Rồng phong thủy là biểu tượng cho sức mạnh, sự thịnh vượng, mang nguồn năng lượng tích cực đến cho gia chủ và các thành viên trong nhà.
Ý nghĩa hình ảnh rồng trong phong thủy
Rồng phong thủy là linh vật tối cao trong văn hóa Á Đông, đây cũng là linh vật được tôn thờ trong phong thủy. Rồng trong phong thủy không giống như loài rồng bò sát, có cánh và độc ác trong truyền thuyết phương Tây. Rồng phong thủy theo quan niệm của người châu Á vốn là loài vật tươi vui, sống động, có ở trên mặt đất, dưới sông hồ hay trong không trung. Rồng thường được gắn liền với mưa và nước – là những biểu tượng cho cuộc sống dồi dào, sự thụ thai và thịnh vượng.
|
Biểu tượng rồng phong thủy |
Rồng trong phong thủy dù không có cánh nhưng vẫn có thể bay lượn trong không trung. Thậm chí, rồng có ngọc châu ở chân còn tượng trưng cho sự giàu có, quyền lực và cơ hội thăng tiến. Khi được sử dụng đúng, rồng phong thủy có thể kích hoạt bất kỳ năng lượng nào trong nhà hoặc văn phòng.
Chọn biểu tượng rồng
Rồng phong thủy được thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau, bao gồm tranh chạm khắc, tượng rồng, tranh in, thảm trang trí, thảm trải sàn… Chúng cũng có màu sắc đa dạng, tượng trưng cho từng thế mạnh khác nhau. Chẳng hạn, rồng có màu đen, xanh đậm, màu vàng, xanh lá cây… tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng. Trong khi rồng màu đỏ tượng trưng cho năng lượng, sức sống.
Bức tranh rồng phong thủy nên được đóng khung bằng chất liệu kim loại – yếu tố nuôi dưỡng nước (bởi Kim sinh Thủy) sẽ làm gia tăng sức mạnh của rồng. Ngược lại, nếu khung tranh được làm từ chất liệu gỗ sẽ có xu hướng làm tiết chế năng lượng của rồng bởi gỗ lấy năng lượng từ nước để phát triển (Thủy sinh Mộc). Rồng có thể được làm bằng chất liệu gỗ, kim loại, đá, thủy tinh hoặc gốm. Mỗi loại này lại phù hợp để đặt ở những vị trí khác nhau trong nhà.
Đồng thời, gia chủ còn dựa vào ngũ hành của bản thân để chọn rồng phong thủy phù hợp. Ví dụ, rồng phong thủy bằng đá có ngũ hành thuộc mệnh Thổ, phù hợp với những gia chủ có ngũ hành thuộc mệnh Thổ (tương hợp) hoặc mệnh Kim (tương sinh). Trong khi đó, rồng phong thủy bằng đồng có ngũ hành thuộc mệnh Kim, phù hợp với những gia chủ có ngũ hành thuộc mệnh Kim (tương hợp) hoặc mệnh Thủy (tương sinh). Rồng phong thủy bằng thủy tinh có ngũ hành thuộc mệnh Thủy, phù hợp với gia chủ mệnh Mộc (tương sinh) hoặc mệnh Thủy (tương hợp). Rồng phong thủy bằng gỗ có ngũ hành thuộc mệnh Mộc, hợp với những gia chủ ngũ hành mệnh Hỏa (tương sinh) hoặc mệnh Mộc (tương hợp).
Vị trí đặt rồng phong thủy
Có rất nhiều cách để xác định vị trí đặt rồng phong thủy phù hợp trong nhà. Một phương pháp phổ biến nhất là dựa trên hướng tốt của gia chủ. Nếu bạn hợp với hướng nào, hãy xoay đầu rồng về hướng đó. Hoặc bạn cũng có thể lựa chọn vị trí đặt rồng dựa vào sao phong thủy chiếu mạng (sao tốt) của bạn trong năm và xoay đầu rồng về hướng sao đó. Vì sao chiếu mạng sẽ thay đổi theo các năm nên bạn cần thay đổi hướng đầu rồng cho phù hợp.
Thông thường, biểu tượng rồng phong thủy luôn được đặt ở những không gian mở - nơi có dòng năng lượng luân chuyển tốt bởi theo quan niệm, rồng cần được tự do, có chỗ để bay lượn. Bên cạnh đó, hãy đảm bảo rằng đầu rồng hướng vào phía căn phòng, tránh nhìn ra cửa hoặc cửa sổ nhằm mang lại sự thịnh vượng và giàu có. Bạn cũng có thể đặt biểu tượng rồng ở những vị trí cụ thể dưới đây nếu muốn thúc đẩy nguồn năng lượng tốt lành.
Phòng ngủ
Bạn có thể đặt tượng rồng nhỏ kết hợp với biểu tượng phong thủy của chim phượng trong phòng ngủ hoặc cung tình duyên để hôn nhân luôn hạnh phúc, quan hệ lứa đôi luôn chặt chẽ và bền lâu. Không nên đặt chỉ mình tượng rồng trong phòng ngủ vì sẽ tạo ra quá nhiều năng lượng dương, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Xem thêm: Cách khắc phục phòng ngủ không cửa sổ hiệu quả nhất hiện nay
Văn phòng
Treo tranh rồng hoặc đặt tượng rồng ở phía sau bàn làm việc hoặc ghế ngồi sẽ có tác dụng thúc đẩy công việc. Không nên đặt rồng ở phía trước bàn làm việc vì sẽ tạo nên sự xung đột năng lượng.
Phòng bếp
Biểu tượng rồng nên đặt đối diện với chậu rửa – nơi có nguồn nước có tác dụng làm tăng cường lợi ích của nước về sự giàu có, thịnh vượng và cơ hội thăng tiến. Đặt rồng gần đài phun nước hoặc các nguồn nước khác (trừ phòng tắm) cũng mang lại hiệu quả tương tự.
Hướng Đông
Hướng Đông được coi là hướng tốt của loài rồng và cũng là hướng tượng trưng cho các yếu tố Mộc, vì thế bạn nên đặt tượng rồng bằng gỗ ở hướng này.
Hướng Tây Nam hoặc Đông Bắc
Những hướng này thuộc hành Thổ, do vậy bạn nên đặt tượng rồng được làm từ thủy tinh, đá hoặc gốm.
Một số vị trí cần tránh đặt rồng
Dù rồng là biểu tượng phong thủy mang lại may mắn nhưng cũng có một số vị trí cần kiêng kị khi đặt rồng. Do vậy, bạn cần lưu ý:
- Không đặt rồng phong thủy ở các khu vực có năng lượng xấu như phòng tắm, tủ quần áo hay nhà để xe.
- Không sử dụng quá nhiều biểu tượng rồng trong nhà. Số lượng rồng trong nhà không nên vượt quá 5. Hơn nữa, cần tránh đặt 3 con rồng trong cùng một khu vực bởi sẽ làm triệt tiêu tác dụng của rồng.
- Không đặt rồng ở vị trí cao hơn tầm mắt.
- Không để đầu rồng hướng vào tường hoặc đặt rồng ở góc chật hẹp.
- Tránh để viên ngọc ở chân rồng hướng về phía cửa sổ hoặc cửa nhà.
- Không để biểu tượng rồng dưới sàn nhà, ngay cả khi rồng được in trên thảm.