Một trong những nguyên tắc chọn hướng xây nhà cơ bản của phong thủy truyền thống chính là xây nhà ở tọa bắc hướng nam. Nói về hướng này, “Dịch chiêm học” cũng nêu, phương nam dương khí đầy đủ, thảo mộc sinh sôi nhiều nên hướng nam được coi là hướng thịnh vượng nhất.
Nhà tọa bắc hướng nam là tiêu chí lựa chọn đầu tiên
khi mua hoặc xây dựng nhà cửa.
Theo quan niệm của người xưa, hướng bắc là âm, hướng nam là dương, nơi âm dương hài hòa chính là nơi có phong thủy tốt. Hiện nay, trong một số phát hiện của ngành Khảo cổ học cho thấy rằng, ngay từ thời nguyên thủy, đa số các ngôi nhà cổ đều có cửa chính hướng nam, tổ tiên xưa đã xây dựng thôn xóm tọa bắc hướng nam.
Quan niệm đó cho tới nay vẫn còn nguyên giá trị, tiêu chí đầu tiên chọn lựa mua nhà của mọi khách hàng chính là tọa bắc hướng nam. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao vị trí này lại quan trọng đến vậy?
Lý do đầu tiên được đưa ra khẳng định đây là vị trí có nguồn sáng tốt. Theo “Trạch kinh”, ngôi nhà có cửa sổ hướng nam, đông nam hoặc tây nam thì ánh sáng sẽ tốt. Ánh sáng mặt trời bị tận dụng triệt để, mùa đông nhà cửa ấm áp, mùa hè mát mẻ khi ở vị trí tọa bắc hướng nam.
Tiếp theo, đây vị trí có sự thông gió tốt bởi không khí trong nhà luôn được lưu thông một cách đầy đủ.
Nhà nằm ở vị trí tọa bắc hướng nam có thể tránh được gió bắc.
Theo “Địa học chỉ chính”, hướng tây hướng bắc là gió lạnh, gió hàn, gọi là gió âm, nên có bình phong chắn gió, nếu không sẽ bị gió thổi nhiễm lạnh. Đồng thời, với điều kiện ánh sáng không tốt, nếu nhà hướng tây hướng bắc thì sẽ dễ hấp thu những vật chất âm và ẩm trong không khí, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con người.
Trên thực tế, có thể dùng hướng chính nam làm nguyên tắc bởi phương vị hướng nam không dễ tìm. Hơi nghiêng về hướng đông hoặc hướng tây cũng không có trở ngại gì. Trong trường hợp nhà ở không thể xây dựng theo hướng nam, cần phải xây giếng trời hoặc mở nhiều cửa sổ ở hướng nam để tăng thêm khí ấm, ánh sáng, đồng thời cũng có thể bù đắp bằng việc trồng nhiều cây ở hướng bắc….
Sẽ rất lý tưởng nếu bạn thuộc nhóm tuổi hợp “Đông tứ trạch” và có được nhà hướng nam.