Triển khai giải phóng mặt bằng cuối năm 2007, nhưng đến nay, dự án khu đô thị Trung tâm Tây Hồ Tây vẫn chưa được bàn giao đất sạch để thực hiện dự án theo kế hoạch đã được Hà Nội phê duyệt.
Triển khai giải phóng mặt bằng cuối năm 2007, nhưng đến nay, dự án khu đô thị Trung tâm Tây Hồ Tây vẫn chưa được bàn giao đất sạch để thực hiện dự án theo kế hoạch đã được Hà Nội phê duyệt.
UBND TP. Hà Nội vừa chỉ đạo, đối với 20 hộ dân đã được phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhưng chưa nhận tiền, Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Hà Nội phối hợp với hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện Từ Liêm và xã Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế hoàn thiện hồ sơ xử lý hành chính, xong trước ngày 30-6. Việc thực hiện biện pháp hành chính phải thực hiện trong tháng 7-2012.
Đối với nghĩa trang thôn Hoàng, Hà Nội yêu cầu huyện Từ Liêm tiếp tục vận động nhân dân địa phương sử dụng nghĩa trang thành phố, dừng việc di chuyển mộ từ nơi khác đến nghĩa trang.
Hà Nội yêu yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố phối hợp với chính quyền các quận, huyện và Công ty THT thực hiện xây tường bao quanh nghĩa trang hiện có trong phạm vi dự án.
UBND TP giao Ban đô thị mới Hà Nội tổng hợp báo cáo về nhu cầu tái định cư, thống kê các địa điểm đã được chấp thuận bố trí tái định cư, số lượng tái định cư còn thiếu, kèm theo đề xuất cụ thể để báo cáo UBND TP xem xét giải quyết trước 25-6.
Khu đô thị Tây Hồ Tây với tổng diện tích hơn 210 ha được Ủy Ban Nhân Dân TP. Hà Nội phê duyệt và công bố từ tháng 4-2008.
Dự án có số vốn đầu tư 314.125.000 USD, tổng diện tích là 207,66 ha, nằm tại khu vực Tây Hồ Tây trên địa giới hành chính của phường Xuân La (quận Tây Hồ), Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), xã Xuân Đỉnh và Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm).
Dự án khu đô thị Tây Hồ Tây được chia thành nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư là 300 triệu USD, bao gồm toàn bộ cơ sở hạ tầng (như đường xá, hệ thống ngầm, hệ thống cấp thoát nước, thông tin liên lạc...).
Phía Bắc là đường quy hoạch tiếp giáp với khu ngoại giao đoàn; Phía Nam là đường quy hoạch (có mặt cắt ngang 40m, ra đường Hoàng Quốc Việt); Phía Đông là đường quy hoạch (đường vành đai 2, đường Lạc Long Quân); Phía Tây là đường quy hoạch (có mặt cắt ngang 40m, ra đường Phạm Văn Đồng).
Khu đô thị mới Tây Hồ Tây được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ, gồm: Khu thương mại quốc tế (có Trung tâm truyền thông kỹ thuật số...), khu thương mại (khu vực mua sắm, giải trí, văn phòng...), khu ven hồ (gồm các hoạt động du lịch, trung tâm tin học, khách sạn, văn phòng), khu dân cư và vành đai xanh (biệt thự, nhà chung cư cao tầng...).
Đây là khu đô thị do công ty TNHH phát triển T.H.T làm chủ đầu tư với 100% vốn Hàn Quốc. Đơn vị thiết kế là Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cùng với đại diện các công ty tư vấn về kiến trúc, xây dựng của Hàn Quốc. Bởi vậy, khu đô thị mới Tây Hồ Tây trong tương lai không chỉ hiện đại mà còn mang phong cách Hàn Quốc.
Dự án do tổ hợp 5 công ty xây dựng của Hàn Quốc thực hiện, gồm: Công ty Daewoo Engineer&Construction Co.,Ltd, Daewon Co.,Ltd, Dong IL Highvill Co.,Ltd, Keangnam Enterprises, Ltd và Kolon Engineering&Construction Co., Ltd.
Dự kiến đến năm 2020 khu đô thị này mới hoàn thành.
(Theo TP)