia chủ không gian sống tiện nghi, thoải mái và dễ chịu nhất có thể. Có thể nói, thiết kế và bài trí nội thất là sự tổng hòa của khoa học kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật...
Thông thường, phạm vi của thiết kế nội thất tập trung vào không gian bên trong ngôi nhà gồm phòng khách, phòng bếp, phòng ăn, phòng ngủ, phòng làm việc, nhà vệ sinh với những hạng mục như trần, tường, sàn, đồ nội thất (bàn ghế, giường, tủ kệ, rèm cửa, gương, thảm trải...), phụ kiện trang trí, hệ thống chiếu sáng....
Ngoài tiêu chí thẩm mỹ, thiết kế không gian nội thất nhà riêng hoặc căn hộ chung cư cần đảm bảo tính hữu dụng, tiện lợi trong sinh hoạt hàng ngày và phù hợp với nhu cầu, thói quen, sở thích của gia chủ.
|
Nội thất nhà đẹp, thiết kế khoa học góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của gia chủ. |
2. Vì sao thiết kế nội thất cần được chú trọng?
Đây là khâu vô cùng quan trọng để hoàn thiện một bản thiết kế kiến trúc nhà ở. Thực tế cho thấy, nếu không gian nội thất không được tiện dụng, thiếu hài hòa thì công trình kiến trúc đó chưa thực sự hoàn chỉnh. Nội thất được ví như "tâm hồn" của kiến trúc. Kiến trúc ngoại thất đẹp mà nội thất bên trong không khoa học, hợp lý sẽ gây bất tiện, phiền toái cho gia chủ trong sinh hoạt.
Nếu được thiết kế bài bản, khoa học và giàu tính thẩm mỹ, không gian sống nhà bạn sẽ không chỉ tiện nghi, tiện dụng mà còn tạo cảm giác thư giãn, dễ chịu nhất mỗi khi trở về nhà. Theo đó, ngôi nhà thực sự trở thành tổ ấm bình yên, nơi mọi phiền muộn, áp lực "dừng sau cánh cửa". Chính bởi vậy, việc thiết kế và bài trí không gian nội thất ngày càng được nhiều gia chủ quan tâm, chú trọng.
3. Những sai lầm thường gặp khi gia chủ tự thiết kế nội thất
Là công việc đòi hỏi sự hiểu biết rộng, chuyên sâu về nhiều lĩnh vực nên tốt nhất bạn hãy thuê kiến trúc sư thiết kế, bài trí không gian sống nhà mình. Tuy nhiên, trên thực tế, vì không có điều kiện nên rất nhiều gia chủ vẫn tự thiết kế không gian nội thất và dễ gặp phải những sai lầm phổ biến dưới đây.
Không tham khảo, không cần tư vấn trước khi tự thiết kế nội thất
|
Dù tự thiết kế nội thất thì bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia, những người có chuyên môn, kinh nghiệm. |
Trước khi tự thiết kế, trang trí không gian nội thất nhà ở, bạn nên tham khảo các mẫu thiết kế từ các nguồn trên Internet, diễn đàn, tạp chí, cộng đồng thiết kế nhà... nhằm cập nhật các xu hướng mới, từ đó lựa chọn mẫu phù hợp với sở thích, nhu cầu cụ thể của gia đình mình. Những người đi trước có thể cho bạn nhiều kinh nghiệm, mẹo hay giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn đạt được các tiêu chí đặt ra.
Đặc biệt, nếu không tự tin về kiến thức, gu thẩm mỹ của bản thân, bạn nên xin tư vấn từ kiến trúc sư, những người có chuyên môn, kinh nghiệm thiết kế để tránh phạm phải sai lầm, gây lãng phí thời gian, công sức và chi phí.
