Dự án mở rộng đường Trường Chinh (Hà Nội) nếu đúng kế hoạch sẽ phải hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên, dù đã tiêu tốn hơn 2.000 tỷ đồng nhưng con đường này vẫn chưa đâu vào đâu khi mà tiến độ đã vượt quá gần 1 năm.
Dự án bắt đầu từ nút giao Vương Thừa Vũ, kết thúc là điểm giao với đường Giải Phóng, có chiều dài 1,9 km, rộng từ 53,5-57,5m.
Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành thu hồi đất của các hộ dân và doanh nghiệp trong năm 2013. Tiếp đó, trong tháng 9/2013, các nhà thầu thi công đoạn đường bắt đầu từ nút giao Tôn Thất Tùng đến cầu sông Lừ dài 700m và cầu qua sông Lừ dài 99m. Phần còn lại sẽ triển khai trong năm 2014, hoàn thành tuyến đường vào năm 2015.
Theo đó, tổng diện tích phải thu hồi phục vụ dự án là hơn 117.000m2. Quận Thanh Xuân thực hiện thu hồi 49.000m2 với 170 hộ dân, 8 cơ quan. Quận Đống Đa thực hiện thu hồi hơn 68.000m2 đất tương ứng với 438 hộ dân, 27 cơ quan.
Như vậy, sẽ có hơn 600 hộ dân nằm trong diện tái định cư theo dự án này. Quãng đường 1,98km của dự án cũng có tổng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng lên đến hơn 2.000 tỷ đồng.
Dự án mới chỉ di dời được 1/2. Phần đất GPMB này trước đó là vỉa hè
của đường Trường Chinh cũ (Ảnh: Kiên Trung)
Hiện nay, dù đã là những tháng cuối năm 2016, dự án đường Trường Chinh vẫn chưa thành hình.
Giai đoạn này, tuyến đường mới được hoàn thành từ điểm giao ngã tư Tôn Thất Tùng - Trường Chinh kéo dài qua cầu sông Lừ, bắt đầu từ điểm đối diện Viện Thú y (số 74, đường Trường Chinh cũ) đến ngã tư Vọng không có dấu hiệu được xây dựng.
Có đến hàng trăm mét đường chưa giải phóng xong mặt bằng đã được đơn vị thi công dùng bê tông xếp hàng dài làm dải phân cách, uốn lượn theo hình chữ S. Con đường này hiện có đến 3 khúc cong, trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông, nhất là vào giờ cao điểm.
Một điểm cong trên đường Trường Chinh. Ảnh: Kiên Trung
Vì tắc đường, nhiều người tham gia giao thông phải đi cả vào công trường đang thi công.
Đoạn đường từ điểm giao Vương Thừa Vũ kéo dài đến ngã tư Tôn Thất Tùng còn chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng.
Khó khăn trong giải phóng mặt bằng
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho biết, dù là dự án quan trọng nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằn bởi khối lượng cần giải phóng mặt bằng là rất lớn với 623 hộ dân cùng 29 cơ quan thuộc địa bàn quận Đống Đa, Thanh Xuân.
Quỹ nhà tái định cư chưa được bố trí kịp thời cũng là một trong số các nguyên nhân khiến dự án bị chậm trễ.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội từng yêu cầu các quận Thanh Xuân, Đống Đa đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đơn vị thi công tăng tốc. Tuy nhiên, việc hoàn thành dự án trước Tết Bính Thân đã không thực hiện được.
Gần đây, dù Ban Quản lý dự án đã cam kết hoàn thành trogn quý II/2016 nhưng hiện đã là tháng 9/2016, dự án vẫn ngổn ngang.
Sẽ thực hiện cưỡng chế nếu không di dời
Ông Nguyễn Hoàng Giáp - Phó chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, dự án này là dự án trọng điểm của TP. Do đó, việc di dời là không thể không thực hiện.
Ông Giáp cũng cho biết thêm, để đảm bảo tiến độ dự án, quận sẽ thực hiện cưỡng chế nếu người dân không tuân thủ phương án di dời.
Một công trình cuối cùng thuộc địa bàn quận Đống Đa đã di dời để
trả đất cho dự án. Người dân cho biết vẫn chưa nhận tiền đền bù
(Ảnh chụp trước khi công trình được di dời)
Trường hợp cụ thể của gia đình ông Nguyễn Quốc Doanh nằm trên đất dự án, Phó chủ tịch quận Đống Đa cho biết, ngày 31/12/2014, UBND quận đã ra quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho hộ gia đình ông Nguyễn Quốc Doanh, Trần Thị Thúy và quyết định thu hồi 82,6 m2 đất của gia đình ông. Tuy nhiên, dù gia đình ông Doanh đã di dời toàn bộ để trả mặt bằng cho dự án nhưng vẫn chưa nhận tiền đền bù và chấp thuận phương án giải quyết của quận.
Ngày 7/5/2016, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Bí thư Quận ủy Lê Tiến Nhật, Phó chủ tịch quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp, Chủ tịch phường Phương Mai Hoàng Bảo Phương… và đại diện một số sở đã xuống làm việc với gia đình ông Doanh.