Ngày nay, các thợ mộc, thợ xây dựng và kể cả nhân dân thường dùng thước Lỗ Ban. Vậy Lỗ Ban là ai? Và thước Lỗ Ban như thế nào?
> Xây nhà làm cửa chọn kích thước nào?
Ngày nay, các thợ mộc, thợ xây dựng và kể cả nhân dân thường dùng thước Lỗ Ban. Vậy Lỗ Ban là ai? Và thước Lỗ Ban như thế nào?
Theo thần thoại Trung Hoa, Lỗ Ban là người nước Lỗ có tên thật là Công Thâu, thụ giáo nghề mộc với một vị tổ sư ở trong núi Chung Nam. Học mãi đến khi đầu bạc mới thành tài. Nhân dân Trung Hoa sau này gọi ông là chàng Ban nước Lỗ. Sau khi thành tài, ông về truyền nghề mộc cho học trò khắp nước Lỗ và các nước láng giềng. Từ đó ông trở thành vị tổ sư nghề mộc của người Trung Hoa.
Ông nghiên cứu chế tạo ra loại thước đặc biệt cho nghề mộc, có chiều dài 43 phân (0,43m) có các cung tài, cung phúc, cung đức, cung lộc, cung thọ, cung hợp, cung hại, cung triệt, cung ly, cung đoản mệnh...
Khi làm nhà, người thợ thường tính kích thước, chia gian, đo các cửa chính, cửa sổ cho đúng các cung tài lộc và kiêng tránh các cung ly, cung hại, cung thoái, cung triệt... theo thước Lỗ Ban để mong cầu thịnh vượng trong cuộc sống.
Ở nước ta, thời Minh Mạng, nhà vua mời các nhà thông thái vào triều nghiên cứu rồi quyết định giảm chiều dài thước Lỗ Ban đi 2 phân mà không ảnh hưởng đến tính khoa học nguyên thuỷ của thước để nói lên tính độc lập riêng biệt trong ngành xây dựng giữa Đại Việt và Trung Hoa. Hiện nay, thước Lỗ Ban lưu hành là thước Lỗ Ban thời Minh Mạng.
Thần thoại Việt Nam cũng có sự tích anh em Lỗ Ban, Lỗ Bốc được một nữ thần thợ mộc dạy cho nghề làm nhà và đóng thuyền.
Theo thần sách tỉnh Hà Tĩnh thì ở làng mộc Thái Yên có ngôi đền Thánh thợ thờ Lỗ Ban được xếp vào loại công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị. Phường mộc ở đây cũng như ở nơi khác đều thờ cúng tổ sư Lỗ Ban.
Thước Lỗ Ban có tính khoa học đến mức độ nào thì còn phải bàn, nhưng trong thực tế, thường khi làm nhà và xây dựng các công trình dân dụng mà thiết kế theo thước Lỗ Ban thì ít nhất về mặt tâm lý bà con rất yên tâm.
(Theo Kiến thức)