Việc thu hồi 1,8ha đất ở đường ven Hồ Tây để làm dự án công viên cây xanh và nhà điều hành, tổ chức sự kiện phục vụ vui chơi giải trí công cộng Tây Hồ, đang có nhiều lùm xùm xoay quanh việc đền bù giải phóng mặt bằng.
|
BĐS ven Hồ Tây, khu vực BĐS đắt đỏ |
56 hộ dân tổ 24 và 25 phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội không đồng tình với nội dung thông báo số 34/TB-UBND ngày 27/6/2014 của UBND phường Quảng An; phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ đất và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) quận Tây Hồ và Công ty CP Đầu tư Thương mại Hà Nội xanh (gọi tắt là Công ty Hà Nội xanh). Trước đó, ngày 4/4/2014, các hộ dân này đã có đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng có thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội, quận Tây Hồ nhưng chưa nhận được phản hồi. Diện tích đất nằm trong diện thu hồi ở đường ven Hồ Tây, được các hộ dân canh tác ổn định từ năm 1988 đến nay.
Đại diện các hộ dân cho rằng, đây không phải là dự án thuộc lĩnh vực An ninh - Quốc phòng, dự án của Nhà nước phục vụ cộng đồng mà do tư nhân đầu tư với mục đích kinh doanh. Thế nên, việc thu hồi đất với giá đền bù chỉ có 4 triệu đồng/m2 là quá rẻ mạt. Người dân kiến nghị, yêu cầu thực hiện đúng quy chế công khai dân chủ về dự án. Yêu cầu Công ty Hà Nội xanh thực hiện đối thoại với các hộ dân để đi đến sự đồng thuận giá cả phù hợp với thị trường theo quy định của Luật Đất đai 2013.
Ngày 4/8, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Hồi, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An thì được biết, UBND phường đã nhận được kiến nghị của người dân cũng như ý kiến cho rằng, đây là dự án thương mại nên việc đền bù GPMB phải là giá thoả thuận. Tuy nhiên, ông Hồi cũng đưa ra các văn bản như: Quyết định đầu tư, Quy hoạch chi tiết… của cơ quan chức năng Hà Nội giao Công ty Hà Nội xanh thực hiện dự án này. Do người dân không chấp thuận phương án đền bù GPMB nên việc kiểm soát, đo đếm tại khu đất trên chưa thực hiện được. Hiện nay, thẩm quyền giải quyết thuộc UBND quận Tây Hồ.
Trước những kiến nghị của người dân, thiết nghĩ các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cần làm rõ: Dự án công viên cây xanh và nhà điều hành, tổ chức sự kiện phục vụ vui chơi giải trí công cộng Tây Hồ là dự án công ích hay dự án thương mại. Từ đó, có phương án đền bù thu hồi đất và bố trí tái định cư phù hợp. Nếu dự án được thực hiện thì phải đảm bảo tìm được tiếng nói chung trong việc đền bù. Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi chính đáng của các hộ dân thuộc diện thu hồi đất cũng như chủ đầu tư, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài.