Cổng chính là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất xét theo phong thủy gia trạch. Do vậy, việc lựa chọn phương vị, hình dáng, vật liệu hay màu sắc cổng cần được xem xét kỹ lưỡng.
Cổng ra vào được coi là bộ mặt chính của ngôi nhà, thể hiện tính cách cũng như khiếu thẩm mỹ của gia chủ. Hơn nữa, cùng với cửa chính, cổng chính của mỗi ngôi nhà vẫn luôn là yếu tố quan trọng bậc nhất xét về mặt phong thủy nhà ở. Bởi lẽ, cổng nhà chính là lối sinh khí đi vào cũng là nơi giao lưu giữa nội khí và ngoại khí. Ông bà ta quan niệm, phong thủy cổng chính tốt sẽ giúp các thành viên trong gia đình có cuộc sống ổn định, phúc đức và đón nhận được nhiều tài lộc. Ngược lại, cổng chính không hợp phong thủy có thể mang lại những điều không may, bất lợi cho gia chủ. Do vậy, việc xây dựng cổng chính theo các nguyên tắc phong thủy dưới đây là điều không nên bỏ qua.
Về hướng mở cổng
Theo phong thủy Bát trạch, khi thiết kế cửa cổng vào nhà thì cách xác định, chọn phương vị cho cổng cũng tương tự như chọn hướng, chọn vị cho ngôi nhà. Dựa trên lý luận về niên mệnh, phong thủy quan niệm hướng cổng chính phải phù hợp với niên mệnh Đông, Tây của chủ nhà. Cụ thể, mỗi người sẽ có 4 hướng tốt và 4 hướng xấu. Hướng tốt của người Đông tứ mệnh là Nam, Bắc, Đông, Đông Nam; hướng tốt của người Tây tứ mệnh là: Tây, Tây Nam, Tây Bắc, Đông Bắc. Cổng chính cần được đặt theo 1 trong 4 hướng tốt này.
|
Nắm vững kiến thức về phong thủy cổng chính sẽ giúp gia chủ lựa chọn được hướng cổng, vị trí mở cổng thuận tiện cho quá trình sinh hoạt mà vẫn hài hòa về phong thủy. |
Bên cạnh đó, gia chủ cũng có thể căn cứ vào tuổi, mệnh theo Ngũ hành để chọn hướng mở cổng phù hợp với mệnh và tránh các hướng tương khắc. Cụ thể:
- Gia chủ mệnh Kim nên mở cổng chính theo hướng Đông Bắc hoặc Tây Nam vì cả 2 hướng này đều thuộc hành Thổ tương sinh với Kim; tránh mở cổng hướng Nam (hành Hỏa) vì Hỏa khắc Kim.
- Gia chủ mệnh Mộc nên mở cổng chính theo hướng Bắc vì đây là hướng thuộc hành Thủy, tương sinh cho hành Mộc; cần tránh mở cổng hướng Tây, Tây Bắc (hành Kim) bởi Kim khắc Mộc.
- Gia chủ mệnh Thủy nên mở cổng hướng Tây hoặc Tây Bắc vì 2 hướng này thuộc hành Kim tương sinh với Thủy; tránh mở cổng hướng Tây Nam, Đông Bắc (hành Thổ) vì Thổ khắc Thủy.
- Gia chủ mệnh Hỏa nên mở cổng hướng Đông hoặc Đông Nam vì chúng thuộc hành Mộc tương sinh với hành Hỏa; kiêng mở cổng hướng Bắc (hành Thủy) bởi Thủy khắc Hỏa.
- Gia chủ mệnh Thổ nên mở cổng hướng Nam bởi đây là hướng thuộc hành Hỏa tương sinh với Thổ, rất có lợi cho gia chủ; cần tránh mở cổng hướng Đông và Đông Nam (hành Mộc) bởi Mộc khắc Thổ.
Vị trí mở cổng
Ngoài kích thước, gia chủ cần chú trọng tới vị trí đặt cổng. Cổng tốt phải được đặt ở vị trí sinh vượng và phải đảm bảo hướng di chuyển từ đường vào cổng thuận lợi nhất, tránh được xung sát từ bên ngoài như góc nhọn, đối diện cây to, cột điện, ngã ba đường…
Nếu như đường đi trước cổng ở phía bên phải dài hơn đường bên trái (so với nhà) thì bên phải được coi là hướng thủy đến, bên trái là hướng thủy đi nên gia chủ cần mở cổng chính ở bên trái thuận thế “Thanh Long nghênh thủy” để thu hút vận khí tốt vào nhà. Ngược lại, nếu đường đi ở bên trái dài hơn đường bên phải, gia chủ nên mở cổng ở phía bên phải thuận thế “Bạch Hổ nghênh thủy” để đón được nhiều tài lộc hơn.
