Trong các sách vở về phong thuỷ mà tôi hay tìm hiểu, ít thấy thông tin nào đề cập đến xử lý mặt ngoài (mặt tiền) của ngôi nhà, nhất là nhà phố, mà chủ yếu là các kiêng kỵ kiểu hồi xưa về bố trí mặt bằng, cửa, bếp…
Trong các sách vở về phong thuỷ mà tôi hay tìm hiểu, ít thấy thông tin nào đề cập đến xử lý mặt ngoài (mặt tiền) của ngôi nhà, nhất là nhà phố, mà chủ yếu là các kiêng kỵ kiểu hồi xưa về bố trí mặt bằng, cửa, bếp…
Phải chăng do người xưa ít quan tâm đến mặt tiền, hoặc các nước thịnh về phong thuỷ hiện đại như Hong Kong, Singapore… ở chung cư, biệt thự nhiều hơn là ở nhà phố? Tôi sắp xây nhà nên muốn hỏi có nguyên tắc nào về phong thuỷ cho việc thiết kế mặt tiền nhà phố không, hay là tuỳ ý nhà chuyên môn làm sao cho đẹp? (Võ Ngân Khánh, Phước Kiểng, Nhà Bè).
Dĩ nhiên là tuỳ theo địa phương mà các tài liệu phổ biến về phong thuỷ sẽ thiên về loại hình nhà nào phổ biến ở vùng đó. Tuy vậy, các nguyên tắc chung thì vẫn dựa trên nền tảng hài hoà âm dương, ngũ hành, hình thế. Nhà phố hiện nay vẫn là lựa chọn phổ biến trong các đô thị Việt Nam, nên cần ứng dụng phù hợp các nguyên tắc cơ bản để đạt sự hài hoà về thẩm mỹ và phong thuỷ.
Nếu làm nhà phố nhiều lầu theo kiểu… xếp chồng các lầu lên nhau thì không hẳn là sai hay xấu, nhưng không đạt được dẫn dắt trên – dưới về hình thế và trường khí. Do càng lên cao tính dương càng tăng, tính âm giảm (ánh nắng, gió nhiều hơn) nên cần bổ sung âm dương cho hài hoà. Ví dụ nên hạn chế bớt bức xạ gay gắt bằng các tăng cường lam hay mảng tường, mái nghiêng che nắng cho các tầng cao.
Việc bố trí các mảng lồi hay lõm, cong hay thẳng, vuông hay tròn… của mặt ngoài nhà cũng liên quan đến yếu tố hài hoà âm dương. Quá thuần dương sẽ gây cảm giác bít bùng nặng nề, tù hãm nội khí hoặc ngược lại, thuần âm nhiều thì tạo sự trống trải xuyên thấu từ ngoài vào trong sẽ gây tán khí, cảm giác bất an. Vì vậy, tuỳ theo hướng khí hậu, hướng giao tiếp và hướng mệnh trạch (theo tuổi gia chủ) mà bố trí cấu trúc mặt tiền trên cơ sở bổ sung các yếu tố tương đồng và tương phản để xác định chính phụ, làm nên nét hài hoà.
Cũng như con người, cây cối và vật thể trong thiên nhiên, ngôi nhà luôn có tính trên, dưới nhà nhiều lầu như một cái cây vươn lên trên mặt đất, có phần rễ (móng nhà, nền nhà) phần thân và phần ngọn (mái nhà), không thể xem nhẹ phần nào. Phần thân nhà dài hay ngắn tuỳ theo số lầu, phần mái nhà phải giữ tốt vai trò kết thúc, che chở và sử dụng hiệu quả, tránh làm những mái nhà theo kiểu chóp này vòm nọ diêm dúa màu mè chỉ với mục đích phô trương. Cũng không nên xem nhẹ hình thức bên ngoài, chỉ làm sơ sài rồi sau này chắp vá thêm, vừa thiếu an toàn vừa mất thẩm mỹ. Tránh làm mặt ngoài nhà theo lối “đồ giả”, tức là chỉ có vỏ bọc mặt ngoài, bên trong không gian sử dụng không tương ứng, thiếu thuận tiện, ấy là phạm phải vấn đề hình thức và nội dung không tương đồng nhau.
(Theo SGTT)