Trong căn nhà, bề mặt tường chiếm diện tích nhiều nhất; điều đó đồng nghĩa với việc “son phấn cho tường” là rất quan trọng.
“Son phấn” cho tường
Trong căn nhà, bề mặt tường chiếm diện tích nhiều nhất; điều đó đồng nghĩa với việc “son phấn cho tường” là rất quan trọng.
Để hoàn thiện các bức tường, phải trải qua nhiều quy trình, cũng có nhiều cách thức; và đó luôn là điều quan tâm của mỗi chủ nhà và kiến trúc sư, bởi nó đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo hiệu ứng thẩm mỹ cũng như chiếm một phần không nhỏ trong tổng chi phí hoàn thiện công trình.
Từ thói quen sơn tường
Khi hoàn thiện công trình, người ta sơn tường như một thói quen, như một điều tất yếu. Đương nhiên về lý thuyết thì tường phải sơn là đúng, đúng đến 99%. Nhưng để việc sơn phết phát huy được hiệu quả khi khoác lên cho tường, ta cần phải hiểu rõ tính năng của những bức tường, của mỗi không gian trong, ngoài những bức tường ấy. Nếu như không hiểu rõ điều này, mà sơn cho tường theo thói quen, thì không những không phát huy được tác dụng của chất liệu mà thậm chí có thể còn có tác dụng ngược. Về cơ bản, việc sơn phủ bề mặt tường có các tác dụng sau:
– Tăng (hoặc giảm) hệ số phản xạ ánh sáng trên bề mặt tường cho không gian (phần lớn tường trước khi sơn được trát (tô) vữa có bề mặt màu ghi xám, tối).
– Tạo các bề mặt có màu sắc, hay độ nhẵn/nhám theo ý đồ thẩm mỹ, theo công năng sử dụng.
– Làm đồng đều bề mặt tường.
– Làm bề mặt tường vệ sinh, thuận tiện cho sử dụng.
– Bảo vệ cho bề mặt tường và cả kết cấu bao che khỏi những yếu tố xâm thực, phá hoại.
Từ vôi đến sơn
Trước kia, các công trình dân dụng phần lớn được quét vôi. Vôi cũng là một loại áo có những ưu điểm nhất định. Vôi rẻ, dễ kiếm, có sẵn ở khắp nơi, dễ dàng thi công... Tuy nhiên vôi không bền, sau một thời gian vôi sẽ bị bong mảng ra khỏi lớp vữa. Việc pha màu (vôi ve) theo cách hoàn toàn thủ công không thể cho màu phong phú và như mong muốn, hay bị sai lệch giữa lần này với lần khác, khó làm đồng nhất bề mặt của công trình. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ vật liệu xây dựng, trên thị trường có rất nhiều loại sơn tường; các loại sơn cũng không phải là vật liệu xây dựng xa xỉ, nên đa phần những công trình mới ở đô thị được sơn thay cho việc quét vôi truyền thống. Dẫu vậy thì vôi vẫn có những chỗ đứng nhất định, không vì thế mà mất đi. Vôi vẫn là vật liệu tốt cho những chủ nhà không dư dả về kinh phí, vôi được sử dụng cho các công trình tạm. Đặc biệt vôi quét tường được dùng nhiều cho việc phục chế đình, chùa, những kiến trúc cổ…; ở những nơi mà sự tôn trọng nguyên bản được đề cao; và chủng loại vật liệu có ý nghĩa quan trọng cho tinh thần công trình. Kể cả với những công trình kiến trúc dân gian được phục dựng (xây mới) theo kết cấu và kiến trúc nguyên bản, thì tường vẫn được quét vôi chứ không phải sơn; vì sơn sẽ làm nên sự khập khiễng của thể loại công trình này.
Vôi dẫu có nhiều nhược điểm của một loại vật liệu “rẻ tiền”, “lạc hậu”… nhưng cũng có những ưu điểm nổi trội. Ngoài những ưu điểm rẻ, dễ tìm… như đã nói ở trên, vôi quét lên tường không bịt kín bề mặt. Nói một cách nôm na là tường có thể dễ dàng “thở” qua lớp vôi. Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, độ ẩm cao thì đó là điều rất có ý nghĩa. Khi trời nồm, tường quét vôi (nhất là tường dày) có khả năng thẩm thấu hơi nước, không gây ra hiện tượng đổ mồ hôi trên bề mặt tường. Khi độ ẩm bên ngoài giảm, tường lại dễ dàng thoát hơi nước ra, không bị trữ nước bên trong. Các loại sơn tường gốc nước tuy không bịt kín bề mặt tường, nhưng khả năng trao đổi khí ở bề mặt không thể nào bằng tường quét vôi được.