Việc mở cổng cũng cần căn cứ vào môi trường xung quanh như địa bàn trước nhà, bên cao, bên thấp hay bằng phẳng (dựa vào dòng nước chảy khi trời mưa). Cụ thể, nếu địa thế trước nhà bằng phẳng thì nên mở cổng ở giữa. Nếu bên trái nhà (Thanh Long) thấp, bên phải nhà (Bạch Hổ) cao (đứng từ trong nhà nhìn ra) thì nên mở cổng ở phía trái. Nếu bên phải nhà (Bạch Hổ) thấp hơn phía trái nhà (Thanh Long) thì nên mở cổng ở phía bên phải.
Lưu ý: Không mở cổng và cửa chính nhà thẳng nhau hay đồng trục và cần tránh mở cổng hai nhà đối diện nhau vì sẽ phạm vào môn xung sát.
Kích thước cổng chính
Tính hài hòa và sự cân đối là nguyên tắc bất di bất dịch trong phong thủy. Theo đó, kích thước cổng luôn phải phù hợp với kích thước tổng thể của ngôi nhà. Cổng không nên xây cao hơn nhà bởi điều này mang ý nghĩa gia chủ có tâm kiêu ngạo, có thể gây ra nạn tuyệt hậu. Cổng chính quá lớn, quá rộng sẽ khiến sinh khí bị phân tán. Tuy nhiên, cổng quá nhỏ sẽ không tiếp đủ khí cho ngôi nhà.
Khi chọn kích thước cổng, cần căn cứ theo Lỗ Ban để vừa đảm bảo sự thuận tiện khi đi lại, đảm bảo yếu tố “đẹp”, vừa mang lại may mắn và hóa giải xui xẻo cho gia chủ. Cụ thể:
Với cửa 1 cánh:
Kích thước phong thủy đẹp nhất là rộng x cao = 81 x 212cm.
Với cửa 2 cánh lệch nhau (1 cánh to, 1 cánh bé):
- Rộng x cao = 109 x 212cm, kích thước bề rộng chia 2 cánh tương ứng 69cm và 40cm.
- Hoặc rộng x cao = 126 x 212cm, kích thước bề rộng chia 2 cánh tương tứng là 81cm và 45cm.
Với cửa 2 cánh cân bằng:
- Kích thước chiều rộng có thể là: 109cm, 126cm, 153cm, 176cm.
- Kích thước chiều cao là: 212cm.
Với cửa 4 cánh cân bằng:
- Kích thước chiều rộng là: 245cm, 255cm, 262cm, 282cm, 341cm, 360cm.
- Kích thước chiều cao là: 212cm.
Lưu ý: Tùy vào độ dày khuôn cửa và gia chủ cần cộng thêm cả vào chiều rộng và chiều cao cho phù hợp. Chẳng hạn, với cửa 1 cánh, khuôn cửa dày 4,5cm thì chiều rộng cửa cổng là: 81cm + 4,5cm bên trái + 4,5cm bên phải = 90cm; chiều cao cửa cổng là 212cm + 4,5cm bên trên = 216,5cm.
Hình dáng, màu sắc và chất liệu cổng
Ngoài ra, hình dáng, chất liệu cổng cũng cần được lựa chọn sao cho phù hợp với cung mệnh của gia chủ.
- Gia chủ mệnh Kim nên chọn cổng có dáng cong tròn, màu trắng, bạc, ghi và các vật liệu thiên về kim loại để tạo cát lợi cho gia đình.
- Gia chủ mệnh Mộc phù hợp với cổng làm từ chất liệu gỗ, có nhiều song và được sơn màu xanh lá cây để tạo ra sự hài hòa về phong thủy.
- Gia chủ mệnh Thủy nên chọn cổng có các hoa văn mềm mại, uốn lượn và sơn màu đen hoặc xanh biển cho cổng để mang lại vượng khí, may mắn và tài lộc cho bản thân.
- Gia chủ mệnh Hỏa nên thiết kế cổng có nhiều hình khối nhọn với thanh cửa vắt chéo, sơn cổng màu nâu hoặc màu đỏ, đồng thời lợp mái bên trên cho phù hợp với mệnh của gia chủ.
- Gia chủ mệnh Thổ nên chọn cổng có hình dáng vuông vức có màu vàng hoặc màu nâu, kết hợp với tường rào bằng gạch đá là phù hợp nhất.
Ngoài tuân theo các nguyên tắc phong thủy cổng chính trên đây, trên thực tế, gia chủ nên dựa vào đặc điểm của khu đất, của địa phương khi thiết kế cổng. Có như vậy mới hài hòa với không gian xung quanh mà vẫn đảm bảo được an ninh cho ngôi nhà, tránh được sự soi mói từ những người đi đường.