Tiện nghi, sang trọng, giàu tính thẩm mỹ là những tiêu chí ngày càng được chú trọng khi thiết kế nội thất nhà ở. Riêng với gia đình có trẻ nhỏ, ngoài các tiêu này, bạn không thể bỏ qua yếu tố nội thất an toàn, góp phần giúp bé hoàn thiện các kỹ năng, phát triển cả thể chất lẫn tinh thần.
Làm thế nào để thiết kế được không gian sinh hoạt, vui chơi, ngủ nghỉ phù hợp với tâm lý của trẻ, giúp bé phát triển tư duy sáng tạo, đảm bảo an toàn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ. Bài viết này đề cập tới một số lưu ý cơ bản khi thiết kế nội thất an toàn cho nhà có trẻ nhỏ.
Phòng cho trẻ: "Thiên đường" cho bé
Đối với trẻ nhỏ, phòng ngủ là chốn "thiên đường" để vui chơi, thư giãn và nghỉ ngơi. Do đó, khi thiết kế nội thất phòng cho trẻ bạn cần đặc biệt chú trọng tới yếu tố an toàn. Trước hết, phòng của bé nên được bố trí ở giữa nhà hoặc phần phía trước của ngôi nhà nhằm tạo tâm lý an toàn, được yêu thương, che chở. Phụ huynh không nên đặt phòng của trẻ ở nơi có nhiều tiếng ồn như gần con đường tấp nập người qua lại, gần phòng giải trí hoặc phòng khách.
Đồ nội thất nên được chọn phù hợp với kích thước phòng, độ tuổi của bé, ưu tiên chất liệu tự nhiên, không sắc nhọn, không chất độc hại hay mùi khó chịu. Các góc bàn ghế, tủ kệ, giường cần được bo tròn để giảm thiểu tối đa va chạm khiến trẻ bị thương.
Sàn phòng ngủ cần được ốp lát các loại vật liệu có khả năng chống trơn trượt cao. Nếu phòng của trẻ ở trên tầng và có cửa sổ, phụ huynh nên khóa chặt cửa sổ, thay bằng khung cửa kính cố định để bé không tự ý mở hay trèo qua. Hoặc có thể chọn cửa sổ có chấn song mỏng hay cửa lưới bảo vệ an toàn. Ổ cắm điện cao hơn tầm với của bé và và có nắp đậy bảo vệ.
|
Thiết kế phòng ngủ cho trẻ lấy ý tưởng từ nhà trên cây với những tông màu tươi sáng. |
Trong phòng riêng của bé không nên để quá nhiều thiết bị điện tử, điện thoại, máy tính, tivi, modem Internet... bởi sóng điện tử sẽ ảnh hưởng tới não bộ. Những đồ vật nặng làm bằng đồng, thủy tinh, sứ, kim loại cũng không nên treo lên tường để tránh rơi vào người trẻ. Bạn nên gia cố tủ quần áo, kệ sách gắn chặt vào tường để hạn chế tối đa khả năng gây nguy hiểm cho trẻ.
Lưu ý, giường ngủ nên tránh đặt gần cửa sổ nhằm đề phòng trẻ leo trèo cửa sổ hoặc nghịch rèm che. Rèm cửa sổ không nên lắp loại dài bởi chúng rất dễ thu hút trẻ kéo xuống đùa giỡn. Nếu không, bạn cần đảm bảo rằng khung rèm phải thật chắc chắn, không bị bung rơi làm trẻ bị thương. Đối với bé dưới 2 tuổi, giường không nên có đồ chơi, gối ôm, gối có độ nhún cao hoặc chăn mền quá lớn vì chúng có thể gây nguy hiểm.
Với các phòng chức năng trong nhà nói chung, đặc biệt là phòng cho trẻ, bạn nên lựa chọn loại sơn không mùi, không độc hại để đảm bảo an toàn, thân thiện về lâu dài.
Khi thiết kế phòng riêng cho bé, bạn hãy chọn các giải pháp nội thất linh hoạt, tiết kiệm chi phí bởi trẻ lớn rất nhanh. Cần đảm bảo cho phòng của bé đủ rộng, có không gian dự phòng cho những thay đổi về sau, ví dụ như khi đến tuổi đi học bé sẽ cần thêm góc học tập.
