Văn phòng Chính phủ ngày 19/9 đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp liên quan tới chủ trương xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam. Theo đó, ông Dũng yêu cầu Bộ GTVT chuẩn bị kỹ đề án và làm rõ tốc độ chạy tàu của đường sắt này.
Như vậy, nhiệm vụ của Bộ GTVT là phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng về nội dung với trọng tâm Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để bảo vệ cũng giải trình thuyết phục vệ dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam.
Cũng theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, kinh nghiệm quốc tế, nội địa hóa, cơ cấu loại hình vận tải, chọn tốc độ chạy tàu, khả năng bố trí vốn, tác động của đường sắt tốc độ cao lên những loại hình giao thông khác, chọn giai đoạn đầu tư từ năm 2021-2030 hay sau năm 2030 cần được làm rõ.
|
Chính phủ đốc thúc hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam. Trong ảnh: Tàu cao tốc ở Nhật Bản. (Ảnh: Anh Duy) |
Trong khi đó, Bộ KH&ĐT, Hội đồng thẩm định nhà nước được giao nhiệm vụ khẩn trương thẩm định và lựa chọn tư vấn đủ kinh nghiệm, năng lực để phản biện, thẩm tra. Bộ GTVT sẽ căn cứ vào kết quả thẩm định để hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, sau đó báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2020.
Dự án đường sắt tốc độ cao sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021-2030 hoặc sau năm 2030 nếu Quốc hội thông qua. Theo đó, dự án sẽ được xây dựng 1 hoặc 2 đoạn tuyến, ưu tiên đoạn TP.HCM đi sân bay Long Thành trong những năm 2021-2030.
Nội dung kết luận nêu rõ, địa hình Việt Nam dài và hẹp nên "việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc Nam có ý nghĩa quan trọng, kết nối vận tải trên toàn trục, qua các địa phương, các đô thị, các khu kinh tế, các khu công nghiệp".
Dự án đường sắt tốc độ cao sau khi hoàn thành và đi vào sử dụng được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên trục Bắc Nam. Đồng thời, đường sắt tốc độ cao sẽ giúp giảm áp lực lên những loại hình vận tải đường hàng không, đường bộ; giảm áp lực cho các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội. Mặt khác, công trình còn tạo hành lang phát triển đô thị và phân bố lại dân cư.
Hồi đầu năm 2019, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc trên trục Bắc - Nam.
Tuyến đường sắt tốc độ cao theo đề xuất có tổng chiều dài 1.559km, chạy dọc theo hành lang Bắc - Nam, kết nối Thủ đô Hà Nội và TP.HCM. Đường sắt có tốc độ khai thác là 320km/h, tốc độ thiết kế đoàn tùa 350km/h. Dự án được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách. Nếu không dừng ở một số ga thì thời gian chạy tàu từ Hà Nội vào TP.HCM là 5 giờ 20 phút. Còn nếu dừng ở tất cả ga thì thời gian chạy tàu là 6 giờ 55 phút. Tổng mức đầu tư dự án trên 1,3 triệu tỷ đồng, tương đương 58,7 tỷ USD.
Thế nhưng, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ KH&ĐT đề xuất xây tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam với tổng kinh phí chỉ 26 tỷ USD, tốc độ 200km/h.
Hội đồng thẩm định dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đã được Thủ tướng thành lập với thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành cùng 20 tỉnh thành có đường sắt chạy qua. Hội đồng được phép thuê tư vấn nước ngoài. Vào kỳ họp tháng 5/2020, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội xem xét và quyết định chủ trương đầu tư dự án đườn sắt tốc độ cao Bắc Nam.