Nếu đóng cửa các nhà máy nghiền, trộn sẽ khiến giá xi măng tăng, người dân TP HCM mỗi năm mất gần 1.000 tỉ đồng.
Ông Ngô Minh Lãng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1), đã nói như vậy tại hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Quy hoạch vật liệu xây dựng (VLXD) TP HCM năm 2020, định hướng 2030 tổ chức tại Sở Xây dựng TP HCM sáng 21-4.
Theo ông Lãng, việc Sở Xây dựng đề xuất năm 2020 TP phải di dời tất cả nhà máy, trạm nghiền, trạm trộn xi măng và chỉ thành lập các kho trung chuyển là không khả thi. Bởi mỗi năm, TP sử dụng đến 4,8 triệu tấn xi măng để phục vụ công trình xây dựng. Trong khi đó, các mỏ đá vôi phần lớn lại nằm ở các tỉnh miền Bắc. Gần TP HCM chỉ có Tây Ninh, Bình Phước nhưng ở đây muốn khai thác phải đào xuống lòng đất tốn nhiều chi phí mà chất lượng lại kém.
Trạm nghiền Phú Hữu của Xi măng Hà Tiên ở TP HCM
Nếu chuyển 4,8 triệu tấn xi măng thành phẩm từ miền Bắc vào miền Nam chỉ có thể sử dụng đường thủy và cần 22 tàu chuyên dụng với phí đầu tư 1 triệu USD. “Nhưng, thực tế hiện nay chỉ có một doanh nghiệp là Công ty CP Xi măng Nghi Sơn có cảng biển chuyện dụng và 5 tàu với công suất 10 tấn trở lên” - ông Lãng phân tích.
Cũng theo ông, nếu áp dụng cách làm như vậy chi phí vận chuyển tăng thêm 400.000 đồng/tấn, làm tăng giá thành và người dân TP tốn gần 1.000 tỉ đồng/năm.
Ông Lãng cho biết hiện TP chưa có cảng chuyên dụng với ống hút bụi cho nên việc vận chuyển nguyên liệu làm xi măng chỉ nhập vào cảng Cát Lái. Quy trình bốc dỡ từ xà lan bằng cần cẩu bình thường làm bụi bay mù mịt.
Do đó, thay vì “trục xuất” các nhà máy sản xuất nên áp dụng công nghệ hiện đại kiểm soát ô nhiễm bụi và đưa các xe chuyên dụng vận chuyển xi măng từ nhà máy vào các công trình.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, đánh giá cao những ý kiến của ông Lãng và cho biết tuần tới đến trực tiếp một số nhà máy sản xuất xi măng ghi nhận tình hình thực tế. Từ đó có những điều chỉnh phù hợp trước khi có kết luận chính thức về Quy hoạch ngành sản xuất, phân phối VLXD ở TP.
Hiện TP HCM có 8 doanh nghiệp sản xuất xi măng với 9 trạm nghiền, trong đó 3 nhà máy không hoạt động trong khu công nghiệp. Theo đề xuất của Sở Xây dựng TP, tất cả đều không được hoạt động trong TP và phải dời ra các tỉnh lân cận.