Mỹ Đình Pearl, dự án tổ hợp gồm khách sạn 5 sao, văn phòng và căn hộ cao cấp, sau nhiều năm bỏ hoang đã chuyển hướng sang xây sân tập golf kinh doanh trong thời gian chuẩn bị cho công tác đầu tư.
|
Mỗi ngày có khoảng 200 khách đến tập tại sân tập golf Mỹ Đình Pearl. |
Mỹ Đình Pearl là dự án được cấp phép cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Năm 2010, nhà đầu tư đã thành lập Công ty CP BĐS Dầu khí Việt Nam (SSG) để triển khai dự án, trong đó có 5 cổ đông lớn là: PVN, Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), Công ty CP bảo hiểm dầu khí (PVI), Ngân hàng Đại dương (OceanBank) và Công ty CP tập đoàn SSG.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành dầu khí sau đó đã dần thoái vốn khỏi dự án này.
Diện tích đất theo quy hoạch của dự án Mỹ Đình Pearl là 3,8 ha với quy mô 2 khối nhà cao tầng, gồm 666 căn hộ cao cấp, 1 khách sạn 5 sao với 500 phòng tiêu chuẩn và một khối văn phòng hạng A. Mỹ Đình Pearl được xây dựng tại lô đất CV4.3 thuộc khu công viên văn hóa thể thao Tây Nam của phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Dù đã được triển khai thực hiện cách đây 5 năm, nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành được phần móng. Trước tình hình đó, nhà đầu tư đã tiến hành xây dựng khu sân tập golf với mục đích kinh doanh nhằm chống xảy ra tình trạng lấn chiếm, đồng thời, đảm bảo được vấn đề vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng sân tập golf trong dự án Mỹ Đình Pearl đã bị UBND quận Nam Từ Liêm xử phạt hành chính vì xây sai mục đích được cấp phép.
Nhằm khắc phục sai phạm trên, SSG đã gửi UBND TP. Hà Nội bản đề xuất cho phép thực hiện giải pháp tạm để chống việc lấn chiếm mặt bằng cũng như bảo vệ cảnh quan môi trường xung quanh khu đất dự án. Đề xuất của chủ đầu tư đã nhận được sự đồng ý từ phía TP. Hà Nội. Theo đó, SSG được phép xây dựng sân cỏ để phục vụ nhu cầu thể thao dưới sự hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội về các thủ tục chuyển đổi.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó phòng Kinh tế kế hoạch của dự án cho hay, mong muốn của nhà đầu tư là triển khai dự án càng sớm càng tốt, song, Mỹ Đình Pearl hiện vẫn chưa hoàn tất các thủ tục liên quan đến việc đầu tư để thực hiện thi công. Chủ đầu tư chưa thể ra quyết định cuối cùng vì đang ở trong tình trạng chờ đợi thủ tục và các ngành liên quan cho ý kiến chỉ đạo.
Có một điều đáng lưu ý là, trong khi chờ đợi các thủ tục pháp lý được hoàn thành, thì SSG đã phải nộp đến tầm 7 tỷ đồng tiền thuê đất mỗi năm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể hoàn thành được các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án, vậy nên, sẽ cũng khó có thể xác định được thời gian cụ thể để khởi công lại dự án, vị đại diện này cho biết thêm.
Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính