Sau khi lựa chọn được vị trí và hướng bàn thờ, một công đoạn quan trọng không thể bỏ qua đó là bài trí, sắp xếp bàn thờ.
> Bài trí bàn thờ hợp phong thủy trong dịp Tết đến Xuân về (P2)
Nguyên tắc bài trí bàn thờ
Trên bàn thờ tổ tiên, ở chính giữa đặt bát hương (tượng trưng cho tinh tú), trên bát hương có một cây trụ để cắm hương vòng (trụ này tượng trưng cho trục vũ trụ). Ngoài ra còn có hai bát hương đặt ở bên phải và bên trái tạo nên thế tam đài. Ở hai góc ngoài luôn luôn có hai cây đèn dầu hoặc hai cây nến tượng trưng cho mặt trăng ở bên phải và mặt trời ở bên trái. Khi cần thỉnh cầu hay sám hối với tổ tiên, người ta thường đốt đèn dầu hoặc nến và thắp hương. Khi đó, mọi mong ước của gia chủ sẽ được các vòng khói hương đưa đến ông bà tổ tiên.
Khi bài trí không gian thờ tự, bạn cần tránh một số điều kiêng kị sau:
- Không để đèn điện chiếu trực tiếp vào bàn thờ
- Cần đặt 2 đèn điện ánh vàng hoặc đỏ ở phía hai bên ngoài bàn thờ và bật 24/24h
- Duy trì khoảng cách tối thiểu 25cm từ bát hương đến bất cứ chất lỏng nào. Nhiều gia đình có thói quen bày nhiều bia rượu trên bàn thờ là không hợp lý
- Nên cắm trụ hương vòng bằng gỗ sơn son hoặc sơn đen thay vì trụ bằng kim loại
|
Bài trí bàn thờ ngày Tết nhằm thể hiện lòng tôn kính với ông bà tổ tiên của các bậc con cháu |
Bài trí bàn thờ ngày Tết
Thông thường, lễ vật dâng cúng lên bàn thờ vào ngày Tết bao gồm tiền giấy vàng mã, đĩa hoa quả, một vài cái chung (ly nhỏ, thấp), vài bộ quần áo giấy, một bình rượu ngon, một bình hoa lớn và có thể bày thêm bánh mứt để bàn thờ cân đối, đẹp mắt.
Lưu ý, trong những ngày Tết, cần có bình hoa tươi trên ban thờ. Nêu vào ngày thường, bạn có thể cắm hoa giả xen lẫn hoa tươi (lộng giả thành chân). Cũng có thể dùng hoa làm bằng giấy bạc và vàng ánh kim, giấy bạc (biểu tượng cho một dương một âm, sự giao hòa âm dương). Người Việt thường sử chọn các loại hoa tươi như hoa mai, hoa huệ, hoa đào, hoa lay ơn, hoa cúc... để trên bàn thờ gia tiên ngày Tết.
Khi bài trí, sắp xếp bàn thờ cần đảm bảo các lễ vật ở hai bên hữu (phải) và tả (trái) bằng nhau nếu ban thờ có thờ tổ tiên (tổ tỉ, tổ khao, cao tằng tổ tỉ, cao tằng tổ khảo...) và ban thờ bà cô, ông mãnh - là những người mất trẻ thuộc hàng thúc bá, huynh đệ, cô dì, tỉ muội...
Nếu gia đình có thêm bát hương thờ thần linh (thổ kỳ, thổ địa, thổ công) thì cần bài trí bàn thờ theo nguyên tắc tả (Thanh Long) hữu (Bạch Hổ) tức là bên trái bài trí cao hơn bên phải.
Cách xác định bên trái, phải dựa vào vị trí từ ban thờ nhìn ra (ngược với hướng của người khấn).
Việc bài trí bàn thờ Tết phải được hoàn tất trong sáng ba mươi Tết. Trên bàn thờ nên có thêm cặp bánh chưng, bánh tét, cặp dưa hấu, gói thuốc... tùy thuộc vào văn hóa và điều kiện kinh tế.
Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo bàn thờ ngày Tết được thắp sáng từ ngày ba mươi. Các gia đình có thể đốt hương vòng, hương que loại lớn để hương cháy liên tục trong nhiều ngày nhằm biểu trung cho các vì tinh tú đang tỏa sáng, như ông bà tổ tiên đang ân cần chăm lo cho con cháu.
Hơn nữa, hương khói còn tạo ra sự ấm cúng cho không gian thờ cúng, từ đó giúp gắn kết tình cảm và mong ước hạnh phúc của các thành viên trong gia đình. Nên chọn những loại hương có mùi thơm nhè nhẹ như hương nhài, hương bài, hương trầm...
Chuyên gia phong thủy Song Hà