Phòng khách: Thiết kế mở, kết hợp không gian vui chơi
Nếu diện tích nhà không đủ rộng để thiết kế phòng chơi riêng, bạn hoàn toàn có thể biến phòng khách thành không gian đa năng, vừa là nơi tiếp khách, vừa có góc vui chơi cho trẻ. Đây thường là những phòng khách được thiết kế liên thông với khu bếp ăn nhằm tạo cảm giác rộng thoáng hơn so với diện tích thực, đồng thời giúp bố mẹ có thể vừa nấu nướng, vừa quan sát các con đang học tập, vui chơi ngay cạnh, gia tăng tính kết nối giữa các thành viên gia đình.
Chọn nội thất an toàn
Với phòng khách 2 trong 1 như này, gia chủ cần để ý lựa chọn nội thất an toàn, thân thiện với trẻ. Chẳng hạn, thay vì sử dụng bàn trà hình vuông, hình chữ nhật góc cạnh sắc nhọn, bạn hãy ưu tiên bàn hình tròn, elip hoặc tam giác bo tròn mềm mại.
Bỏ qua những chiếc ghế kim loại, ghế gỗ có nhiều góc nhọn, bạn hãy chọn cho con yêu chiếc ghế Ottoman tròn trịa, nhỏ xinh. Tuy nhiên, nếu lỡ mua ghế ngồi cho bé có nhiều cạnh sắc, bạn có thể khắc phục bằng cách quấn dây len, ruy băng lên chân ghế, cạnh ghế, vừa tạo điểm nhấn bắt mắt, vừa đảm bảo an toàn cho bé. Nếu phòng khách có cửa sổ kính cao rộng, bạn có thể cân nhắc sắm thêm ghế sofa băng dài tích hợp hộc lưu trữ sách vở, đồ chơi phía dưới.
|
Bộ ghế sofa bọc nhung màu xanh dương được bố trí quanh cột nhà là không gian vui chơi lý tưởng cho các bé. |
Các chuyên gia nội thất khuyên rằng, với phòng khách kiêm khu vui chơi cho bé, phụ huynh nên chọn nội thất mềm mại, có vỏ bọc bởi những chiêu trò quậy phá của lũ trẻ có thể khiến đồ đạc bị bẩn, thậm chí biến dạng. Nếu không may bé làm đổ mực, màu vẽ, nước trái cây lên ghế thì bạn có thể tháo giặt sạch sẽ. Trường hợp bạn sắm thêm bàn ghế cho con, hãy chọn loại nhỏ xinh, có thể gập gọn với tông màu hài hòa với tổng thể phòng khách.
Lưu ý khu vực sàn chơi của trẻ
Với những bé hiếu động, sàn gạch bóng hoặc sàn bê tông có thể khiến trẻ bị ngã khi chạy đùa. Vì thế, bố mẹ nên sử dụng thảm trải sàn chất liệu mềm mại, an toàn như thảm lông, vải sợi, dệt len hoặc thảm xốp lắp ghép, phù hợp với điều kiện thời tiết theo mùa. Khi trẻ lớn hơn, có thể chọn kiểu thảm ngoài trời bởi chúng không thấm nước, lại rất dễ vệ sinh, làm sạch.
Tạo góc lưu trữ
Để cất gọn sách báo, đồ chơi của trẻ, gia chủ có thể đầu tư thêm chiếc tủ âm tường hoặc sử dụng bàn trà tích hợp ngăn kéo lưu trữ bên dưới. Kinh nghiệm cho thấy, những giá kệ để sách màu sắc, kiểu dáng lạ mắt luôn kích thích sự tò mò, học hỏi của trẻ.
Trong khi đó, một chiếc giỏ to đựng đồ lưu động cũng là gợi ý đáng để tham khảo. Bạn nên ưu tiên lựa chọn loại giỏ có gắn bánh xe để trẻ dễ dàng di chuyển tới bất kỳ vị trí nào trong phòng. Cách này không chỉ giúp trẻ hào hứng, tự giác dọn dẹp sau khi kết thúc cuộc chơi mà còn góp phần rèn luyện tính ngăn nắp, sạch sẽ ngay từ nhỏ. Nếu phòng khách đủ rộng, phụ huynh có thể bố trí thêm một chiếc bảng đen để bé thỏa sức viết, vẽ thoải mái.
|
Nếu phòng khách đủ rộng và có khung cửa sổ lớn, bạn có thể thiết kế góc đọc sách cho trẻ với gối nệm êm ái, kết hợp ngăn kéo lưu trữ. |
Phòng khách dù rộng rãi hay nhỏ hẹp, bạn cũng nên phân tách không gian dành cho người lớn và khu vực cho trẻ nhỏ. Nếu không phân định rõ, sắp xếp chồng chéo sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt chung của cả gia đình. Hơn nữa, những trò đùa nghịch của trẻ có thể làm hư hỏng những món nội thất đắt tiền như đèn chụp, tivi... Chưa kể, bạn khó mà dọn dẹp nhanh chóng "bãi chiến trường" của trẻ khi có khách ghé thăm.
