Hà Nội đang hoàn thiện quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, đồng thời xây dựng cơ chế đầu tư thực sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư mạnh...
Hà Nội đang hoàn thiện quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, đồng thời xây dựng cơ chế đầu tư thực sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư mạnh, nhằm xây dựng tuyến đường hiện đại bậc nhất Thủ đô.
Tuyến đường dài 12,1km đi qua các xã Vĩnh Ngọc, Tàm Xá, Hải Bối, Xuân Canh, Vân Nội, Tiên Dương, Bắc Hồng, Nguyên Khê và thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) và các xã Phú Minh, Mai Đình, Phủ Lỗ (huyện Sóc Sơn). Việc xây dựng hai bên tuyến đường gắn liền với Trung tâm dịch vụ hàng không, hậu cần gắn với sân bay Nội Bài; Trung tâm hội chợ triển lãm thương mại quốc tế; Trung tâm giáo dục, khoa học, y tế, văn hoá; Trung tâm tài chính giao dịch quốc tế; các khu nhà ở cao cấp, làng xóm đô thị hoá; khu làng văn hoá ASEAN.
Về phương án kiến trúc, điểm nhấn cảnh quan kiến trúc của tuyến đường nói riêng cũng như toàn khu đô thị phía bắc sông Hồng là khu vực Trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng Phương Trạch, được bố trí tại vị trí nút giao tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài với tuyến đường 5 kéo dài. Phía bắc cầu Nhật Tân có công trình dự kiến cao 100 tầng. Tại khu vực này, dự kiến bố trí một số bảo tàng, thư viện, tháp tài chính mang tính biểu tượng của Thủ đô.
Hệ thống trung tâm công cộng được bố trí trên tuyến đường theo tính chất của mỗi phân đoạn. Phân đoạn 1: Tính chất là khu đô thị cửa ngõ, bố trí các công trình như Trung tâm triển lãm nông nghiệp, nông sản, Trung tâm thương mại dịch vụ, khu nông nghiệp sinh thái công nghệ cao. Phân đoạn 2: Tính chất là khu đô thị quốc tế, bố trí các công trình như Trung tâm triển lãm thương mại, dịch vụ; khu tổ hợp văn phòng thương mại; Trung tâm đào tạo, y tế ASEAN, Trung tâm văn hóa, làng ASEAN, nhà ở mới hiện đại.
Phân đoạn 3: Tính chất là khu đô thị biểu tượng bố trí các công trình như Triển lãm thương mại, tài chính ngân hàng mang tính biểu tượng, công trình cao đến 100 tầng. Phân đoạn 4: Tính chất là khu đô thị sinh thái (đô thị nước), bố trí các công trình như triển lãm văn hóa, thương mại, khu đô thị nước... các công trình thấp tầng phù hợp cảnh quan khu vực giáp sông Hồng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ khẳng định vị trí khu Trung tâm tài chính, Trung tâm hội chợ, triển lãm, văn hóa, thương mại, dịch vụ và các khu trung tâm chức năng thích hợp khác; thống nhất đề xuất chuyển tuyến Quốc lộ 18 lên phía bắc của sân bay Nội Bài, tuyến cũ sẽ sử dụng là đường nội bộ.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, quy hoạch chi tiết trục Nhật Tân-Nội Bài đảm bảo tính khả thi về đầu tư, sử dụng đất có hiệu quả, đảm bảo cảnh quan môi trường; cho phép UBND thành phố Hà Nội chủ trì xây dựng cơ chế đặc thù để triển khai nhanh và hiệu quả các dự án trong quy hoạch...
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hai bên tuyến đường, Sở KH&ĐT Hà Nội đề xuất đối với các dự án thành phần phát triển đô thị có quy mô từ 20ha đến dưới 100 ha và từ 100 ha trở lên đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho UBND thành phố Hà Nội thẩm định, phê duyệt để rút ngắn thời gian thực hiện...
Về xây dựng cơ chế phát triển đô thị hai bên tuyến đường, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, có 2 vấn đề quan trọng nhất cần làm đó là phải xác định rõ năng lực tài chính và đề xuất hiệu quả nhất của nhà đầu tư. Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu cơ quan chức năng sớm hoàn thiện cơ chế đặc thù đầu tư các dự án thành phần hai bên tuyến đường để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo TP