Không có phong cách hoặc chỉ ứng dụng một phong cách duy nhất
|
Với phong cách nội thất truyền thống, bạn có thể kết hợp thêm một số yếu tố của phong cách hiện đại, mộc mạc. |
Xác định phong cách thiết kế là việc quan trọng đầu tiên mà gia chủ cần làm trước khi bắt tay vào thi công, thiết kế không gian bên trong nhà. Thế nhưng, trên thực tế nhiều người đã bỏ qua bước này, không xem xét, cân nhắc lựa chọn phong cách nội thất cụ thể cho ngôi nhà hoặc căn hộ chung cư. Điều này dễ khiến không gian sống thiếu khoa học, lộn xộn, rối mắt.
Mặt khác, nếu bài trí toàn bộ ngôi nhà theo cùng một phong cách sẽ tạo cảm giác gò bó, rất dễ bị lỗi mốt theo thời gian. Thay vì thế, bạn có thể kết hợp các món nội thất phong cách khác nhau trong cùng một căn phòng, chẳng hạn như ghế kim loại kiểu dáng hiện đại với bàn gỗ, ghế bành cổ điển. Khéo léo kết hợp một chút, không gian sống của bạn sẽ trở nên thú vị, mới mẻ hơn.
Dù bạn chọn phong cách nội thất Scandinavian, tối giản, hiện đại hay cổ điển thì sớm hay muộn chúng cũng sẽ lối mốt ở thời điểm bạn sống hoặc bạn cảm thấy nhàm chán, muốn cải tạo, thay đổi. Nói vậy không có nghĩa là gia chủ không được thiết kế nhà theo phong cách yêu thích, mà chỉ cần nhớ rằng, mọi thứ sẽ tốt hơn ở mức độ vừa phải.
Không đo kích thước phòng trước khi mua thiết bị, nội thất
|
Cần đo đạc kích thước phòng chính xác trước khi mua sắm nội thất, thiết bị. |
Việc không đo diện tích, kích thước phòng trước khi mua sắm nội thất sẽ dẫn đến tình trạng đồ đạc quá tải hoặc lọt thỏm trong không gian nhà. Ví dụ, nếu không đo khoảng cách giữa bề mặt bàn bếp và tủ bếp trên, bạn có thể sẽ mua phải loại lò vi sóng, lò nướng quá lớn, không đặt vừa với kích thước bếp. Bạn mua một bộ ghế sofa lớn vì yêu thích kiểu dáng và chất liệu, tuy nhiên khi đặt vào phòng khách nhỏ, nó chiếm tới 2/3, thậm chí là 3/4 diện tích phòng, trông rất "chướng" mắt.
Thế nên, đo đạc diện tích phòng là việc bắt buộc phải thực hiện trước khi mua sắm vật dụng và tự tay bài trí, sắp xếp chúng. Giới chuyên gia khuyên rằng, giữa các món đồ nội thất lớn nên có lối đi rộng khoảng 91cm để giúp di chuyển, lưu thông dễ dàng, đồng thời tạo sự thông thoáng nhất định cho ngôi nhà.
Chỉ sử dụng một tông màu hoặc phối hợp quá nhiều màu sắc
|
Việc chỉ sử dụng một tông màu sẽ khiến căn phòng rơi vào trạng thái đơn điệu, tẻ nhạt. |
Đối với mỗi công trình thiết kế thi công nội thất, màu sắc là yếu tố đóng vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định sự "thành/bại" của sản phẩm. Kiến trúc sư thường chọn màu sắc thiết kế nhà theo một phong cách nhất định bởi mỗi phong cách có nét đặc trưng riêng về bảng màu sử dụng. Tuy nhiên, khi tự thiết kế, trang trí nhà cửa, gia chủ thường gặp phải sai lầm trong cách kết hợp màu sắc, chỉ sử dụng một tông màu hoặc dùng quá nhiều màu sắc khác nhau.
Nếu chỉ sử dụng một gam màu sáng hoặc trầm hoặc lạm dụng quá nhiều màu lạnh trong thiết kế không gian nội thất, ngôi nhà của bạn trông sẽ đơn điệu, dễ gây nhàm chán. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều màu sắc sẽ tạo cảm giác rối mắt, không có điểm nhận, thấm chí khiến người dùng cảm thấy bí bức, ngột ngạt.
