Ngày 13/12 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã họp với các sở, ngành và địa phương liên quan xác định hướng tuyến và vị trí đặt nhà ga tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên nối dài đến thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.
Thực tế, tuyến Metro số 1 từ Bến Thành là ga đầu đến ga cuối là Suối Tiên thuộc quận 9, Tp.HCM. Sau đề suất của hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, được sự đồng ý về chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải, tuyến Metro số 1 sẽ kéo dài đến nút giao ranh giới giữa tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Ga cuối theo kế hoạch sẽ đặt tại khu vực ngã tư Vũng Tàu.
UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, theo quy hoạch điều chỉnh phát triển giao thông vận tải Tp.HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, tám tuyến Metro của Tp.HCM sẽ kết nối với các đô thị vệ tinh trong vùng như Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tân An.... Trong đó, TP sẽ nghiên cứu đầu tư kéo dài tuyến Metro số 1 dọc theo trục Quốc lộ 1 từ Suối Tiên đến Amata, TP. Biên Hòa.
Dự án được kỳ vọng đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu đi lại của người dân
Hiện nay, TP. Biên Hòa có trên 1 triệu dân. Biên Hòa còn có nhiều khu công nghiệp như Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Amata, Loteco cùng hàng trăm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, việc đặt nhà ga tuyến Metro số 1 nối dài đến TP. Biên Hòa, Đồng Nai tại khu vực vòng xoay ngã tư Vũng Tàu là phương án hợp lý.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Đồng Nai cùng các sở, ngành cũng đã thống nhất đặt nhà ga Metro số 1 nối dài tại bến xe ngã tư Vũng Tàu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh giao Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai nhanh chóng xây dựng kế hoạch kết nối phương tiện xe buýt từ trung tâm TP đến ngã tư Amata, ngã tư Vũng Tàu nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân khi tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đi vào hoạt động.
Ông Trần Văn Vĩnh đồng thời yêu cầu các đơn vị cần sớm làm việc với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương để hống nhất hướng tuyến từ địa bàn Bình Dương qua Đồng Nai, đảm bảo phương án tốt nhất kết nối giao thông liên vùng.
Theo nhóm nghiên cứu, thời gian thi công nút giao từ nhà ga Suối Tiên đến Dĩ An, Bình Dương mất khoảng 3 năm. Nếu dự án bắt đầu triển khai từ năm 2019 thì tuyến này sẽ hoàn thành vào năm 2021.