Sơn vẫn là sự lựa chọn tất yếu cho các công trình hiện đại, xây mới bởi các ưu điểm phù hợp với quy trình – công nghệ xây dựng hiện đại. Sơn đáp ứng được rất nhiều các yêu cầu về kỹ – mỹ thuật cho bề mặt. Với các chủng loại sơn, màu sắc sơn, và cả cách thức sơn… người thiết kế có thể tạo nên những sáng tạo phong phú, đáp ứng tối đa nhu cầu cả về thẩm mỹ và công năng. Nếu như quét vôi ve theo cách thức cũ chỉ giới hạn trong một số màu chủ đạo nhất định, và việc pha tiếp thành các màu trong bảng phối gần như là không thể; thì với sơn điều đó là trong tầm tay, với sự hỗ trợ của công nghệ đồ hoạ trên máy tính. Thậm chí người thiết kế có thể sơn công trình ảo trên máy tính trước khi quyết định thi công trực tiếp ở công trường. Bên cạnh việc tạo được một bảng màu phong phú, thì các loại sơn còn có tính hoá – lý thích hợp cho những vật liệu, bề mặt có đặc thù, như sơn bêtông, sơn chống thấm, sơn chống nóng, sơn kháng kiềm, sơn kháng khuẩn…
Trong quy trình thi công sơn có một công đoạn là bả ma-tít. Công đoạn này gắn bó mật thiết với việc sơn nên thường được gọi tên chung là “sơn bả”. Có nên, có cần bả ma-tít hay không – đó là quan điểm thi công cũng như quan điểm sử dụng. Vấn đề là cần hiểu rõ mục đích, ưu nhược điểm của nó, ta sẽ có sự lựa chọn phù hợp. Việc bả ma-tít có hai tác dụng chính: làm cho bề mặt tường phẳng hơn, mịn hơn, khi sơn sẽ đẹp hơn; tiết kiệm sơn, do bột bả tạo nên một bề mặt phẳng, “lì”, triệt tiêu tối đa các chỗ lõm trên bề mặt vữa trát. Tuy nhiên bả ma-tít lại làm cho áo tường không bền, dễ bị mốc, phồng rộp trong trường hợp tường bị thấm, ẩm ướt. Sơn không nhất thiết phải bả. Nếu bề mặt tường trát phẳng đẹp thì có thể sơn trực tiếp.
Sau khi chọn hãng sơn, chọn chủng loại sơn là đến chọn… màu sơn. Đa phần các chủ nhà đều thích tự làm việc này, vì rất trực quan (có bảng màu), lại liên quan cụ thể đến ý thích và nhu cầu sử dụng. Nhưng thực tế, việc chọn màu sơn không hề dễ và không thể ngẫu hứng. Sử dụng màu nào chính, màu nào phụ, màu nào đi với màu nào, màu nào nằm ở đâu trên các bức tường phải là việc của kiến trúc sư hoặc nhà thiết kế nội thất. Màu nào trên bảng mẫu cũng đẹp, nhưng vào thực tế lại không phải thế. Cách tốt nhất là chủ nhà đưa ra yêu cầu, hay ý thích về một tông màu chủ đạo, người thiết kế sẽ chọn bảng phối màu trên cơ sở đó. Màu sơn thực tế cũng có chút khác biệt với màu sơn in trong bảng màu, về cả sắc độ và sắc tố. Những kiến trúc sư thi công trực tiếp rút kinh nghiệm rằng: khi chọn màu trên bảng sơn, cần đem mẫu ra ngoài, dưới ánh sáng mặt trời; và chọn màu đậm hơn một mức trên dải màu so với màu thấy “được” (vì khi sơn lên tường, màu thường nhạt hơn màu in ở bảng mẫu).
Xu hướng giấy dán tường
Những năm gần đây, xu hướng sử dụng giấy dán tường trở nên khá phổ biến. Nếu như sơn cho ưu điểm về màu sắc thì thế mạnh của giấy dán tường là hoa văn. Bên cạnh đó, giấy dán tường cũng có nhiều ưu điểm khác như: thi công nhanh gọn - vệ sinh, bao phủ được trên nhiều loại bề mặt vật liệu (đá, ximăng, gỗ, thạch cao…), không phải xử lý vết bẩn trên tường hay xử lý bề mặt tường cũ, dễ sửa chữa và thay thế…; và cuối cùng, giấy dán tường có tuổi thọ khá cao. Ở trạng thái thi công tốt, được bảo quản cẩn thận trong môi trường khí hậu phù hợp, giấy dán tường có thể bền tới cả chục năm, hơn cả các loại sơn tường. Tất nhiên giấy dán tường chỉ thay thế sơn được ở nội thất.
