Trên bàn thờ ngày Tết của mỗi gia đình, mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu. Cách bài trí mâm ngũ quả ở miền Bắc thường theo quan niệm ngũ hành. Các loại trái cây trên mâm ngũ quả là sự kết hợp của 5 màu ngũ hành.
Theo quan điểm phong thủy, việc bài trí mâm ngũ quả đẹp không chỉ thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu đối với gia tiên mà còn giúp mang lại nhiều may mắn, tài lộc cho cả gia đình.
Hãy cùng Dothi.net tìm hiểu ý nghĩa mâm ngũ quả ngày tết nhé.
Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày tết nguyên đán
Được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà - bàn thờ của gia tiên, không khó để nhận ra mâm ngũ quả có ý nghĩa rất đặc biệt. Dù có sự khác biệt về số lượng trái cây, hoặc các loại hoa quả đặt trên bàn thờ, nhưng tất cả đều tượng trưng cho mong muốn về một cuộc sống sung túc, đủ đầy và hạnh phúc trong năm tới. Thông thường, gia chủ sẽ lựa chọn những trái cây có màu sắc tươi sáng, mang ý nghĩa tâm linh để có thể tạo nên một mâm ngũ quả hoàn chỉnh.
1. Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày tết miền Bắc
Ở miền bắc, khi sắp xếp mâm ngũ quả, gia chủ thường chọn những loại quả có màu sắc tươi sáng như: chuối xanh, cam, quýt, thanh long, ớt chín đỏ, táo,....
|
Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày tết miền Bắc |
Ý nghĩa của mâm ngũ quả miền Bắc thường chú trọng tới sự hài hòa, cân bằng âm dương. Các màu sắc trái cây trong mâm ngũ quả được sắp xếp sao cho có thể đem lại sự cân bằng, hài hòa nhất có thể.
Thông thường, mâm ngũ quả truyền thống ở miền bắc được sắp xếp như sau: Dưới cùng là nải chuối xanh, đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác bên trên. Tựa như một bàn tay ngửa, nải chuối hứng lấy những gì tinh túy nhất của mùa xuân để tạo thành quả ngọt. Hình ảnh này còn mang ý nghĩa chở che, bao bọc... Ở giữa mâm ngũ quả là quả bưởi hoặc phật thủ vàng, các loại quả khác bày xung quanh. Cài xen kẽ vào các chỗ trống là táo xanh, quýt vàng, ớt chín đỏ...
2. Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày tết miền nam
Nhắc tới mâm ngũ quả ngày tết miền nam, không thể không nhắc đến câu cửa miệng năm mới “Cầu sung (túc) vừa đủ xài”. Câu nói này dường như đã gắn liền với mọi mâm ngũ quả ở miền nam.
Không quá cầu kỳ, chú trọng hình thức như miền bắc, mâm ngũ quả miền nam gợi cảm giác đơn giản hơn, tựa như những con người chân chất, hiền hòa nơi đây vậy. Ý nghĩa mâm ngũ quả miền nam cũng đơn giản hơn, mong muốn một năm mới trọn vẹn trong một chữ “đủ”. Các loại trái cây thường thấy trên mâm ngũ quả miền nam bao gồm: mãng cầu (quả na), quả sung, quả dừa hoặc dứa, hoặc dưa, quả đu đủ và quả xoài. Ghép 5 loại quả lại với nhau, ta sẽ có một câu nói “Cầu (mãng cầu) sung vừa (dừa/dứa/dưa) đủ (đu đủ) xài (xoài)”.
Một số lưu ý khi sắp xếp mâm ngũ quả
Khi bài trí mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên, người đọc nên lưu ý đến những yếu tố này để có thể đảm bảo tính thẩm mỹ cũng như tâm linh một cách tối đa:
-
Sự hài hòa trong màu sắc: khi sắp xếp mâm ngũ quả, gia chủ nên tạo nên sự cân bằng giữa các tông màu. Những màu nóng tượng trưng cho dương (cam, quýt, thanh long, ớt đỏ, dứa lửa,...), những màu lạnh tượng trưng cho âm (dưa hấu, chuối xanh, phật thủ, xoài xanh,...). Bạn nên chọn những những loại quả có màu sắc đồng đều nhau, từ đó tạo nên sự cân bằng âm dương.
-
Nên chọn trái cây tươi: thật bất kính nếu bạn sắp xếp mâm ngũ quả với những loại trái cây bị héo, nhăn vỏ, dập nát,...Nên chọn những loại trái cây tươi và để được lâu, từ đó thể hiện được thành ý của cả gia đình.
Như vậy, dù ở miền nào, ý nghĩa mâm ngũ quả ngày tết đều là mong muốn những điều tốt đẹp, hạnh phúc, đủ đầy cho một năm mới bình an và hạnh phúc.
Có thể bạn quan tâm: Tết nói chuyện ngũ quả và ngũ hành