Cây đèn chùm bằng đá của Ý đẹp lung linh giá 23 triệu đồng sử dụng mới một năm thì những chén đá vỡ rơi ra từng miếng. Bà Thanh Lan, chủ nhân cây đèn nói: “Khi đó tôi mới biết đã nhầm hàng dỏm”
Cây đèn chùm bằng đá của Ý đẹp lung linh giá 23 triệu đồng sử dụng mới một năm thì những chén đá vỡ rơi ra từng miếng. Bà Thanh Lan, chủ nhân cây đèn nói: “Khi đó tôi mới biết đã nhầm hàng dỏm”
Sau khi được nhờ đến xem xét trực tiếp tại nhà bà Lan, ông Nguyễn Quốc Tâm, một chuyên gia phân phối và lắp đặt đèn ngoại nhập lâu năm trong ngành trang trí nội thất nhận xét: “Hàng đúng của Ý nhiều khi cắt, đục, khoan, khắc đến cả khối đá trắng trong tự nhiên mới được một hai cái chén đèn lồng như vậy”. Vì nó phải liền lạc, không vướng một thớ đá bị rạn nào.
Những cái chén thứ phẩm – bị lỗi có giá của thứ phẩm; cả khi mài gọt, chén đã vỡ sẽ được dán khéo léo lại nhưng dưới sức nóng đèn, keo sẽ lão hoá và gây vỡ. Cũng có thứ dỏm làm bằng đá tạp nham. “Theo thời gian, biến đổi khí hậu, môi trường, nóng – lạnh của đèn, đá dỏm sẽ nứt vỡ”, ông Tâm nói.
Tiền nào của nấy. Nấy là gì?
Hàng năm, ông Tâm đều đi hội chợ bên Trung Quốc (TQ) tìm hiểu về thị trường này, nhưng công ty của ông quyết định mua và phân phối hàng của khối châu Âu. “Khi đó, người ta nói “điên”. Đi đâu cho xa, cứ sang TQ mà đánh hàng”.
Vẫn biết TQ có nhiều nhà máy, công nghệ làm đèn rất lớn, công nghệ sản xuất những thiết bị phụ trợ tốt cho nên nhiều nước trên thế giới đến TQ đặt gia công hay tổ chức công ty nhà máy sản xuất trực tiếp tại TQ. Nhưng đó là hàng của chính hãng, thành phẩm, họ mang về nước hay xuất đi các nước khác mà không bán mặt hàng đó tại thị trường TQ. “Mua hàng nhãn mác của châu Âu làm tại TQ thì giá không rẻ hơn ở châu Âu bao nhiêu cả”, ông Tâm nói. Hàng hiệu của châu Âu nhưng vẫn ghi “made in China”; nếu không vậy là hàng giả. Chỉ riêng mặt hàng đèn trang trí của Ý không sản xuất tại TQ “thế mà vẫn có hàng mác Ý sản xuất tại TQ ở ngay thị trường TQ!”
Sản xuất đèn tại TQ hầu hết là sao chép mẫu của các hãng ở châu Âu và khắp nơi trên thế giới. Hàng chính hãng ví dụ, 2.000 USD; hàng TQ làm chỉ 150 USD với mẫu giống hệt nhau. Nhưng chỉ giống hệt trên hình chụp, “nếu đã thấy hàng thiệt rồi chắc sẽ không ai dám mua hàng TQ”, ông Tâm nghĩ. Không chỉ sao mẫu của nước ngoài mà còn sao chép mẫu của nhau, cùng một mẫu đèn nhưng giá khác nhau – phụ thuộc vào hãng, công ty, hợp tác xã, hay cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.
Và hàng nhái thường chỉ bắt chước mẫu mã bên ngoài mà không quan tâm đến chất lượng bên trong như đuôi đèn, dây, nước xi mạ... theo thời gian với việc chịu sức nóng liên tục sẽ mau hỏng, biến dạng. Hoặc kết cấu đèn treo chẳng hạn, các móc thép không đạt chất lượng – khi đến trạng thái mỏi của vật liệu... dỏm thì rớt – “tình trạng này đã xảy ra nhiều”. Ông Tâm từng chứng kiến, ví dụ, đèn một thương hiệu tốt của Đài Loan sản xuất tại TQ; một hàng nhái của TQ làm y chang, nhưng hàng tốt của Đài Loan hơn hàng TQ ở cái “bát” sắt mỏng để máng được cái đèn lên trần; hàng nhái TQ một thời gian ngắn... rớt.
