Từ năm 2009 đến nay, Đắk Lắk đã thu hồi đến 102 dự án chậm tiến độ, dự án 'treo' gây lãng phí và thất thoát hàng trăm tỷ đồng tiền thuê đất của Nhà nước. Đáng nói là, địa phương này hiện vẫn còn hàng chục dự án 'trùm mền' trên các khu 'đất vàng' khiến dư luận bức xúc.
Trung tâm Thương mại Phú Xuân là dự án nằm ngay trung tâm TP (P.Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) có chủ đầu tư là Cty TNHH Phú Xuân. Công trình được triển khai xây dựng từ năm 2006 với tổng mức đầu tư khoảng 290 tỷ đồng, quy mô gồm khách sạn 14 tầng, các văn phòng cho thuê và siêu thị 3 tầng. Về cơ bản, phần thô của dự án đã hoàn thiện. Song, từ năm 2012 đến nay, với kiểu thi công ì ạch không hẹn ngày hoàn tất nên đã xuất hiện tình trạng rêu phong, bong tróc,...
Dự án Trung tâm thương mại Phú Xuân thi công chậm tiến độ gây mất mỹ
quan đô thị. (Nguồn ảnh: QA).
Tọa lạc trên đường Nguyễn Tất Thành (TP Buôn Ma Thuột), dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa Thương mại, dịch vụ tổng hợp Đắk Lắk Center có chủ đầu tư là Cty Cổ phần đầu tư Cao Nguyên, tổng diện tích đất thuê là 3.385m2 và số tiền khoảng 383 tỷ đồng cũng rơi vào tình trạng tương tự. Dự kiến đến hết tháng 3/2016 công trình phải hoàn thành với quy mô 19 tầng, tuy nhiên đến tháng 11/2015, dự án chỉ mới xây dựng được tầng hầm và 4 tầng nổi. Công trình hiện đã ngừng thi công mặc dù trước đó nhà đầu tư đã được UBND tỉnh cho gia hạn nhiều lần.
Dự án Trung tâm Văn hóa Thương mại, dịch vụ tổng hợp Đắk Lắk đã dừng
xây dựng trong thời gian dài. (Nguồn ảnh: QA).
Bên cạnh đó còn có Bãi đậu xe phía Bắc do Hợp tác xã Vận tải số 1 làm chủ đầu tư thuê diện tích đất xấp xỉ 4.000m2 tại đường Hà Huy Tập (Tân Lợi). Từ năm 2010 dự án này đã được UBND TP phê duyệt, song đến nay chỉ mới xây dựng tường rào bao quanh khu đất dự án. Vì gặp khó khăn trong thực hiện bồi thường, GPMB và khả năng tài chính nên chủ đầu tư hiện không còn nguyện vọng triển khai tiếp và đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi và xin được hoàn trả các khoản chi phí đã đầu tư.
Tại Đắk Lắk hiện vẫn còn rất nhiều công trình trong khu 'đất vàng' với diện tích hàng chục hec ta chậm tiến độ hoặc đang trong tình trạng 'đắp chiếu' nằm chờ gây lãng phí và bức xúc dư luận. Chẳng hạn như Khu đô thị Suối Xanh của Cty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, Dự án trồng cao su ở huyện Ea H’leo 438 ha; Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng quốc tế Ea Tam của Cty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Từ Nguyên gần 49ha, Khu du lịch thác Krông Kmar ở huyện Krông Bông 25 ha…
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại (Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Đắk Lắk) ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các chủ đầu tư chậm tiến độ khi xây dựng các công trình như do năng lực tài chính của nhà đầu tư không đảm bảo được nguồn vốn thực hiện dự án trong giai đoạn ngân hàng thắt chặt tín dụng; các dự án chưa hoàn thành GPMB để triển khai đầu tư; hay nhà đầu tư chưa phối hợp tốt với tỉnh, mặt khác do các quy định về đất đai, GPMB, đền bù chưa thực sự phù hợp với giá đất đai trên thị trường. Tình hình kinh tế khó khăn cũng là một lý do khiến các nhà đầu tư xét thấy khả năng phát triển thị trường trong tương lai gần là không lớn nên bỏ cuộc.
Trước thực trạng trên, một số ý kiến lo ngại rằng, có những chủ doanh nghiệp, đơn vị không có khả năng đầu tư vào sản xuất kinh doanh nhưng lợi dụng cơ chế thu hút đầu tư của tỉnh để xí phần, về sau tìm cách sang nhượng kiếm lời gây lãng phí tài nguyên đất và thất thu ngân sách Nhà nước. Ông Thắng cho rằng, rất khó phát hiện và xử lý tình trạng sang nhượng này.
Từ năm 2009 đến nay, để xử lý tình trạng dự án chậm tiến độ, dự án treo, UBND tỉnh đã có chủ trương thu hồi 102 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Sở Kế hoạch Đầu tư đã chủ trì cùng các sở, ngành liên quan tiếp tục đề xuất UBND tỉnh thu hồi thêm 25 chủ trương dự án và đề nghị ký quỹ cam kết triển khai đối với 12 dự án trong tháng 10/2015.