Vintage là một phong cách thiết kế được rất nhiều ngành nghề như nhiếp ảnh, đồ họa, thời trang... áp dụng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, phong cách nội thất Vintage rất thịnh hành và được nhiều gia chủ ưa chuộng. Bài viết dưới đây, Dothi.net giới thiệu một số đặc điểm cơ bản nhất để quý độc giả có thể nhận diện phong cách này.
Phong cách nội thất Vintage là gì?
Có rất nhiều định nghĩa và quan điểm về phong cách Vintage. Trước hết, "vintage" có nguồn gốc từ tiếng Pháp là "vendage", dịch ra nghĩa là dầu hoặc rượu. Sau đó, thuật ngữ này được sử dụng để gọi những chiếc xe cũ, đã sử dụng ít nhất 50 năm. Mãi về sau, những người buôn quần áo "second-hand" dùng từ "vintage" để chỉ những bộ trang phục cũ, thường rất đẹp và công phu thuộc về thời đại trước. Hiện nay, phong cách Vintage không chỉ giới hạn trong thời trang, nhiếp ảnh, đồ họa... mà còn rất phổ biến và được ưa chuộng trong lĩnh vực nội thất.
|
Phong cách nội thất vintage thiên về các yếu tố hoài cổ, giàu giá trị thẩm mỹ. |
Ra đời từ giữa thế kỷ XX, phong cách nội thất Vintage là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển và hiện đại tạo nên một không gian sống vừa đậm chất hoài cổ, vừa độc đáo, mới mẻ, mang tính thẩm mỹ cao. Chẳng hạn, bước vào một căn hộ được bài trí theo phong cách Vintage, bạn sẽ bắt gặp những bộ bàn ghế tróc sơn, đèn chùm cổ... pha trộn cùng những thiết bị hiện đại như máy tính, đèn trang trí, đồ gia dụng. Vậy nên, nếu chọn bài trí nội thất theo phong cách này, bạn sẽ không phải lo lắng ngôi nhà mình trở nên lỗi mốt theo thời gian.
|
Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố hiện đại và cổ điển trong phong cách Vintage giúp không gian sống nhà bạn không hề bị lỗi mốt. |
Đặc điểm của phong cách nội thất Vintage
Một vài năm trở lại đây, nội thất Vintage ngày càng phổ biến và nhận được sự quan tâm, đánh giá tích cực từ phía khách hàng. Rất nhiều hộ gia đình đã ưu tiên lựa chọn phong cách Vintage để tạo nên sự mới mẻ, độc đáo về mặt màu sắc, ánh sáng, họa tiết trang trí cho không gian sống nhà mình.
Màu sắc
Phong cách nội thất Vintage thường sử dụng những tông màu nhẹ nhàng, mang hơi hướng hoài cổ như màu kem, màu be, xanh nhạt… Trong đó, màu trắng là sắc chủ đạo xuyên suốt căn phòng, làm nền cho đồ nội thất cũng như phụ kiện trang trí trở nên nổi bật hơn. Nhìn chung, phong cách thiết kế này không hề gò bó, giới hạn về mặt màu sắc. Gia chủ hoàn toàn có thể dùng màu nổi bật, màu sáng để tạo điểm nhấn hút mắt.
|
Trên phông nền màu trắng chủ đạo, nội thất và đồ trang trí trở nên nổi bật hơn. |
Theo giới chuyên gia nội thất, cách phối màu trong phong cách nội thất Vintage được chia làm 2 loại khác nhau. Cụ thể như sau: Phong cách Art Deco Vintage (giai đoạn 1920 - 1940) thường chuộng những tông màu trung tính, nhẹ nhàng thiên về tự nhiên như màu xanh lá cây, hồng nhạt, vàng nhạt...
|
Tông màu xanh được nhiều người lựa chọn khi bài trí nội thất theo phong cách Vintage. |
Trong khi đó, phong cách Mid Century Modern (giai đoạn 1930 - 1960) sẽ sử dụng những gam màu nổi bật, ấn tượng hơn như đỏ tươi, xanh đen, nâu đất… phối kết ăn ý cùng họa tiết hoa văn lớn.
|
Gam màu nâu đất chủ đạo mang đến vẻ ấm áp, gần gũi cho không gian sống. |
Các tông màu nói trên nếu được kết hợp khéo léo với nhau sẽ mang đến cho bạn một không gian sống vừa mang hơi hướng hoài cổ, vừa hiện đại và có nét độc đáo riêng biệt.
Đồ nội thất
Yếu tố đầu tiên giúp bạn nhận diện phong cách nội thất Vintage chính là những món nội thất mang tính hoài cổ, in đậm dấu ấn thời gian. Chẳng hạn như, khi bước vào không gian tiếp khách, bạn sẽ bắt gặp bộ ghế sofa đã ngả màu, một chiếc đồng hồ cổ cỡ lớn tạo điểm nhấn, đèn trang trí cầu kỳ…
|
Đồ nội thất theo phong cách Vintage mang đậm dấu ấn thời gian. |
|
Góc đọc sách, thư giãn được bài trí theo phong cách Vintage với ghế bành và phụ kiện trang trí đậm chất cổ điển. |
Giường bằng sắt uốn lượn nhẹ nhàng, ga gối in họa tiết hoa nhí nhỏ xinh, rèm cửa, giấy dán tường sắc màu pastel… là những vật dụng phổ biến trong phòng ngủ phong cách này. Nội thất phong cách Vintage vừa toát lên vẻ xưa cũ song vẫn có tính thẩm mỹ cao khi kết hợp hài hòa với những thiết bị gia dụng hiện đại, khiến người ngắm khó rời mắt.