Phòng bếp - ăn: Thiết kế đảm bảo an toàn
Với nhà có trẻ nhỏ, gia chủ nên lựa chọn thiết kế phòng khách liền kề bếp để vừa có thể nấu nướng, vừa trông chừng các con đang học bài hoặc vui chơi. Tuy nhiên, khu vực chức năng này luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn nên ngoài yếu tố tiện dụng, thẩm mỹ, phụ huynh cần phải lưu tâm tới một số vấn đề sau:
Bếp nấu đặt xa tầm với của trẻ
Khu vực tủ bếp dưới là nơi đặt bếp nấu và bồn rửa. Chiều cao của mặt bàn tủ bếp dưới cần được thiết kế sao cho cao hơn tầm với của trẻ. Thông thường, mặt bàn bếp dưới cao khoảng 82-85cm so với mặt sàn, phù hợp với chiều cao trung bình của người trưởng thành. Tuy nhiên, nếu người nội trợ cao hơn hoặc thấp hơn chiều cao trung bình thì bạn có thể tính chiều cao mặt bàn tủ bếp dưới thấp hơn khuỷu tay người dùng từ 5-10cm.
Lắp khóa an toàn cho tủ bếp
Bếp điện, lò nướng, lò vi sóng, dao, kéo, chất tẩy rửa... là những thiết bị thu hút sự chú ý của trẻ nên chúng phải được "giấu" kỹ. Tủ bếp nên đủ rộng và có nhiều ngăn để đựng tất cả vật dụng có khả năng gây nguy hiểm này. Đồng thời, các ngăn tủ, ngăn kéo cần có khóa an toàn để khóa lại ngay sau khi dùng nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro.
|
Với nhà có trẻ nhỏ, tủ bếp nên có thêm khóa/chốt an toàn. |
Bàn ghế ăn an toàn
Gia chủ nên chọn bàn ghế ăn vững chãi, làm từ chất liệu thân thiện với môi trường (gỗ tự nhiên, nhựa an toàn), có nguồn gốc rõ ràng. Bề mặt bàn ăn không nên làm bằng kính, tuy sang trọng, đẹp mắt nhưng tiềm ẩn nguy hiểm với bé. Ghế ăn tránh kích thước quá to, quá nặng để những trẻ lớn hơn có thể tự ngồi vào bàn ăn, không cần tới sự giúp đỡ của bố mẹ.
Thiết kế thông thoáng
Dù nhà bạn có trẻ nhỏ hay không thì cũng nên thiết kế bếp sao cho thông thoáng nhất, nhận được nhiều ánh sáng tự nhiên để ngăn ngừa nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Điều này rất tốt cho sức khỏe của các thành viên gia đình, nhất là các bé. Theo đó, gia chủ nên cố gắng trổ cửa sổ, lắp quạt thông gió, máy hút mùi, tránh để tủ bếp chắn gió, chắn sáng vào phòng. Bạn có thể bố trí thêm một vài chậu cây xanh phù hợp để giúp thanh lọc không khí và có ý nghĩa phong thủy tốt như lưỡi hổ, trầu bà, húng quế, bạc hà...
Để có thể rèn luyện cho trẻ tính tự lập, phụ huynh hãy chọn một ngăn kéo thấp để cất riêng bộ đồ ăn của trẻ; để cốc trong tầm với; để riêng giỏ đồ ăn vặt; hạ thấp vòi nước rửa tay (nối thêm chai nhựa) giúp bé chủ động làm phần việc của mình.
Phòng tắm: Hạn chế những nguy hiểm tiềm tàng
Phòng tắm là nơi tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho trẻ như bỏng nước nóng, trơn trượt... Do đó, khi thiết kế phòng tắm cho nhà có trẻ nhỏ, bạn nên đưa tiêu chí an toàn lên hàng đầu, sau đó mới đến tính tiện nghi, thẩm mỹ. Gia chủ nên lưu ý một số vấn đề sau:
Thuận tiện, an toàn khi sử dụng
Cửa phòng tắm nên được lắp đặt các loại khóa chốt đóng/mở dễ dàng. Để có thể kiểm soát và xử lý khi sự cố xảy ra, cần có thêm một bộ khóa cửa phòng tắm ở ngoài. Mức độ riêng tư đối với phòng tắm trẻ nhỏ không yêu cầu cao nên cửa phòng có thể bố trí ô cửa kính để dễ dàng phá vỡ khi cần thiết, mở chốt khóa từ phía trong. Hơn nữa, khi trẻ tự tắm gội, bố mẹ cũng có thể quan sát, trông nom.