Lựa chọn màu sơn đã khó thì lựa chọn giấy dán tường càng khó hơn, do ngoài yếu tố màu sắc, giấy dán tường còn có hoa văn và các bề mặt khác nhau (nhám, trơn, bóng). Tuỳ từng không gian mà chọn mẫu giấy cho phù hợp. Giấy dán tường nên dùng vào các mảng nhấn, không nên dùng quá tràn lan. Nên tận dụng ưu điểm của giấy dán tường là hoa văn, bởi nếu dùng mẫu trơn (không hoa văn), thì lại giống… sơn. Giấy dán tường được sản xuất theo cuộn với khổ cố định, nên với những mảng tường lớn, việc dán ghép là điều không tránh khỏi. Khi đó, cần lưu ý ghép chuẩn xác các chi tiết hoa văn. Những nơi có nhiều va chạm, nơi dễ bị dính bẩn, nơi có nhiệt độ thay đổi mạnh… không nên sử dụng giấy dán tường. Những nơi ẩm, có thể có nước nên dùng loại giấy dán chịu nước (có tráng lớp nilông mỏng). Những bức tường không phẳng, lồi lõm nên sử dụng giấy hoa văn rối, phức tạp để che đi khiếm khuyết đó.
Khi quyết định “mặc áo hoa” cho một bức tường, cần cân nhắc kỹ và định vị cẩn thận các vật treo trên tường như tivi, tranh ảnh, đèn tường, các mặt công tắc, ổ cắm… Bởi lẽ, nếu đã dán tường mà chuyển vị trí một cái giá gắn trên tường, một cái chân đèn… sẽ để lại những vết cũ cần vá. Việc này dễ để lại “sẹo” không đẹp, nhất là khi mẫu giấy cũ đã không còn.
Giấy dán tường đã xuất hiện ở Việt Nam khoảng 15 năm, thời gian đầu ở các khách sạn. Hiện nay giấy dán tường được sử dụng nhiều hơn, nhất là các nhà ở tư nhân. Tuy nhiên, giấy dán tường vẫn là một loại vật liệu hơi xa xỉ bởi giá cả tương đối cao. Ngoài ra vấn đề khí hậu cũng là một trở ngại không nhỏ. Việc sử dụng giấy dán tường cũng đòi hỏi tính chuyên môn cao trong thiết kế - trang trí chứ không thể thoải mái, tuỳ tiện như quét vôi hay lăn sơn nước. Tuy nhiên, giấy dán tường vẫn được cho là một loại vật liệu phổ biến trong tương lai.
Chọn "áo" theo tường
Áo cần mặc vừa người, và mỗi loại áo cũng cần mặc hợp mỗi loại người, hợp với cả thời điểm. Với tường cũng vậy – phần kết thúc bài viết này lại có thể coi là nguyên tắc đầu tiên khi khoác áo cho tường: tường nào áo nấy. Một công trình kiến trúc cổ với khung gỗ, mái ngói đất nung tất nhiên không thể sơn màu loè loẹt. Những bức tường vôi (sẽ loang rêu) sẽ làm công trình có chiều sâu hơn, thâm nghiêm hơn. Trong mỗi công trình có bao nhiêu chỗ cần sơn, thì cần biết chức năng không gian để chọn loại sơn, cách thức sơn và màu sơn cho phù hợp. Ngoài nhà cần dùng sơn ngoại thất, trong nhà dùng sơn nội thất. Ngoài nhà bắt buộc phải dùng sơn lót kháng kiềm... Một phòng khách cần trang nhã sáng sủa, phòng ngủ cần ấm áp, phòng karaoke cần mạnh mẽ ấn tượng…; một giếng trời cần sơn sần để tránh dội âm, một mảng tường ở vệ sinh cần sơn chịu nước gốc dầu… Chỗ thiếu sáng cần sơn màu sáng, màu trắng; chỗ cần tối thì sơn màu sẫm… Cũng tương tự như với giấy dán tường: những mẫu hoa văn, màu sắc ấn tượng dành cho những mảng nhấn ở không gian lớn. Những diện tường lớn, liền nhau nên dùng hoa nhỏ, đều để tránh rối mắt… Sự lựa chọn đúng chủng loại và cách thức sẽ cho kết quả tốt về công năng. Hiểu được chức năng của không gian, hiểu được nguyên tắc tạo bố cục không gian, vai trò – tính năng của từng loại vật liệu chính là chìa khoá của thành công.
(Theo SGTT)