Nhiều người lo ngại tiến độ xây dựng sẽ chậm và giá nhà sẽ tăng khi áp mức thuế tự vệ đối với phôi thép.
Theo quyết định của Bộ Công Thương, mức thuế tự vệ tạm thời (dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung) đối với phôi thép là 23,3% và đối với thép dài là 14,2%, thời gian áp dụng không quá 200 ngày. Như vậy, sau những thông tin liên quan đến việc siết tín dụng thì nay mức thuế tự vệ này được dự báo sẽ khiến cho nhiều nhà thầu cũng như chủ đầu tư tính toán lại giá bán nhà.
Từ đầu năm đến nay, các dự án nhà ở trên địa bàn Tp.HCM xuất hiện khá nhiều. Giá thép nhảy múa cùng đà tăng của vật liệu xây dựng đang ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành xây dựng.
Điều này khiến một vài doanh nghiệp địa ốc khẳng định nếu tình hình này tiếp tục diễn biến phức tạp, giá nhà bán ra thị trường có sẽ tăng.
Giá nhà khi áp thuế tự vệ phôi thép? (ảnh minh họa)
Bên cạnh việc nguồn tín dụng đang co hẹp dần với ngành BĐS thì việc biến động của thị trường vật liệu xây dựng đang tạo một sức ép lớn về tài chính. Do đó, việc đảm bảo tiến độ xây dựng là điều không dễ. Đây cũng là lý do nhiều nhà thầu không muốn nhận thêm các công trình phải thi công phần móng, bởi đây là công đoạn phải sử dụng quá nhiều thép và VLXD khác.
Một nhà thầu đang triển khai dự án ở quận 9, Tp.HCM cho biết, sau một thời gian dài giá vật liệu xây dựng niêm yết ở mức thấp và có chiều hướng đi xuống, không nhà thầu nào tính toán đến việc dự trữ VLXD. Tuy vậy, đây lại là yếu tố quan trọng cấu thành nên giá thành phẩm.
Cũng theo nhà thầu này, trong tình hình này, hoặc là các đơn vị ngưng, hoặc giãn tiến độ dự án. Tuy nhiên đây lại là phương án tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà thầu nhỏ không có khả năng tốt về mặt tài chính. Nếu không chủ động được phương án nào thì cách tốt nhất là thi công cầm chừng và bắt buộc phải đàm phán lại với nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho biết, ở một giai đoạn nào đó, giá nhà có thể bị đẩy lên. Tuy nhiên, đối với các dự án đã hoàn thiện, mức giá ổn định vẫn chắc chắn được duy trì. Những dự án đang triển khai, có thể tùy giai đoạn thi công đến mức nào, phía chủ đầu tư sẽ có những bước tính toán phù hợp.
"Chúng tôi vừa qua cũng tính toán sẽ ứng trước tiền cho nhà cung cấp thép để giữ giá một số lượng lớn thép, với mức khoảng 30% tổng giá trị hợp đồng", ông nói.
Trước tình hình này, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành xây dựng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan để hạn chế, ngăn chặn việc đầu cơ, ôm hàng, đặc biệt là tình trạng tăng giá ảo.
Đồng thời các cơ quan, đơn vị cần tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, báo giá và thực hiện bán đúng giá của những đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) cho rằng, giá thép và những chi phí đầu vào của dự án BĐS đang bị biến động và có thể sẽ tác động đến giá nhà.
“Tuy nhiên giá nhà tăng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, đặc biệt là từ chủ dự án. Động thái biến động tăng giá thép này có làm tăng giá nhà hay không là điều chưa thể nói trước được khi mà biện pháp tạm thời này của Bộ Công Thương chỉ có hiệu lực ngắn tới tháng 10/2016”, ông nói.
Tại một số đại lý vậy liệu xây dựng lớn ở Tp.HCM, thép xây dựng ở mức giá là phổ biến 11,2 triệu đồng một tấn, các loại thép khác có mức giá 12,5-12,7 triệu đồng. Mức tăng phổ biến là 150.000- 250.000 đồng mỗi tấn.