Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 7 vừa qua, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam tăng 32,1% về lượng và tăng 22,9% về kim ngạch so với tháng trước đó. Lượng sắt thép xuất khẩu 7 tháng đầu năm tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 3,41 triệu tấn và kim ngạch tăng 56,3%, trị giá hơn 2,53 tỷ USD.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, giá sắt thép xuất khẩu tăng 11,3%, trung bình đạt 742,8 USD/tấn. Trong đó, lượng sắt thép xuất sang Hồng Kông (Trung Quốc) đạt mức cao nhất với giá 2.995,8 USD/tấn, tăng 33,4%. Sản phẩm này xuất khẩu sang Đức tăng với giá tăng mạnh 53,5%, đạt 2.313,9 USD/tấn. Một số thị trường khác cũng xuất được mức giá tốt như: Thụy Sĩ 1.717 USD/tấn, tăng 302%; Thổ Nhĩ Kỳ 1.595 USD/tấn, tăng 45%; Ucraina 1.463 USD/tấn, tăng 53,6%; Trung Quốc 1.503 USD/tấn, tăng 6,9%.
|
Việt Nam xuất khẩu sắt thép chủ yếu sang các nước Đông Nam Á. |
Mức giá sắt thép xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc) thấp nhất đạt 556,7 USD/tấn, so với cùng kỳ giảm 14%; xuất sang Philippines ở mức 573 USD/tấn; Hàn Quốc 637,9 USD/tấn; Pakistan 596 USD/tấn; Bangladesh 640 USD/tấn.
Hiện tại, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sắt thép sang các nước Đông Nam Á, chiếm 57% tổng lượng sắt thép xuất khẩu của cả nước và chiếm 52,6% trong tổng kim ngạch với 1,93 triệu tấn, trị giá 1,33 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2017, xuất khẩu năm 2018 tăng trưởng mạnh 40,7% về lượng và tăng 59,1% về kim ngạch.
Được biết, trong tổng khối lượng sắt thép xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, 3 thị trường gồm Campuchia (chiếm 37%), Malaysia (20,2%) và Indonesia (19,2%) chiếm chủ yếu. Cụ thể, lượng sắt thép xuất sang Campuchia là 717.572 tấn, trị giá 462,73 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 49% về lượng và tăng 77,9% về kim ngạch. Giá xuất khẩu đạt 644,9 USD/tấn, tăng 19,4%.
|
Các thị trường xuất khẩu sắt thép chủ yếu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018 |
Tại thị trường Malaysia, sắt thép Việt Nam xuất khẩu cũng tăng mạnh cả về giá, lượng và kim ngạch với mức tăng tương ứng là 10,7%, 88,5% và 108,6%, đạt 391.607 tấn, trị giá 266,98 triệu USD. Tính ra, mức giá bình quân là 681,8 USD/tấn. Sắt thép xuất sang thị trường Indonesia tăng 8,8% về giá, đạt 792,8 USD/tấn. Con số này tăng 22,3% về lượng với 372.514 tấn và tăng 33% về kim ngạch, trị giá 295,33 triệu USD.
Sau khu vực Đông Nam Á, Hoa Kỳ được biết đến thị trường tiêu thụ sắt thép lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 15,6% trong tổng khối lượng xuất khẩu sắt thép của cả nước và chiếm 17,9% trong tổng kim ngạch với 532.779 triệu tấn, trị giá 452,81 triệu USD, tăng mạnh 71,6% về lượng và tăng 81,7% về kim ngạch. Giá xuất khẩu sắt thép sang thị trường này tăng 5,9%, đạt 850 USD/tấn.
Tuy chỉ chiếm 10% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước nhưng lượng xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang khối EU lại tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2017 với tỷ lệ tăng đạt 104,2%. Lượng sản phẩm xuất khẩu đạt 336.068 tấn và kim ngạch tăng 118,6%, đạt 274,5 triệu USD. Trong đó, chủ yếu là xuất sang Bỉ, chiếm 57% khối lượng và 54% kim ngạch.
Thế nhưng, 2 nhóm sản phẩm thép của Việt Nam xuất sang EU có nguy cơ bị áp thuế tự vệ. Đó là sản phẩm thép tấm mạ/tráng thiếc, crôm có mã HS: 7209 18 99, 7210 11 00, 7210 12 20, 7210 12 80, 7210 50 00, 7210 70 10, 7210 90 40, 7212 10 10, 7212 10 90, 7212 40 20, với tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam ở mức dưới 3%. Trường hợp sản phẩm này tăng trưởng mạnh trong những tháng tới sẽ có nguy cơ bị EU áp dụng biện pháp tự vệ chính thức sau ngày 3/2/2019.
Sản phẩm thép tấm mạ/tráng vật liệu khác (sơn, quét vécni, phủ plastic,…) có mã HS: 7210 70 80, 7212 40 80 với tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam đã vượt quá 3%, đối mặt nguy cơ cao bị EU áp dụng biện pháp tự vệ chính thức sau ngày 3/2/2019 nếu vẫn tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.