Vài tháng gần đây, giá các loại kính trong lĩnh vực xây dựng tăng đột biến, có mặt hàng tăng tới 1,5 lần chỉ trong 1 tháng, khiến các doanh nghiệp gia công và người tiêu dùng không khỏi lo lắng.
Do thiếu hụt nguồn cung
Vật liệu kính đã và đang trở thành thiết yếu trong các công trình kiến trúc xây dựng hiện đại. Kính mang lại vẻ đẹp thuần khiết, sự sang trọng và an toàn cho các công trình. Có thể nhận thấy sự hiện diện của kính trong tất cả các kiến trúc nội, ngoại thất hiện đại.
Nhưng theo một chủ cửa hàng gia công kính trên đường Nguyễn Xiển - Hà Nội cho biết, cách đây một tháng, giá kính nổi được mua khoảng 320.000 đồng/m2, nay đã tăng lên hơn 400.000 đồng/m2. Tổng cộng một tháng qua, giá đã tăng khoảng 4 lần, lúc đầu còn tăng 2-3%/lần, nhưng những lần sau đều từ 15-20%/ lần.
Nhu cầu sử dụng kính xây dựng hiện nay là rất lớn
Hiện nay cả nước có 4 nhà máy sản xuất kính xây dựng, với công suất 2.200 tấn/ngày. Tuy nhiên, cách đây khoảng 2 tháng, nhà máy kính Tràng An đã dừng sản xuất để sữa chữa, bảo dưỡng, đại tu thiết bị, khiến nguồn cung trên thị trường bị thiếu hụt cục bộ khoảng 300 tấn kính/ngày từ nhà máy này. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng mặt hàng kính xây dựng đang tăng cao, do các dự án bất động sản đang dần phục hồi, nguồn cung không đủ cầu, khiến giá kính có dịp tăng cao đột biến.
Đại diện Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại, việc thiếu hụt nguồn cung vẫn sẽ diễn ra trong thời gian tới. Giá kính xây dựng cũng khó có thể quay trở về giá ban đầu bởi nhà máy sản xuất kính Tràng An hiện vẫn chưa biết khi nào có thể sản xuất trở lại.
Tự động tăng giá kiếm lời
Theo các chuyên gia, ngoài nguyên nhân thiếu hụt nguồn cung từ nhà máy kính Tràng An, một số nhà máy sản xuất kính cũng nhân dịp này tăng giá bán kiếm lời, chiếm khoảng 14% thị phần.
Một số công ty sản xuất kính khác đã tăng giá bán đầu nguồn, trong đó có công ty đã tăng giá bán từ cuối tháng 6/2016 với mức tăng trung bình 20-30% so với trước đó, hiện dao động 113.000 - 358.000 đồng/m2 (tùy độ dày của kính).
Theo các đại lý phân phối kính, việc một số công ty trong nước tăng giá bán kính đầu nguồn rất vô lý, vì một loạt chi phí đầu vào như lãi suất, dầu FO, gas... đều không tăng thời gian qua. Do đó nếu nguồn cung trong nước tiếp tục tăng giá, phương án nhập khẩu kính sẽ được tính đến, bất chấp thuế suất nhập khẩu kính từ Trung Quốc hiện nay lên đến 35%. Bởi sau khi trừ các chi phí, giá kính nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ bằng, thậm chí còn thấp hơn giá kính sản xuất trong nước so với lúc chưa tăng giá. Nên nếu trong nước giá kính vẫn tăng mạnh như hiện nay thì phương án nhập khẩu gần như là chắc chắn.
Một chuyên gia về kính cho biết thêm: Việc nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu sử dụng vẫn rất lớn khiến cho việc tăng giá kính chưa biết rõ điểm dừng. Về yếu tố chủ quan, đây là mặt hàng có tính độc quyền khá cao nên nhà cung cấp thì cứ tăng còn các đơn vị phân phối, sử dụng vẫn phải chấp nhận để đảm bảo cho các thiết kế và công trình, trong khi không hề có tin tức hay thông báo gì từ các cơ quan chức năng về thị trường. Các chuyên gia cho rằng, sắp tới giá kính cũng nên được xem xét đưa vào khung bình ổn giá như giá xăng dầu hay giá vàng, để người sử dụng yên tâm và sử dụng kính nhiều hơn, tăng thêm vẻ đẹp cho các công trình và thân thiện hơn với môi trường.