Lời khuyên là, nên học chuyên gia áp dụng công thức 60-30-10 bất bại trong thiết kế nội thất. Bạn chọn gam màu chủ đạo cho căn phòng trước cho các mảng tường lớn, sàn nhà, vách ngăn (chiếm 60%), sau đó chọn màu phụ trợ cho trần nhà, rèm cửa, thảm trải cỡ lớn, tủ đồ (chiếm 30%) và màu nhấn cho phụ kiện trang trí, tranh ảnh, gối tựa, khung cửa... (chiếm 10%).
Với cách phối màu này, không gian nội thất nhà nhà bạn sẽ có tính thẩm mỹ hơn, sinh động, tươi vui hơn rất nhiều.
Chỉ thiết kế một nguồn sáng cho ngôi nhà
|
Trong một ngôi nhà hay căn phòng nên được chiếu sáng tổng thể, chiếu sáng cục bộ và ánh sáng nhấn để không gian luôn thoáng sáng, đẹp mắt. |
Ngoài việc tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên, bạn cần bố trí ánh sáng nhân tạo cho không gian sống, nhất là trong trường hợp ngôi nhà bị che khuất bởi nhiều công trình cao tầng xung quanh. Sai lầm mà gia chủ hay gặp phải là chỉ thiết kế một nguồn sáng duy nhất, nguồn sáng chính trên cao (lắp đèn trên trần nhà). Điều này sẽ khiến ngôi nhà không được thắp sáng toàn bộ, thậm chí trở nên tối tăm, tạo cảm giác nhỏ chật hơn so với diện tích thực tế.
Thay vì thế, gia chủ nên sử dụng nhiều loại đèn khác nhau, phù hợp với từng không gian chức năng cụ thể. Thông thường, một căn phòng cần được chiếu sáng tổng thể (đèn trần), chiếu sáng cục bộ (đèn tường, đèn bàn, đèn sàn) và ánh sáng nhấn (đèn LED sau tranh treo tường chẳng hạn) nhằm làm nổi bật vẻ đẹp của đường nét nội thất, phụ kiện trang trí.
Chỉ dùng phòng với một chức năng mặc định
|
Phòng ăn có thể tích hợp thêm giá sách gọn đẹp hoặc góc làm việc nhỏ xinh tại nhà. |
Đôi khi bạn không cần phải quá rập khuôn, gò bó với những nguyên tắc thiết cứng nhắc, chẳng hạn chỉ sử dụng căn phòng nào đó với chức năng như dự định ban đầu. Đây là sai lầm khiến bạn không thể tối ưu hóa không gian sử dụng.
Phòng ăn đâu phải chỉ là nơi để ăn uống, bạn có thể dùng căn phòng này như một "thư viện" mini tại gia cho các bé đọc sách, làm bài tập trong lúc chờ bữa tối. Hoặc cũng có thể tận dụng diện tích trống trong phòng ngủ, không gian tiếp khách để bố trí góc làm việc nhỏ gọn, tiện nghi...
Chỉ mua nội thất "size" bé cho nhà nhỏ
Nhiều người cho rằng, với những ngôi nhà có diện tích khiêm tốn chỉ nên mua nội thất, vật dụng cỡ nhỏ. Thế nhưng, nếu tất cả đồ nội thất trong nhà đều trông "tí hon" sẽ tạo cảm giác ngôi nhà của bạn cũng siêu bé như vậy.
Theo các chuyên gia trong ngành, với nhà nhỏ, bạn nên chọn mua một món nội thất có kích cỡ trung bình, kết hợp cùng vài món cỡ nhỏ và phụ kiện trang trí hài hòa. Đồng thời, nên đầu tư vào những thiết bị nội thất chất lượng, đa năng để tối ưu hóa diện tích sử dụng, mang lại cho gia chủ cuộc sống tiện nghi, thoải mái nhất có thể.
