Công tác GPMB thuộc dự án mở rộng QL 1A bên cạnh những hiệu quả đạt được ban đầu vẫn còn tồn đọng rất nhiều những bất cập. Thực tế này đòi hỏi các các bộ địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt hơn để dự án được đảm bảo tiến độ.
Nhiều cản trở trong công tác GPMB
Thực tế công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại tỉnh Quảng Nam vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do nhiều hộ dân cố tình chây ỳ, chẳng những không đồng ý bàn giao mặt bằng mà còn lôi kéo những hộ xung quanh vào việc cản trở thi công dự án… để đòi thêm quyền lợi.
Theo quyết định của Bộ Giao thông - Vận tải, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Quảng Nam gồm 2 dự án thành phần, dự án thành phần 1 có chiều dài 29,3 km; dự án thành phần 2 có chiều dài 27,7 km toàn tuyến với tổng chiều dài là 57km đi qua địa bàn 6 huyện, thành phố. Trong đó, có 3.788 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng diện tích đất thu hồi hơn 111 ha.
Nhiều hộ dân vẫn chưa đồng ý bàn giao mặt bằng để thi công dự án.
Dự án thành phần 1 được khởi công xây dựng ngày 13/1/2014, do Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 545 (Ceco 545) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư gần 1.487 tỷ đồng.
Tuy nhên, đến nay công tác GPMB đối với dự án thành phần 1 đang gặp rất nhiều khó khăn do hàng trăm hộ dân tại các huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Núi Thanh…không chịu hợp tác. Nguyên nhân chính được xác định là do công tác giải tỏa đền bù còn nhiều vướng mắc, một số hộ dân chưa đồng thuận với chủ trương, chưa thống nhất nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng hoặc đã nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng nhưng vẫn có đơn kiến nghị, ông Thân Hóa, Giám đốc Ceco 545 cho biết.
Bên cạnh đó, chính quyền, hội đồng giải tỏa đền bù và các cơ quan chức năng thực hiện bảo vệ thi công dự án của địa phương chưa thực sự quyết liệt, chưa cương quyết giải quyết dứt điểm những tồn tại nên dẫn đến việc người dân cản trở công tác thi công.
Tính riêng trên địa bàn huyện Thăng Bình (Quảng Nam) đã có tới 265 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Bà Lê Thị Thanh Mai, Phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, có 25 hộ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng chưa bàn giao mặt bằng; 87 hộ chưa nhận tiền bồi thường; 153 hộ không thuộc diện bồi thường không chịu bàn giao mặt bằng và cản trở thi công. Dự kiến tỉnh sẽ tiếp tục vận động và cưỡng chế 112 hộ. Tương tự, tại huyện Duy Xuyên vẫn còn đến 172 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư triển khai các biện pháp thi công dự án. Địa bàn huyện Quế Sơn (Quảng Nam) có số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng ít hơn, nhưng vẫn còn tới 23 hộ...
Cán bộ địa phương cần vào cuộc cương quyết hơn
Được biết những đòi hỏi trên của người dân đã đi quá so với quy định của Nhà nước, nhiều nhất là đòi hỏi bồi thường về đất nhưng số diện tích đất này nằm trong mốc lộ giới theo quy định của Nhà nước là không đền bù. Theo khảo sát tại một số huyện, nhiều hộ dân cố tình chây ỳ, chẳng những không đồng ý bàn giao mặt bằng mà còn lôi kéo những hộ xung quanh vào việc cản trở thi công dự án… để đòi thêm quyền lợi.
Điển hình là ba trường hợp ở thôn Mộc Bài, xã Quế Phú gồm hộ nhà ông Trần Hữu Phúc, Trần Hữa Thanh và bà Nguyễn Thị Lệ Trang. Ba hộ này được UBND xã Quế Phú xác nhận thuộc đối tượng không được bồi thường về đất. Nguyên nhân là do năm 1994 cả ba hộ này đều mua đất thông qua giấy viết tay và đến nay chưa thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất…
Theo sơ đồ các thửa đất theo quyết định giao đất của UBND huyện Quế Sơn ngày 20/1/1994 chỉ rõ, vị trí thửa đất cách tim đường quốc lộ 1A 27m, xây dựng nhà ở cách tim đường quốc lộ 1A 32m… Chính từ nguồn gốc đất như trên nên cơ quan chức năng xác nhận 3 hộ trên không đủ điều kiện được bồi thường về đất là đúng quy định, ông Đồng Phước Thoại, Chủ tịch UBND xã Quế Phú (Quế Sơn) cho hay.
Tương tự, trường hợp hộ bà Võ Thị Kim Lành tại xã Hương An (Quế Sơn) cũng thuộc diện không được bồi thường đất, nhưng bà Lành cản trở, không cho nhà thầu tổ chức thi công. Một trường hợp khác là hộ ông Nguyễn Văn Hường, thôn 7 xã Hương An cũng không đồng ý bàn giao mặt bằng và yêu cầu Nhà nước giải quyết hỗ trợ tiền di dời 3 trụ bơm xăng vào phía trong; bố trí 1 lô đất tái định cư nơi khác…
Theo Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Quế Sơn Triệu Ngọc Chi, việc đề nghị Nhà nước hỗ trợ như trên là không phù hợp với pháp luật quy định. Bởi 3 trụ bơm xăng này nằm ngoài phạm vi GPMB của dự án nên không thuộc diện bồi thường hỗ trợ di dời...
Không chỉ dừng lại ở việc cản trở mà tại địa bàn huyện Thăng Bình còn xảy ra trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ trong lúc các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ. Đáng báo động là tình trạng này diễn ra trong suốt thời gian qua nhưng chính quyền tỉnh Quảng Nam vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm để tạo điều kiện cho nhà thầu thi công dự án, gây bức xúc cho dư luận, tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc giao thông, gây ra tai nạn...
Ông Nguyễn Nho Toàn, Phó giám đốc Công ty Ceco 545, người trực tiếp theo dõi về công tác GPMB của dự án cho hay, kế hoạch bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư trước 30/9/2014 sẽ rất khó thực hiện được nếu tình trạng này kéo dài, từ đó gây ảnh hướng lớn tới tiến độ thi công dự án của DN. Trong khi, chủ đầu tư còn đang phải chạy đua với thời tiết bởi chỉ còn ít ngày nữa miền Trung sẽ bước vào mùa mưa bão… việc triển khai thi công sẽ khó khăn rất nhiều.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư thự hiện dự án trọng điểm quốc gia cũng như đảm bảo an toàn giao thông trên toàn tuyến thì sự vào cuộc của cán bộ các cấp liên quan cần quyết liệt hơn. Nếu thương thuyết không được, cán bộ cần có những biện pháp cưỡng chế hợp lý để đẩy nhanh tiến độ GPMB cũng như bảo vệ việc thi công dự án được tốt hơn.