|
Đầu giường ngủ trang trí bằng những khung cửa gỗ ngả màu thời gian mang đến cái nhìn ấn tượng, cực hút mắt. |
|
Phong cách Vintage ưu tiên sử dụng sàn gỗ kết hợp với thảm trải sàn họa tiết thổ cẩm, tông màu trầm ấm áp. |
Đối với sàn nhà, phong cách thiết kế nội thất Vintage thường dùng sàn gỗ tự nhiên tông màu trầm trung tính tạo cảm giác ấm áp, gần gũi với thiên nhiên. Đồng thời, sàn gỗ cũng là phông nền lý tưởng giúp đồ nội thất, phụ kiện trang trí thêm phần nổi bật và dễ dàng kết hợp với nhau.
Các yếu tố trang trí
Trong khi đồ nội thất như bàn ghế, tủ kệ, giường ngủ đều có thiết kế đơn giản với những đường nét thanh thoát, mềm mại thì phụ kiện trang trí trong phong cách Vintage lại khá cầu kỳ, trau chuốt. Sự tương phản và kết hợp ấn tượng này sẽ mang đến hơi hướng hiện đại, tươi mới cho không gian sống nhà bạn.
|
Gương treo tường hình tròn trở thành điểm nhấn trang trí mềm mại trong phòng ngủ phong cách Vintage mộc mạc. |
|
Nệm ngồi và ghế tựa họa tiết hoa lá cổ điển là sự bổ sung hoàn hảo cho phòng khách phong cách nội thất Vintage. |
Rèm cửa là yếu tố trang trí điển hình không thể thiếu của phong cách nội thất Vintage. Theo đó, rèm thường được làm bằng vải voan, cotton hoặc ren mềm mại, quyến rũ. Đặc biệt, các mẫu rèm vải họa tiết in hoa nhí li ti và ren cách điệu rất được các gia chủ ưa chuộng. Đồng thời, đây cũng là một trong những đặc trưng nổi bật, giúp bạn dễ dàng nhận ra phong cách bài trí này.
|
Khung cửa sổ trở nên lãng mạn hơn nhờ mẫu rèm cửa bằng vải voan nhẹ nhàng, trong suốt. |
Giấy dán tường cũng là phụ kiện trang trí vô cùng quan trọng khi bài trí nhà cửa theo phong cách này. Các mẫu giấy tông màu pastel tươi sáng như hồng nhạt, kem, xanh ngọc, vàng lông gà, màu be với họa tiết dập nổi được các chuyên gia nội thất khuyến khích sử dụng, đặc biệt là đối với không gian tiếp khách hoặc phòng ngủ.
|
Giấy dán tường giúp làm mềm nét thô cứng của bức tường gạch mộc trong phòng khách. |
Sẽ thật thiếu sót nếu căn hộ phong cách Vintage không có những chiếc thảm trải sàn họa tiết cổ điển, tông màu trầm ấm áp. Thảm trải sàn đa sắc không chỉ mang đến bầu không khí ấm áp mà còn góp phần vào việc xác định chức năng riêng cho khu vực mà nó hiện diện.
|
Thảm trải sàn họa tiết thổ cẩm tạo cảm giác ấm áp cho căn hộ nhỏ tông trắng chủ đạo. |
Ngoài ra, để tạo nên vẻ đẹp hoài cổ cho căn hộ của mình, gia chủ có thể sử dụng thêm các vật dụng, phụ kiện trang trí khác như tranh treo tường tông màu đen - trắng, lọ hoa cổ, đèn chân đồng… sao cho hài hòa với tổng thể của căn phòng và có tính thẩm mỹ cao.
|
Tranh treo tường, đèn chân đồng sáng bóng... là phụ kiện trang trí được sử dụng phổ biến. |
|
Kết hợp cùng ánh sáng tự nhiên, những món nội thất hơi hướng hoài cổ mang đến cho bạn cảm giác bình yên, ấm áp. |
|
Hẳn các cô nàng sẽ thích mê phòng bếp Vintage rất đỗi ngọt ngào này. |
Tóm lại, nội thất Vintage là một phong cách thiết kế sang trọng song không quá cầu kỳ, xa hoa; kiểu cách nhưng không quá hào nhoáng; hiện đại nhưng vẫn đậm chất mộc mạc, dung dị. Phong cách nội thất này mang đến cho gia chủ những phút giây nghỉ ngơi, thư giãn nhẹ nhàng và bình yên sau một ngày dài bận rộn.
Khi bài trí nhà cửa theo phong cách này, bạn cần lưu ý: Tuy nội thất Vintage thiên về hoài cổ, hiện thân của những gì xưa cũ nhưng không phải vì thế mà gia chủ cứ sơn tường màu tối xỉn, gom nhặt những món đồ cũ rồi bài trí theo ngẫu hứng. Thay vào đó, bạn cần có sự tinh tế trong lựa chọn nội thất, phụ kiện trang trí và sắp xếp, kết hợp chúng sao cho thật hài hòa để tạo nên một tổng thể chung cân đối, thống nhất, phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Hy vọng với những kiến thức mà Dothi.net chia sẻ trên đây, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn những đặc trưng của phong cách nội thất Vintage và ứng dụng linh hoạt cho không gian sống nhà mình.