Kê nội thất sát tường
|
Một trong những sai lầm thường gặp khi thiết kế nội thất là kê đồ đạc sát tường. |
Quan điểm kê nội thất sát tường nhằm tiết kiệm diện tích và tạo độ rộng rãi, thông thoáng cho không gian hiện đã lỗi thời. Cách sắp xếp đồ đạc, vật dụng này có thể tạo cảm giác nhàm chán, thiếu điểm nhấn độc đáo, cá tính.
Ngày nay, các kiến trúc sư thường bài trí các phòng chức năng, các khu vực theo nhiều chủ đề khác nhau và luôn có khoảng cách nhất định giữa đồ nội thất với tường nhà. Thậm chí, với những căn phòng rộng rãi, gia chủ còn kê nội thất chính (ghế sofa, giường ngủ) ra giữa phòng và bài trí các món đồ, phụ kiện khác xoay xung quanh nó.
Thiếu không gian lưu trữ
Dễ hiểu tại sao sai lầm này lại trở nên phổ biến khi thiết kế nội thất. Bởi lẽ, ít ai có thể dự tính chính xác mình cần lưu trữ bao nhiêu đồ đạc, vật dụng trong nhà. Chính vì thế, việc thiếu không gian lưu trữ thường xuyên xảy ra, đặc biệt là đối với những ngôi nhà, căn hộ nhỏ hẹp.
Để khắc phục lỗi trên, bạn nên lên danh sách những món đồ đang sử dụng, những món dự định mua mới, đồng thời tính luôn việc sẽ cất đặt chúng ở đâu cho phù hợp. Theo danh sách đó, bạn sẽ biết mình cần khoảng bao nhiêu tủ kệ, ngăn kéo, hộp lưu trữ đồ. Nên ưu tiên sử dụng nội thất thông minh, tích hợp ngăn kéo, hộc tủ chứa đồ. Ngoài ra, nếu có thể, bạn hãy dành một khoảng diện tích nhất định làm nhà/phòng kho.
|
Để gia tăng không gian lưu trữ cho nhà nhỏ, bạn nên tận dụng tối đa các mảng tường để bố trí ngăn kệ hoặc sử dụng nội thất đa năng tích hợp ngăn kéo, hộc tủ. |
Hệ thống ổ cắm điện bố trí chưa hợp lý
Thông thường, số lượng ổ cắm điện sẽ được lắp đặt, bố trí tùy vào số lượng thiết bị điện dự kiến lắp đặt cũng như nhu cầu sử dụng của gia chủ. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều trường hợp sau khi hoàn thiện nội thất mới phát hiện ra rằng, phòng thì thừa ổ cắm, phòng lại thiếu trầm trọng. Vậy làm thế nào để tránh mắc phải lỗi thiết kế này?
Nếu tự thiết kế thi công hoàn thiện nội thất, bạn sẽ là người nắm rõ nhất, hiểu rõ nhất nhu cầu sử dụng điện của gia đình mình. Từ đó, sẽ lên sơ đồ bố trí, lắp đặt hệ thống ổ cắm đầy đủ và hợp lý. Nhu cầu sử dụng có thể gia tăng theo thời gian, nên ngay từ đầu bạn nên có kế hoạch dự phòng, nhằm tạo sự thuận tiện, thoải mái nhất cho sinh hoạt hàng ngày. Tốt nhất, nên bố trí gấp đôi lượng ổ cắm điện ở các góc nhà, đồng thời thêm ổ cắm tại các khu vực như tủ bếp, phòng khách...
Tóm lại, nếu tự thiết kế nội thất, gia chủ khó có thể tránh mắc phải một số sai lầm. Tuy nhiên, một khi đã nắm rõ những lỗi thiết kế phổ biến, bạn sẽ hạn chế được tối đa việc phạm phải các sai lầm đó. Gia chủ vì thế sẽ tránh được việc đập đi xây lại, sửa chữa, cải tạo nhiều lần gây tốn kém thời gian, công sức và tiền của.
Lam Giang (TH)
>> 7 quy luật cơ bản trong thiết kế nội thất
>> Điểm danh 11 xu hướng nội thất đã "hết thời"
>> Thiết kế nội thất cho người khiếm thính, suy giảm thính lực cần lưu ý gì?