Hàng giả, hàng nhái còn “công bố” vô tội vạ trên sản phẩm như cÎ (CE), người tiêu dùng thường nhầm lẫn đó là tiêu chuẩn châu Âu, nhưng thực chất nó không có nghĩa là chất lượng châu Âu; mà đó là nhà sản xuất tự công bố, tự khai báo làm theo tiêu chuẩn châu Âu, không ai kiểm định gì cả, nhà sản xuất tự chịu trách nhiệm. Hoặc một loạt kiểu “công bố” lập lờ khác ví dụ, “US technology, Japan patent, Italy design, Spain style...” – nhưng chữ này không có nghĩa là hàng làm theo công nghệ các nước trên... Còn tên hiệu thì muôn trùng “chữ” – nhái lệch một vài từ của những nhãn hiệu có tên tuổi. Thực ra, TQ có hàng tốt. Hàng tốt của TQ so với hàng châu Âu chẳng hạn, chỉ chênh nhau từ 10 – 20% giá. Nhưng hàng kém chất lượng của TQ chỉ bằng 10 – 15% so với hàng tốt – “một khoảng cách đáng sợ”. Ví dụ, một bóng compact của Nhật 140.000đ nhưng của TQ chỉ 10.000 – 13.000đ/bóng.
Tự bảo vệ mình là cách tốt nhất
Đứng trước những nhập nhằng về hàng tốt – xấu, ông Nguyễn Tuấn Vũ , giám đốc kỹ thuật công ty châu Âu – chuyên phân phối sản phẩm khoá và phụ kiện ngoại nhập nói, “khách hàng nên vào mạng để tìm nhà phân phối, đại lý của chính hãng sản xuất, đó là cách tự bảo vệ tốt nhất”. Ngay như khoá Ikon của Đức và sản phẩm này không sản xuất ở một nước nào khác nhưng vẫn có hàng giả tại TQ. Ông Vũ cho biết thêm: “Hầu như tất cả các hãng khóa trên thế giới đều có sản xuất tại TQ”. Do vậy mà khoá ngoại nhập có mặt ở thị trường Việt Nam đều xuất phát từ TQ. Có sự trà trộn, ví dụ, khoá phòng Yale đúng của chính hãng Mỹ là 3 triệu đồng/bộ; Yale TQ sản xuất, loại tương đối chỉ 300.000đ/bộ; nhưng cũng mác Yale loại tồi của TQ sản xuất chỉ 1 – 2 trăm ngàn đồng/bộ.
Ông Nguyễn Phương Tuấn, giám đốc công ty sàn gỗ Pergo Việt Nam cho biết, sàn gỗ nhân tạo hay sàn gỗ công nghiệp có trên thị trường hoàn toàn là hàng nhập và “hầu hết xuất xứ từ TQ”, dù của châu Á hay Âu. Có gần cả trăm thương hiệu bằng tiếng... Tây nhưng chẳng có thương hiệu nào lấy tên TQ cả. Hiện có loại sản xuất tại Việt Nam, cũng lấy hiệu bằng tiếng... Tây nhưng nhập nguyên liệu – nguyên tấm lớn của TQ về cắt thành ván sàn. “Máy để chỉ làm công đoạn cắt và đánh rãnh âm/dương cũng nhập đồ cũ từ TQ về”, ông Tuấn nói.
Máy cũ thuộc dạng như “bán máy móc” – cắt dọc rồi cắt ngang, rồi đánh lưỡi gà âm – dương; thế hệ máy mới, đưa tấm ván vào, ra ngay thành phẩm. Do vậy mà khi ghép ván sàn loại “gia công cho TQ” này thì độ hở, độ lệch lớn và bề mặt tấm ván thô ráp. Để thử xem ván nào tốt, có thể thực nghiệm bằng cách lấy mẫu ván về ngâm nước khoảng hai ngày, hàng kém chất, gáy của ván sẽ mau rã ra. Vì ở Việt Nam, theo ông Tuấn thì “chưa có quản lý chất lượng của Nhà nước kiểm định để bảo vệ người tiêu dùng về mặt hàng này”.
Tìm hiểu thực trạng tại hiện trường, không rõ có “bị nhầm” hay không mà khu nhà cao tầng P. tại TP.HCM cũng sử dụng các loại ván sàn “rặc” TQ này.
(Theo SGTT)