Trong phòng tắm, các ổ điện hay bảng điều khiển thiết bị cần được lắp đặt đúng tiêu chuẩn an toàn, tránh lắp các loại thiết bị điện, nước có cơ chế vận hành phức tạp hoặc tiềm ẩn rủi ro cao, gây nguy hiểm cho người dùng, nhất là trẻ nhỏ.
Bồn rửa mặt tránh đặt quá cao. Từ sàn nhà lên thành bồn rửa nên cao khoảng 80-90cm là phù hợp. Vòi hoa sen nên đặt ở vị trí vừa tầm với, có khóa đóng/mở linh hoạt, thuận tiện. Bạn nên sử dụng loại kệ đặt xà bông loại có hộp phía dưới để tránh xà bông chảy xuống sàn gây trơn trượt.
Nếu cần thiết, bạn hãy lắp thêm tủ kệ treo tường xa tầm với của trẻ, nơi cất gọn các thiết bị điện như máy sấy tóc, máy cạo râu, mỹ phẩm, chất tẩy rửa…. để hạn chế việc bé tò mò, nghịch phá.
Về gạch lát nền, nhất định phải chọn loại gạch nhám hoặc lót thêm thảm chuyên dụng có độ ma sát cao để chống trơn trượt, nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
|
Nội thất an toàn là tiêu chí đầu tiên khi thiết kế phòng tắm cho nhà có trẻ nhỏ. |
Chủ động về ánh sáng
Ngoài việc bố trí các khu vực chức năng trong phòng tắm rõ ràng, hợp lý và thuận tiện sử dụng, gia chủ cũng nên lưu tâm tới yếu tố chiếu sáng. Cùng với ánh sáng tự nhiên từ khung cửa sổ (nếu có), phòng tắm cần được lắp đặt đèn chiếu sáng hợp lý. Phụ huynh hãy chủ động bố trí thiết bị cung cấp ánh sáng tạm thời như đèn cầy, nến, đèn pin... đề phòng trường hợp mất điện.
Trang trí vui nhộn
Với phòng tắm cho nhà có trẻ nhỏ, bạn hãy mạnh dạn sử dụng những gam màu tươi sáng để trang trí. Những tông màu cơ bản như đỏ, vàng, xanh dương, xanh lá… có tác dụng kích thích trí não phát triển. Để tạo bầu không khí vui vẻ trong phòng tắm, bạn hoàn toàn có thể sơn các sọc màu sắc xen kẽ nhau.
|
Rèm cửa và decal dán tường "tông xuyệt tông" với hình ảnh động vật ngộ nghĩnh, tạo hứng thú cho bé tắm gội. |
Hẳn các bé sẽ thích mê phòng tắm được trang trí bằng decal dán tường chủ đề động vật hoang dã, nhân vật hoạt hình yêu thích, đại dương xanh mát hoặc thủy thủ với thuyền buồm, hải đăng… Không chỉ mang đến vẻ đẹp sinh động cho không gian nhà tắm, điều này còn giúp trẻ phát triển tư duy, trí tưởng tượng phong phú.
Cầu thang, ban công an toàn
Để đảm bảo an toàn, các gia đình có trẻ nhỏ nên chọn mẫu cầu thang có tay vịn, giúp hạn chế việc rơi, ngã khỏi cầu thang khi bé leo trèo. Cầu thang có tay vịn vững chắc, khoảng cách giữa các chấn song vừa đủ để một đứa trẻ không thể chui lọt là lựa chọn phù hợp. Thậm chí, bố mẹ có thể sắm thêm bộ cửa chắn có khóa chốt nhằm đảm bảo an toàn tối đa.
|
Các gia đình có trẻ nhỏ nên bao bọc khoảng không phía trên của lan can căn hộ chung cư bằng các tấm lưới thép chắc chắn. |
Với nhà tầng và căn hộ chung cư, lan can ban công cần cao từ 1m trở lên, hoa văn họa tiết không nên có khoảng trống lớn hơn một bàn chân trẻ. Bạn có thể sử dụng lưới thép để bao bọc khoảng không phía trên lan can. Tấm lưới này vừa giúp ngăn chặn bé leo trèo, vừa dễ dàng cắt lưới để cứu người khi hỏa hoạn xảy ra. Tuyệt đối tránh bịt kín ban công bằng các thanh sắt bởi sẽ ngăn cản việc thoát hiểm khi có biến cố.