Cơ quan chức năng đang nghiên cứu xây dựng kéo dài tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông thêm khoảng 20km theo hướng QL6 và bố trí khu depot tại Xuân Mai.
Báo cáo việc thực hiện chính sách phát triển giao thông đường sắt cũng như sử dụng ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này vừa được Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội.
Theo quy hoạch được duyệt, TP. Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị khu vực trung tâm. Tổng chiều dài các tuyến là 305km. Bộ GTVT đã được Chính phủ chỉ đạo đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi (đường sắt đô thị số 1) giai đoạn 1 và tuyến Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A). Trong khi đó, 2 tuyến gồm Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (tuyến số 2) và Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3) sẽ được đầu tư xây dựng bởi TP. Hà Nội.
Báo cáo của Chính phủ cho biết: "Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay dự án chưa được đưa vào khai thác".
|
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được nghiên cứu kéo dài thêm khoảng 20km. Trong ảnh: Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông nằm ở ga. (Ảnh: Giang Huy) |
Cũng theo báo cáo trên, hiện cơ quan chức năng đang nghiên cứu xây dựng kéo dài các tuyến đường sắt nhằm nối kết với đô thị vệ tinh và quy hoạch một số tuyến tàu điện 1 ray để hỗ trợ, khai thác tốt hơn cho toàn hệ thống đường sắt đô thị.
Cụ thể, tuyến Nhổn - ga Hà Nội sẽ kéo dài 30km tới đô thị vệ tinh Sơn Tây theo hướng QL32, đặt depot tại Sơn Tây. Tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được nghiên cứu kéo dài khoảng 9km từ Nội Bài tới Trung Giã (Sóc Sơn). Dự kiến, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ kéo dài thêm khoảng 20km tới thị trấn Xuân Mai, theo hướng QL6, đặt khu depot ở Xuân Mai.
Những tuyến tàu điện 1 ray đã được quy hoạch bao gồm: Tuyến Liên Hà - Tân Lập - An Khánh (tuyến số 1) dài khoảng 11km; Mai Dịch - Mỹ Đình - Văn Mỗ - Phúc La, Giáp Bát - Thanh Liệt - Phú Lương (tuyến số 2) với chiều dài khoảng 22km; Nam Hồng - Mê Linh - Đại Thịnh (tuyến số 3) dài khoảng 11km.
Hiện tại, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài khoảng 14km. Hồi tháng 10/2008, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án với tổng vốn đầu tư trên 8.700 tỷ đồng, tương đương 552 triệu USD.
Tuy nhiên, dự án trong quá trình thực hiện đã được điều chỉnh vốn lên mức 18.000 tỷ đồng, tương đương 868 triệu USD. Từ tháng 9/2018, công trình đã được vận hành thử toàn hệ thống. Thế nhưng, các thủ tục đánh giá an toàn, nghiệm thu dự án vẫn chưa được hoàn thành để đưa vào khai thác thương mại.
|