Sở GTVT TP.HCM vừa báo cáo UBND TP.HCM về dự án Vành đai 4, đoạn qua địa bàn TP. Theo đó, Sở đề xuất bổ sung nghiên cứu 3 phương án hướng tuyến mới nhằm giảm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư dự án.
Đường Vành đai 4 TP.HCM dài khoảng 199km. Trong đó, đoạn đi qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 18km, Đồng Nai 45km, Bình Dương 49km, TP.HCM 17km, Long An 71km. Quy mô 8 làn xe, điểm đầu giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), điểm cuối tại cảng Hiệp Phước (TP.HCM). Dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 100.000 tỷ đồng, đầu tư trước năm 2030.
Dự án đóng vai trò quan trọng trong liên kết vùng, tạo mạng lưới giao thông liền mạch nối qua các cao tốc, quốc lộ, sân bay, đặc biệt kết nối Khu đô thị cảng Hiệp Phước ở phía Nam Sài Gòn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.
|
Hướng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM |
Các địa phương thống nhất cuối năm 2022 sẽ hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tiến tới quyết định chủ trương đầu tư tháng 3/2023. Đến năm 2024 sẽ chọn nhà đầu tư để khởi công dự án. Công trình dự kiến thi công trong 3 năm và khai thác, thu phí hoàn vốn từ quý 1/2028.
Địa phương có dự án đi qua sẽ phối hợp hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vào tháng 12/2022. Với đoạn 17km đường Vành đai 4 đi qua TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM cho biết đã phối hợp với Sở GTVT các địa phương thống nhất hướng tuyến tại vị trí tiếp giáp tỉnh Bình Dương (cầu Phú Thuận vượt sông Sài Gòn), tiếp giáp tỉnh Long An (cầu kênh Thầy Cai), đồng thời nghiên cứu bổ sung 3 phương án mới để giảm khối lượng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, giảm chi phí đầu tư dự án.
Cụ thể, các phương án bổ sung được đề xuất như sau:
Phương án 1: Cơ bản trùng với hướng tuyến quy hoạch Vành đai 4, dài 17,35km, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 17.800 tỷ đồng; giai đoạn hoàn thiện hơn 26.000 tỷ đồng. Một nửa lộ trình đi trùng các đường hiện hữu, diện tích thu hồi đất ít, nhưng số hộ di dời nhiều nên chi phí bồi thường cao (10.700 tỷ đồng). Việc kết nối giao thông dọc tuyến cũng được đánh giá không thuận lợi ở một số vị trí.
Phương án 2: Nắn chỉnh đoạn 9,7km đầu về phía Nam 0-160m, tránh đường Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành hiện hữu; đoạn tiếp dài 3,7km nắn về phía Nam 0-120m, tránh đường Trung Viết, Cao Thị Bèo hiện hữu; đoạn còn lại trùng tim quy hoạch.
Chiều dài tuyến là 17,29km, vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 13.800 tỷ đồng; giai đoạn hoàn thiện khoảng 22.300 tỷ đồng. Phương án này tránh các đường hiện hữu, ít hộ di dời, chi phí giải phóng mặt bằng thấp; không ảnh hưởng nối kết giao thông khu vực.
Phương án 3: Nắn chỉnh đoạn 14,1km tuyến về phía Nam 0-1.300m, tránh các đường hiện hữu. Đoạn 2,5km còn lại trùng tim quy hoạch. Tuyến dài 16,75km, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 13.600 tỷ đồng; giai đoạn hoàn thiện hơn 22.000 tỷ đồng. Đây cũng là phương án tránh xa các đường hiện hữu, ít hộ phải di dời, chi phí giải phóng mặt bằng thấp.
Sở GTVT TP.HCM kiến nghị UBND TP chỉ đạo thống nhất hướng tuyến tiến tới xin ý kiến Bộ GTVT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch hướng tuyến Vành đai 4 và cập nhật vào đồ án quy hoạch chung của TP.HCM.
Lam Giang (TH)
Link bài viết gốc
https://thanhnienviet.vn/2022/11/11/bo-sung-nghien-cuu-3-huong-tuyen-duong-vanh-dai-4-doan-qua-tp-hcm