Hàng loạt dự án vốn đầu tư hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỉ USD rầm rộ công bố khởi công cách nay vài năm, trở thành niềm tự hào thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các địa phương đến nay vẫn... nằm im.
Hàng loạt dự án vốn đầu tư hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỉ USD rầm rộ công bố khởi công cách nay vài năm, trở thành niềm tự hào thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các địa phương đến nay vẫn... nằm im.
Cuối năm 2007, Công ty CP đô thị du lịch Cần Giờ (CTC) đã rầm rộ khởi công khu đô thị biển Saigon Sunbay - Vịnh mặt trời tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Dự án có diện tích đến 600 ha, trong đó có 200 ha biển nội bộ và bãi tắm, 400 ha dùng để xây dựng các công trình dịch vụ du lịch và khu dân cư cao cấp, với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 8.500 tỉ đồng, tương đương 526 triệu USD. Tham vọng của chủ đầu tư là sẽ xây dựng Saigon Sunbay thành một khu đô thị phục vụ cho khoảng 33.000 cư dân và du khách, trở thành điểm du lịch tiêu biểu của cả nước. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn án binh bất động.
Niêm phong bãi biển
Ông Lê Văn Thơm, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ thừa nhận, hiện dự án vẫn còn nguyên, chưa làm gì, thậm chí còn đang chỉnh sửa quy hoạch 1/500. "Tiến độ rùa" nhưng vì vượt thẩm quyền của huyện, nên hiện nay huyện vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo của các sở, ngành để giải quyết. “Do dành đất cho chủ đầu tư làm dự án, nên khu vực bãi biển này mấy năm nay người dân không thể nuôi trồng thủy sản được. Người làm dịch vụ du lịch cũng bị thất thu bởi khu bãi biển đã bị niêm phong”, ông Thơm cho hay.
Người dân cảm thấy xót xa khi chứng kiến khu đất rộng hơn 30 ha, mặt tiền đường Võ Văn Kiệt, ngay cửa hầm chui Thủ Thiêm phía quận 2 bỏ hoang mấy năm nay. Trước đó vào tháng 9.2009, đã diễn ra một lễ khởi công “hoành tráng” và tuyên bố sẽ xây dựng 10 khối nhà cao từ 20-25 tầng gồm 4.200 căn hộ có diện tích từ 60,2 - 102 m2, với tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng, hoàn thành và bàn giao căn hộ cho người dân vào cuối năm 2011 hoặc đầu 2012...
Một dự án gây “choáng” khác là Richland Hill (đường Lê Văn Việt, P.Hiệp Phú, Q.9, TP.HCM) do Công ty CP Hiệp Phú Thịnh và DNTN thương mại và dịch vụ Hào Quang cùng làm chủ đầu tư, với số vốn được công bố lên đến 150 triệu USD. Tại thời điểm khởi công vào tháng 8.2007, đây được xem là dự án “đỉnh” của thành phố, là dự án đầu tiên tại Việt Nam được thiết kế theo phong cách nhà cao tầng có sân vườn treo trên cao. Chủ đầu tư công bố, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào năm 2011. Nhưng đến thời điểm này, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống được rào chắn khá cẩn thận, không thấy bóng dáng công nhân thi công. Những người dân sống gần dự án này cho hay, sau ngày khởi công rầm rộ, đến nay dự án không có động tĩnh gì. Toàn bộ công nhân đã rút đi hết.
“Giải tỏa thì giải tỏa đại đi”
Năm 2007, UBND TP.HCM cấp giấy phép đầu tư cho Công ty GS E&C (Hàn Quốc) để triển khai dự án GS Metrocity (thuộc hai xã Nhơn Đức và Phước Kiển, huyện Nhà Bè). Tại thời điểm đó, cùng với khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7), khu đô thị - cảng Hiệp Phước (Nhà Bè), GS Metrocity là một trong ba khu đô thị lớn của thành phố. Dự án có diện tích hơn 349 ha, trong đó các khu dân cư chiếm trên 155 ha với vốn đầu tư được công bố khoảng 3.000 tỉ đồng, tương đương với 189 triệu USD. Đã 5 năm trôi qua, tiến độ của dự án mới chỉ dừng ở việc bơm cát san nền một góc nhỏ, phần lớn diện tích còn lại của dự án vẫn là những khu đầm lầy, dừa nước, lau sậy um tùm. Thậm chí người dân vẫn còn sống ở đây và nuôi trồng thủy sản. Theo một lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè, hiện dự án vẫn chưa xong khâu giải phóng mặt bằng nên cũng chưa biết khi nào mới bắt đầu thi công.
Cũng đã 5 năm, dự án khu đô thị Nguyễn Cư Trinh (Q.1) của Công ty Bitexco vẫn chưa xong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng. Khu đất triển khai dự án rộng 8 ha, tại khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh là một trong số 20 khu đất vàng được thành phố mang ra đấu giá từ năm 2007 nhưng hiện đa số người dân đều chưa biết gì về phương án đền bù, giải phóng mặt bằng. Thực tế cho thấy, hiện dự án vẫn chưa làm gì. Ông Bùi Văn Đồng, ở 168/23 tổ 100 Mả Lạng, đường Nguyễn Cư Trinh, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1 cho hay, phường đã gọi người dân lên họp, nói khu đất sẽ dùng để triển khai dự án, nhưng phương án đền bù, giá cả như thế nào, tái định cư ở đâu vẫn chưa công bố. “Giải tỏa thì giải tỏa đại đi cho dân biết chứ nhà cửa hư hại mà không được sửa sang gì hết. Người dân rất hoang mang vì không biết đi, ở thế nào. Trong hồ sơ kê khai, gia đình để nguyện vọng là được tái định cư, nhưng chưa biết sẽ ở đâu”, ông Đồng bức xúc.
"Thâm niên" cũng gần 5 năm, khu đô thị Happy City (huyện Bình Chánh) do Tổng công ty xây dựng số 1 làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư lên đến 9.600 tỉ đồng vẫn đang trong tình trạng hoang hóa. Hay tại dự án Gia Định Plaza do Công ty Giditex và Công ty GDI hợp tác đầu tư, sau ngày khởi công rầm rộ vào tháng 12.2010, thì đến nay dự án vẫn chưa làm gì nhiều.
Có thể thấy, các dự án tuyên bố, dự án bất động, dự án "tiến độ rùa" có mặt ở khắp nơi trên địa bàn TP.HCM đang gây lãng phí và khốn khó cho người dân.
Hủy bỏ dự án 1,3 tỉ USD
Năm 2008, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp phép cho Công ty TNHH Good Choice USA - Việt Nam triển khai xây dựng Vungtau Wonderful World Theme Park (Bàu Trũng, TP.Vũng Tàu), rộng hơn 140 ha, với số vốn đầu tư lên đến 1,3 tỉ USD. Dự án gồm các hạng mục như khu khách sạn 5 sao với 2.500 phòng, 4 cụm khách sạn 4 sao với 4.000 phòng... tuy nhiên đến nay dự án này vẫn chưa triển khai. Theo ông Đặng Như Đạt, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Vũng Tàu, sau khi "ngâm" quá lâu, chủ đầu tư đã bỏ trốn, không thể liên lạc được nên tỉnh đã ra quyết định thu hồi hủy bỏ dự án.
|
(Theo Thanh Niên)